Thể thao Việt Nam và thách thức Top 50 Olympic: Nghịch lý các giải đấu

24/04/2025 08:21 GMT+7 | Thể thao

Trong khuôn khổ phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào sáng 14/4, Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Dương Thanh Bình cho biết, từ Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đến nay, cử tri tại nhiều địa phương đã liên tục kiến nghị ban hành thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 200 ngày 30/12/2011 của Bộ Tài chính và Bộ VH,TT&DL quy định chế độ chi tiêu tài chính đối với các giải thi đấu thể thao cấp quốc gia – quốc tế.

Nội dung báo cáo cũng thông tin, qua giám sát cho thấy, Thông tư liên tịch số 200 ra đời năm 2011 là căn cứ pháp lý quan trọng cho tổ chức các giải thể thao, nhưng nhiều nội dung đã lạc hậu, không còn phù hợp với thực tiễn. Mức chi quy định không theo kịp chi phí thực tế và lương cơ sở đã tăng gấp 2,82 lần so với thời điểm ban hành. Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát thì Bộ Tài chính và Bộ VH,TT&DL đều thống nhất cần thiết phải ban hành thông tư thay thế.

Đây là một trong những nguyên nhân để lý giải cho việc giải vô địch quốc gia của một số môn lại luôn ở trong tình trạng không có người xem lẫn người tham dự. Ví dụ như giải bóng rổ VĐQG vừa mới kết thúc ở Cần Thơ chỉ có 5 đội nữ và 9 đội nam, một con số có thể gây sốc nếu chúng ta biết là chỉ gần bằng các giải vô địch của bóng ném bãi biển hay môn võ vật Krush bãi biển, trong khi mức độ phổ biến và phong trào bóng rổ thì gấp hàng chục lần.

Theo ước tính, có hơn 50% các môn thể thao của Việt Nam ở trong tình trạng dưới 10 đoàn/đơn vị tham gia tranh tài ở giải VĐQG vốn quan trọng số 1 ở tiêu chí tuyển chọn đội tuyển quốc gia. Với các qui định về mức chi hiện tại, nếu không có nguồn tiền nào khác, thì gần như không thể cử đoàn tham gia. Nghịch lý ở đây không phải là quá tốn kém, mà là…nếu chi theo qui định thì quá ít, không đủ để di chuyển, ăn uống và lưu trú xét trên mặt bằng giá cả.

Chuyên đề "Thể thao Việt Nam và thách thức Top 50 Olympic": Nghịch lý các giải đấu - Ảnh 1.

Bóng rổ là môn thể thao phổ biến ở Việt Nam nhưng lại chưa có hệ thống giải đấu đầy đủ và rộng khắp. Ảnh: Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam

Địa phương cử đi lẫn nơi đăng cai tổ chức thì không thể tự ý chi vượt khung theo nguyên tắc kế toán, mọi thứ chỉ trông đợi vào nguồn tài trợ hoặc ngân sách của các Liên đoàn/Hiệp hội. Vấn đề là với một số môn, khoản phát sinh này gần như bằng không. Đơn cử như Liên đoàn bóng bàn có năm tạo doanh thu chỉ hơn 800 triệu đồng nhưng tổ chức đến 6 giải đấu, chia bình quân ra thì chỉ vừa đủ cho tiền thưởng.

Tất nhiên là chuyện này không có gì bí mật cả, còn tại sao cho đến nay Thông tư liên tịch số 200 vẫn chưa được sửa đổi cho phù hợp thực tiễn, thì lại là vấn đề khác. Trên thực tế, nguồn ngân sách của Nhà nước hiện đang ưu tiên cho tiền lương, thưởng, bồi dưỡng VĐV, HLV trong cả năm mà vẫn còa nhiều bất cập, chưa thể đáp ứng được yêu cầu. Thế nên việc xem xét đến các khoản chi cho các giải đấu, vốn là hoạt động cuối cùng của cả một quá trình vận hành nền thể thao, đương nhiên là phải nằm trong… chế độ chờ.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại. Khác với các khoản chi thường xuyên khác, việc tổ chức các giải đấu thường có phát sinh doanh thu, một trong những khía cạnh không thể bỏ qua của các sự kiện thi đấu thể thao. Thông tư liên tịch số 200 cũng qui định rõ, các khoản chi tổ chức giải được cân đối một phần từ nguồn thu. Đại khái là phải tìm cách lấy thu – bù chi chứ không thể trông đợi vào các mức chi cố định. Thế nhưng, với "lèo tèo" vài đơn vị tham gia, số lượng trận đấu gần như tối thiểu, thậm chí còn kém hơn các cuộc kiểm tra năng lực nội bộ của đội tuyển quốc gia, thì làm sao có thể bán vé hay vận động tài trợ.

Đây không phải là chuyện "con gà – quả trứng". Trách nhiệm của các giải đấu thuộc về các Liên đoàn/Hiệp hội. Những tổ chức xã hội này cần phải làm sao để hỗ trợ các địa phương cử đoàn tham gia, giúp cho giải đấu sôi động và kéo dài thời gian thi đấu để truyền thông hiệu quả. Không làm được việc này, có sửa Thông tư liên tịch số 200 cũng vậy thôi.

Long Khang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm