Cầu nguyện cho Tito, nhưng đừng lo cho Barcelona

01/01/2013 14:08 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Huấn luyện viên Tito Vilanova đã xuất viện, nhưng vẫn cần đến sáu tuần hóa trị và xạ trị, chưa kể thêm một quãng thời gian dài nữa để bình phục hoàn toàn. Nhưng Barcelona có cần phải lo lắng?

Những nghi ngờ đã tạm lắng xuống sau trận thắng trên sân của Valladolid cuối tuần trước. Barca, dưới sự dẫn dắt của trợ lý Jordi Roura, đã giành chiến thắng thứ 16/17 vòng đã đấu mùa này, vẫn với lối chơi đập nhả và đưa bóng đến tận cửa gôn quen thuộc. Lionel Messi vẫn ghi bàn, có chăng là lần này, sau bốn tháng, anh mới lại “chỉ” ghi một bàn/trận (trước đó, Messi toàn lập cú đúp và… hat-trick!)

Nhưng chơi suôn sẻ trong một trận đấu khác với hành trình một nửa mùa giải mà Barca đã trải qua với Vilanova. Thay đổi huấn luyện viên là một biến cố lớn. Khả năng xoay xở chiến thuật theo diễn biến trên sân lẫn xoay vòng đội ngũ khi gặp vấn đề về lực lượng cũng có thể tạo ra khác biệt. Và trên hết, Tito đã chứng minh ông có thể chịu được áp lực khủng khiếp khi tiếp quản Barca sau thời kỳ rực rỡ của Pep Guardiola.

Báo chí Tây Ban Nha đưa tin Barca đang cuống cuồng tìm một người mới để tạm thời thay Tito, thậm chí còn đề cập đến khả năng đưa Guardiola trở lại. Mọi việc có vẻ đang trở nên trầm trọng.



Hãy chúc Vilanova sớm bình phục, nhưng đừng lo lắng cho Barca

Lời kêu gọi của Thánh Johann

Roura, huaná luyện viên tạm quyền của Barca lúc này, cũng là một cầu thủ thuộc thế hệ đầu tiên của lò đào tạo La Masia vào năm 1984, cùng với Tito, Pep và Aureli Altimira, một thành viên khác trong ban huấn luyện. Trong cuốn sách nổi tiếng Sự hình thành đội bóng vĩ đại nhất thế giới, ký giả Graham Hunter từng phỏng vấn Vilanova, và Tito tiết lộ: Ông tin tưởng rằng bốn người bọn họ có chung một tư tưởng bóng đá, thậm chí là từ những tiểu tiết.

Nhưng không chỉ có bốn người bọn họ. Triết lý bóng đá tại Camp Nou giống như một thứ virus lan tỏa đến từng thành viên của đội, một khi họ đã gia nhập đội bóng này, không kể là hiện tại, hay trong quá khứ.

Khi biết tin Tito lâm bệnh, huyền thoại Johann Cruyff đã nhanh chóng lên tiếng kêu gọi các cầu thủ hãy giúp trợ lý Roura, và cả đội lập tức hưởng ứng bằng một chiến thắng. Con người của lịch sử đã đánh thức ý chí của hiện tại, và ngay cả trong lối chơi đã được nâng tầm lên thành trường phái của Barca những năm qua, hình bóng Cruyff vẫn không thể phai mờ.

Trong một bài viết về sự kiện Tito lên thay Pep cách đây hơn nửa năm, với tựa đề Phúc âm của Guardiola, báo Anh Guardian ví von triết lý bóng đá ở Barca phát triển theo cùng một cơ chế với Thiên Chúa giáo. Nếu Chúa Jesus Christ đi giảng đạo, thu hút các tông đồ và rồi để họ lại truyền đức tin ấy cho đời sau, thì Johann Cruyff (tên ông viết tắt cũng là J.C!) cũng đặt nền móng cho lối chơi sở hữu bóng ở Barca từ vài thập niên trước. Sau đó, một trong những “môn đệ” xuất sắc của ông, Guardiola, đã đưa Barca tới vinh quang bằng triết lý này.

