19/05/2025 11:41 GMT+7 | Tin tức 24h
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng 19/5, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh đã trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku.
Tờ trình nêu rõ, việc kết nối khu vực tỉnh Gia Lai và Kon Tum với Bình Định và các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung Bộ bằng đường bộ thông qua các tuyến quốc lộ như hiện nay chỉ đáp ứng nhu cầu vận tải thông thường, chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư do thời gian và chi phí vận tải còn cao nên chưa phát huy tốt lợi thế phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo và du lịch của khu vực tỉnh Gia Lai và Kon Tum.
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN
Việc sớm đầu tư Dự án là cấp thiết vì những lý do chủ yếu sau: Thực hiện mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại theo định hướng của Đảng và Nhà nước; đáp ứng nhu cầu vận tải trên trục Đông - Tây và bảo đảm quốc phòng, an ninh; phân bổ lại và tạo ra không gian mới phục vụ phát triển kinh tế; đồng thời, phát triển phương thức vận tải bền vững hiện đại, góp phần giảm tai nạn giao thông.
Sơ bộ về phạm vi, quy mô đầu tư, điểm đầu của Dự án tại Quốc lộ 19B thuộc địa phận thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định; điểm cuối tại đường Hồ Chí Minh thuộc địa phận thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Tổng chiều dài khoảng 125 km; trong đó đoạn qua địa phận tỉnh Bình Định khoảng 40 km, qua địa phận tỉnh Gia Lai khoảng 85 km. Dự án đi qua địa phận thị xã An Nhơn và huyện Tây Sơn thuộc tỉnh Bình Định; thị xã An Khê, huyện Đắk Pơ, huyện Mang Yang, huyện Đắk Đoa và thành phố Pleiku thuộc tỉnh Gia Lai.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh trình bày tóm tắt tờ trình. Ảnh minh hoạ: TTXVN
Dự án có quy mô đầu tư 4 làn xe, có làn dừng khẩn cấp liên tục, bề rộng nền đường là 24,75 m. Tiêu chuẩn kỹ thuật đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc cấp 100, tương ứng với vận tốc thiết kế 100 km/h. Tổng diện tích đất chiếm dụng sơ bộ khoảng 942,15 ha. Hình thức đầu tư được đề xuất là dự án đầu tư công với sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 43.734 tỷ đồng. Nguồn vốn đề xuất là sử dụng vốn ngân sách nhà nước từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước năm 2024, nguồn ngân sách trung ương và địa phương giai đoạn 2021 – 2025 và giai đoạn 2026 - 2030.
Trình bày Báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi cho biết, Ủy ban này nhận thấy Dự án đáp ứng các tiêu chí dự án quan trọng quốc gia thuộc thẩm quyền Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư theo quy định tại Điều 8 của Luật Đầu tư công. Do đó, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án là phù hợp với quy định của pháp luật.
Ủy ban Kinh tế và Tài chính thống nhất sự cần thiết đầu tư Dự án với những cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý đã được nêu tại Tờ trình của Chính phủ. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thông qua đã xác định xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại là một trong ba đột phá chiến lược.
Tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku thuộc hành lang Đông - Tây, có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của vùng Tây Nguyên và khu vực duyên hải Trung Bộ. Ảnh minh hoạ: TTXVN
Việc sớm đầu tư Dự án sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng và các địa phương liên quan; tạo điều kiện kết nối với các nước Lào và Campuchia.
Về phạm vi, quy mô, phương án thiết kế sơ bộ và phân chia các dự án thành phần, Cơ quan chủ trì thẩm tra đề nghị, trong bước nghiên cứu khả thi, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát kỹ lưỡng, lựa chọn phương án hướng tuyến tối ưu, bảo đảm kết nối hiệu quả với các đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch... Ngoài ra, đề nghị tiếp tục rà soát kỹ lưỡng việc đầu tư xây dựng hệ thống trạm dừng nghỉ, hệ thống giao thông thông minh (ITS), nút giao, các công trình phụ trợ, đồng bộ khi Dự án hoàn thành để bảo đảm hiệu quả đầu tư Dự án.
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, theo số liệu tính toán số làn xe đến năm 2035 chỉ cần đầu tư từ 2 - 3 làn xe, do đó cần có phương án so sánh trong giai đoạn 1 Dự án được đầu tư hoàn chỉnh theo quy mô mặt cắt 4 làn xe, phần kết cấu mặt đường sẽ được phân kỳ theo tốc độ tăng trưởng xe tránh lãng phí chi phí đầu tư phần mặt đường.
Về hình thức đầu tư, Ủy ban Kinh tế và Tài chính cơ bản tán thành đầu tư Dự án theo hình thức đầu tư công với những lý do đã được phân tích tại Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất