Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đâu chỉ dạy vẽ

18/12/2019 07:10 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Mới đây, tại Salon Saigon (TP.HCM), trong buổi nói chuyện chuyên đề Những nhân duyên đưa đến việc thành lập Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi tiếp tục cập nhật, hiệu chỉnh những thông tin đã có lâu nay. Do trường này đào tạo ra nhiều danh họa nổi tiếng thế giới, nên trong suy nghĩ nhiều người, trường chỉ có dạy vẽ.

Hội họa đem 'âm thanh' đến cho người câm điếc

Hội họa đem 'âm thanh' đến cho người câm điếc

Sáng 19/9, Hội Mỹ thuật TP.HCM và CLB Mekong Art đã có buổi gặp mặt báo chí về triển lãm "Âm thanh hội họa" sẽ diễn ra từ ngày 22 đến 24/9 tại Đường sách TP.HCM.

Tại buổi nói chuyện vừa qua, Ngô Kim Khôi đã công bố thêm một số tài liệu và hình ảnh tìm thấy tại Trung tâm lưu trữ tại Pháp, cũng như một số tài liệu riêng do gia đình Victor Tardieu (1870 - 1937, họa sĩ người Pháp, đồng sáng lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương), cung cấp. Những hình ảnh này củng cố thêm vào những tư liệu vốn dĩ đã hiếm hoi, làm giàu cho những ai yêu thích nghiên cứu về lịch sử hội họa Việt Nam nói chung và Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương nói riêng.

Ngôi trường không giống ai

Trong bài diễn văn của Victor Tardieu nhân dịp Hoàng đế Bảo Đại viếng thăm Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ngày 13/12/1933, chúng ta được biết ngoài các khoa hội họa, điêu khắc, sơn mài, kiến trúc, trường này còn có các khoa, các bộ môn nghiên cứu nghệ thuật trang trí ứng dụng cho đồ nội thất, chạm trổ, chạm khắc, vẽ vải, thêu, ren…

Có lẽ cũng vì sự đa dạng bộ môn bản xứ mà nhà phê bình nghệ thuật danh tiếng của nước Pháp là Waldemar George nhận định rằng Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương không giống với bất kỳ trường mỹ thuật nào khác trên thế giới.

Chú thích ảnh
Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi tại buổi nói chuyện chuyên đề “Những nhân duyên đưa đến việc thành lập Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương”

Victor Tardieu chủ trương lấy nghệ thuật truyền thống An Nam làm cơ bản, “theo phương pháp ngàn xưa, nhưng vẫn có khả năng thích ứng với nhu cầu hiện đại và các vật liệu mới”, lấy vai trò của người Việt làm chính, đào tạo “một đội ngũ giáo sư bản xứ, vì trong một quốc gia có truyền thống thủ công xuất sắc như đất nước An Nam, việc đào tạo thế hệ mới phụ thuộc vào sự giáo huấn của đội ngũ giáo sư này” - những chữ trong ngoặc kép là trích từ trang nhất của nhật báo Tương lai Bắc Kỳ (l'Avenir du Tonkin), số ra ngày 13/12/1933.

Tạp chí L'lllustration, số 4.608, ra ngày 27/6/1931, đã viết: “Người sáng lập trường và những cộng sự của ông cho rằng điều cần làm ngay là phải giúp đỡ các nghệ sĩ và nghệ nhân An Nam tìm lại được ý nghĩa sâu xa, nguồn cảm hứng cơ bản từ chính truyền thống của họ, và muốn thế thì phải đặt trước mắt các sinh viên càng nhiều càng tốt những mẫu của nghệ thuật An Nam truyền thống. Tuy nhiên, sự quay về với quá khứ này chỉ có thể trở nên hiệu quả hơn nếu nó được dùng làm điểm xuất phát cho những tìm kiếm mới, cho một diễn biến phù hợp với những đòi hỏi của thời bây giờ. Tóm lại, đó là thực hiện một diễn biến hiện đại trong sự kéo dài một nghệ thuật truyền thống”.