Khi Barca cũng là tôn giáo

Đó là phong cách chơi bóng phù hợp với triết lý đào tạo thiên về kỹ năng hơn là sức mạnh của lò La Masia. Các cầu thủ được dạy mọi thứ về kiểm soát quả bóng trong chân và phục vụ cho một tập thể sẽ làm mọi cách để giữ bóng trong chân. Từ thời của Pep, Tito… cho đến thế hệ của Xavi, rồi Andres Iniesta, Cesc Fabreagas, Sergio Busquets hiện tại.

Không chỉ thống nhất về giáo dục kỹ năng, La Masia còn là một ngôi trường thống nhất về giáo dục nhân cách qua nhiều thế hệ. Những cầu thủ siêu đẳng về kỹ thuật như Xavi, Iniesta sống một cuộc đời giản dị, không điều tiếng. Pep trước đây cũng thế. Tito được Pep mô tả là một người trầm lặng, nhưng sau những thành công và biến cố thời gian qua, thì người đàn ông này đã chứng minh rằng La Masia cũng có thể đào tạo ra sự lạc quan và ý chí sắt đá.

Trên hết, Barca dạy cho tất cả những thành viên của họ đam mê với trái bóng, và niềm tự hào vì được thể hiện đam mê ấy trong màu áo Barca. Carles Puyol lúc nào cũng ra sân với tinh thần như thể còn đôi mươi. Xavi từng bị nghi ngờ về… giới tính vì lười yêu, vì quá mê bóng đá và tận tụy vì Barca. Phải yêu bóng đá và yêu đội bóng này đến thế nào, Tito mới có thể vừa chiến đấu với căn bệnh ung thư suốt một năm qua, vừa đóng góp cho Barca.

Barca là một tôn giáo mà Johann Cruyff là vị chúa tể sáng lập

Và sản phẩm hoàn hảo nhất chính là Messi, người luôn giữ được tâm hồn của một đứa trẻ khi chạy theo quả bóng, sẵn sàng cam kết trọn đời với đội bóng này khi anh chỉ mới 25 tuổi và đã giành được tất cả ở cấp câu lạc bộ trong màu áo này.

Pep và Tito đều là những chiến lược gia tài năng, nhưng những gì Barca đã tạo dựng là thành quả của rất nhiều con người tự nguyện hy sinh để đóng góp vào một triết lý chung, mà rất nhiều trong số đó cũng đã được những người đi trước giáo dục và thấm nhuần con đường đội bóng này đang đi.

Bây giờ, ngay cả khi Tito đang ở trên giường bệnh, thì kim chỉ nam của Barca không thay đổi, và các cầu thủ sẽ đều biết phải làm gì. Họ được dạy dỗ cẩn thận về tinh thần và kỹ năng của đội bóng từ khi còn bé, không phải chỉ bằng các bài giảng chiến thuật. Đa số thậm chí còn trưởng thành, ăn ngủ, học tập và lớn lên cùng nhau, với cùng một niềm tự hào và cả chút tính cục bộ của người Catalunya, không phải được kết dính vội vã kiểu ma cũ dạy ma mới.

Trên sân, tập thể 11 cầu thủ Barca là sự đúc kết tinh túy nhất của triết lý bóng đá đã được xây dựng qua hàng nhiều thập kỷ, và mỗi cá nhân có thể tự sáng tạo ra vai trò của riêng họ, nhưng luôn giữ mình trong một khuôn khổ mà tinh thần cơ bản của đội bóng này bảo vệ (bạn có tưởng tượng được không, nếu một huấn luyện viên Barca lại cư xử như Jose Mourinho?) Chỉ cần Roura làm được như thế, ông vẫn sẽ đưa Barca tiến lên và cũng có thể sáng tạo ra vai trò của riêng mình, dù chỉ là trong thời gian ngắn ngủi. Với trung tâm là Barca vĩ đại, thì tầm vóc của các thành viên, dù là vĩ đại như Pep hay nhỏ bé như Roura, cũng không còn quan trọng nữa.

Chính vì thế, hãy cầu nguyện cho Tito chóng lành bệnh, nhưng đừng lo về Barca. \

Phạm An

Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm