Khám phá Ba Vì: Đặc sắc văn hóa Mường trong từng điệu múa, hương vị ẩm thực
Ẩn mình giữa núi rừng thanh bình, mảnh đất Ba Vì không chỉ nổi tiếng với những homestay có không gian nghỉ dưỡng thoải mái mà còn là nơi bảo tồn và lan tỏa những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Mường.
Du lịch sinh thái được xem là hướng đi tiềm năng để phát triển du lịch bền vững trong tương lai. Nói riêng ở khu vực Ba Vì, du khách tới đây sẽ có cơ hội được đắm mình trong không gian văn hóa độc đáo, với những điệu múa truyền thống hay thưởng thức hương vị ẩm thực đậm đà bản sắc.
Nhiều homestay ở Ba Vì được xây dựng theo lối kiến trúc nhà sàn gỗ mộc mạc, đặc trưng của người Mường, tạo nên một không gian ấm cúng và gần gũi. Vào buổi tối, du khách có thể thưởng thức những buổi biểu diễn văn nghệ với các điệu múa sạp, múa xòe sôi động, cùng với âm thanh vang vọng của cồng chiêng và ánh lửa bập bùng, tạo nên một không khí vừa thiêng liêng vừa đầy cảm xúc.

Một homestay kiểu nhà sàn ở Ba Vì (Ảnh: Vân Anh)
Những điệu múa cồng chiêng do chính người dân bản địa biểu diễn là "đặc sản" tinh thần thu hút khách du lịch (Ảnh: Vân Anh)
Ẩm thực tại các homestay cũng là một trải nghiệm đáng nhớ. Du khách sẽ được thưởng thức những món bánh truyền thống như bánh sắn, bánh nếp, mang hương vị giản dị mà đậm đà của quê hương. Bánh sắn dẻo thơm, ngọt bùi, còn bánh nếp thì dai mềm với nhân đỗ xanh bùi béo, tạo nên sức hấp dẫn khó cưỡng.
Du khách nghe kể về ý nghĩa của các món bánh truyền thống của đồng bào dân tộc Mường như bánh sắn, bánh trứng kiến... (Ảnh: Vân Anh)
Các món đồ cổ trong văn hóa của người Mường như mâm, bất, vò rượu, khung dệt... được cô Tứ, chủ một homestay ở Ba Vì lưu giữ (Ảnh: Vân Anh)

Các bà các chị ở homestay chào đón du khách từ cổng bằng những tiếng cồng chiêng vang vọng và ấn tượng (Ảnh: Vân Anh)
Được biết, Ba Vì hiện đang triển khai Đề án bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Mường với những mục tiêu quan trọng như 100% thôn, bản có đội chiêng được bồi dưỡng hàng năm; 80% người dân tộc Mường mặc trang phục truyền thống trong các hoạt động cộng đồng; 90% hộ gia đình thường xuyên giao tiếp bằng tiếng Mường, đặc biệt chú trọng truyền dạy cho thế hệ trẻ.
Đồng thời, địa phương cũng khuyến khích người dân sinh hoạt văn hóa theo phong tục, tập quán truyền thống trong không gian nhà sàn. Đặc biệt, Mo Mường, di sản văn hóa tâm linh đặc trưng của người Mường, cũng được chú trọng bảo tồn và đưa vào đời sống tinh thần của cộng đồng một cách phù hợp.