Ngoài những họa sĩ sáng danh chúng ta đã biết, phải kể đến những kiến trúc sư như Nguyễn Xuân Phương, Hoàng Như Tiếp, Nguyễn Ngọc Ngoạn… họ là những nhân vật đóng góp cho sự phát triển của nền mỹ thuật, kiến trúc và kiến thiết nước nhà, nhưng còn ít được nhắc đến.

Chỉ cần qua hai cuộc triển lãm chung của trường này tại Hà Nội năm 1929 và tại Paris năm 1931, với những tên tuổi như Nguyễn Nam Sơn, Nguyễn Phan Chánh, Lê Văn Đệ, Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Tô Ngọc Vân, Lê Thị Lựu, Đỗ Đức Thuận, Vũ Cao Đàm… thế giới đã nhận thấy tại nước An Nam xa xôi đã khai hoa một trường phái “mỹ thuật mới”, không lẫn lộn với mỹ thuật Nhật Bản hoặc Trung Hoa. Và cho đến ngày nay, các thành tựu thời Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương vẫn được xem là một đại diện tiêu biểu cho mỹ thuật Việt Nam trên toàn thế giới.

Chú thích ảnh
Đặc biệt trong lần nói chuyện có bày hai tác phẩm của họa sĩ Nam Sơn, lần đầu tiên được công bố. Như chúng ta đã biết, các sáng tác của Nam Sơn rất hiếm hoi, muốn thưởng thức trực tiếp hầu như bất khả

Vai trò của người Việt

Sau khi nhận Giải thưởng Đông Dương (Prix de l'Indochine) năm 1920 và một học bổng nghiên cứu trong vòng một năm, ngày 5/1/1921, Victor Tardieu xuống tàu ở cảng Marseilles, ăn Tết tại Hà Nội vào ngày 2/2/1921. Sau khi Nam Sơn tạo ấn tượng bằng việc trang trí Hội quán sinh viên An Nam (Foyer des Étudiants Annamites) do Paul Monet thành lập, ông này đã nhờ Louis Marty (Chủ tịch danh dự của hội quán) giới thiệu với Victor Tardieu. Một thời gian ngắn sau cuộc hạnh ngộ này, Victor Tardieu và Nam Sơn đã xong đồ án thành lập một trường dạy mỹ thuật tại Đông Dương

Chúng ta phải công nhận rằng dưới chế độ thực dân Pháp, việc đóng góp quan trọng của người An Nam trong công cuộc xây dựng nền văn hóa mới không phải là điều dễ dàng được công nhận một cách chính thức. Họa sĩ Lương Xuân Nhị đã từng viết thư trả lời Ngô Kim Khôi, trong đó có đoạn: “... ta hiểu rằng dưới chế độ thuộc địa của thực dân, người Việt Nam chúng ta chẳng có quyền hành gì!” - thư viết ngày 23/11/1999.

Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, với lịch sử Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, nhất là vai trò cốt yếu của họa sĩ Nguyễn Nam Sơn đối với việc thành lập trường, trong quá khứ, các nước và người ngoại quốc cũng đã công nhận khá minh bạch, hơn cả người Việt chúng ta. Trong những báo cáo (rapports) hàng năm của Victor Tardieu gởi về Pháp quốc, ông đều ghi rõ vai trò của Nguyễn Nam Sơn và các cộng sự người An Nam.

Chính nhờ những báo cáo này mà trong cuốn Những trường mỹ thuật Đông Dương (Les Écoles d’art de l’Indochine), do Nha học chính Toàn quyền Đông Dương xuất bản năm 1937, trang 16, có câu “M. Nam Son, qui est un des deux fondateurs de l'École…” (ông Nam Sơn, là một trong hai người sáng lập trường cao đẳng…).

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm