30/03/2025 11:28 GMT+7 | Văn hoá
Màn đấu khẩu trực tuyến mới đây của đôi nam nữ nổi tiếng trên mạng thu hút hàng triệu người xem và tham gia bình luận, lại một lần nữa nhắc nhở chúng ta về việc phải xiết chặt hơn nữa về mặt pháp luật và quy chuẩn đạo đức xã hội đối với tình trạng "stream bẩn".
Stream (hay streaming) là việc phát trực tiếp video hoặc file âm thanh qua internet trên thiết bị của người dùng.
Còn Streamer là người thực hiện việc phát sóng trực tiếp trên mạng xã hội (Facebook, Instagram, Tik Tok, Twitter, Youtube…) với nội dung thường là về cách chơi game, hát lại các bài hát nổi tiếng, bình luận về một chủ đề nào đó đang nóng trên mạng xã hội.
Streamer đã trở thành một nghề và đang ngày càng phổ biến trong giới trẻ trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Ảnh minh hoạ
Thu nhập của streamer rất đa dạng: donate (đóng góp tự nguyện của người hâm mộ), quảng cáo, tiền do các mạng xã hội hay công ty phát hành game trả…
Streamer càng nổi tiếng, có ngoại hình và cách nói chuyện cuốn hút, lắm chiêu trò thì càng có nhiều người hâm mộ theo dõi, tương tác và càng kiếm được nhiều tiền. Có người vì tiền mà bất chấp hậu quả đối với xã hội.
Không gian mạng tưởng như vô tận cũng dần trở nên chật hẹp nên các streamer đã sa đà vào các chiêu trò để cạnh tranh với nhau. Sự nổi tiếng, sắc đẹp, duyên giao tiếp, phong cách "độc" cũng không chắc bảo đảm thành công vì "tre chưa kịp già mà măng đã tua tủa mọc". Và thế là phong trào công kích, xúc phạm nhau ra đời, ngày càng quyết liệt.
Trong thời gian qua cơ quan chức năng đã xử lý một số vụ stream chứa đựng các hành vi sai trái như xuyên tạc, phát tán tin đồn xấu, xúc phạm danh dự, nhân phẩm đối thủ, xâm phạm quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức.
Tuy nhiên, hiện nay một số streamer đã thay đổi chiến thuật. Họ thực hiện các stream công kích cá nhân đủ để thu hút những người hiếu kỳ nhưng chưa đủ để dễ dàng bị quy vào việc vi phạm pháp luật thô thiển, núp bóng chuyện "góp ý", "chê trên tinh thần xây dựng", "phê bình từ góc độ chuyên môn thuần túy", kiểu như "thời trang chưa hợp với sự kiện", "hát chưa hay", "nhạc chưa bùi tai", "vũ đạo chưa nhuyễn"…
Cao tay hơn, các streamer còn bắt tay với nhau để cố tình tạo ra những tấn bi hài kịch để "dắt mũi" người hâm mộ. Đó là "collab bẩn". Bình thường thì collab (viết đầy đủ là collaboration) chỉ sự hợp tác lành mạnh giữa những người làm nghệ thuật hay giữa một nghệ sỹ với doanh nghiệp.
Màn đấu khẩu vừa rồi của cặp "trai tài, gái cũng tài" có thể đúng là xuất phát từ tình cảm thực sự, từ việc ghen tuông thường tình. Nhưng có thể đó là sự "hợp tác" có chủ đích, có người tung, kẻ hứng, không ai kiểm chứng được. Chỉ biết rằng sau vụ tố nhau triệu view này thì độ phủ sóng của hai nhân vật chính tăng chóng mặt và kèm theo đó là mức độ doanh thu.
Tác động tiêu cực đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của giới trẻ, làm méo mó chuẩn mực đạo đức truyền thống từ phía các "stream bẩn" là điều không phải bàn cãi. Tuy nhiên, làm cách nào để kiềm tỏa hữu hiệu tình trạng này thì các nhà làm luật và những nhà xã hội học ở nước ta cần nghiêm túc nghiên cứu và sớm đề ra giải pháp. Yêu cầu đặt ra là tôn trọng quyền tự do ngôn luận nhưng không được để Luật An ninh mạng và chuẩn mực đạo đức bị bỏ qua.
Mặt khác, một bàn tay không tạo nên tiếng vỗ tay. Màn "đấu khẩu triệu view" sẽ không có view nào hoặc rất ít view nếu cộng đồng mạng thực sự lành mạnh, không để tính hiếu kỳ vượt qua bức tường lý trí và đạo đức. Nghiện xem stream cũng tai hại như nghiện livestream vậy. Đây là điều các nhà xã hội học ở Việt Nam nên lưu ý.
Cách đây không lâu các nhà xã hội học phương Tây đã phát hiện ra hiện tượng người dùng mạng đang có xu hướng dịch chuyển từ chơi game sang xem người khác chơi game hoặc xem người khác châm chọc nhau trên mạng.
Theo báo cáo mới đây của một công ty chuyên về đo lường số lượng khán giả trên internet, một game thủ ở Mỹ, Anh, Australia, Canada, Đức, Pháp, Thụy Điển, Hàn Quốc, Brazil trung bình dành 7,4 giờ mỗi tuần để chơi game nhưng lại bỏ ra tới 8,5 giờ để xem các video liên quan đến trò chơi. Các nhà phát triển trò chơi không bỏ qua nguồn thu tiềm năng to lớn này và đang cố gắng thu hút quảng cáo trên các nền tảng video của bên thứ ba.
Các streamer cũng vậy mà thôi!
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất