Phát triển du lịch cộng đồng với sản phẩm tranh dân gian Đông Hồ
Được chọn là một trong ba địa phương thực hiện Đề án "Xây dựng thí điểm sản phẩm OCOP về du lịch tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2023-2025", sau gần một năm triển khai, làng tranh Đông Hồ, phường Song Hồ, thị xã Thuận Thành đã góp phần từng bước hiện thực hóa mục tiêu đưa Bắc Ninh trở thành đơn vị kiểu mẫu về triển khai du lịch cộng đồng gắn với chương trình OCOP.
Bảo tồn dòng tranh quý
Tranh Đông Hồ, tên đầy đủ là tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ - một dòng tranh dân gian Việt Nam có từ thế kỷ XVII, tại làng Đông Hồ, phường Song Hồ, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Tranh thường được phát hành vào dịp Tết Nguyên đán, còn gọi là tranh Tết. Chợ tranh Tết xưa thường diễn ra tại đình Đông Hồ, vào các ngày 6, 11, 16, 21 và 26 tháng Chạp hàng năm. Trong mỗi phiên chợ có hàng nghìn bức tranh các loại được mang ra bày bán. Sau năm 1945, chợ tranh Đông Hồ không còn được tổ chức.
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Đăng Chế, phường Song Hồ, thị xã Thuận Thành cho biết: Nét độc đáo của dòng tranh Đông Hồ là tranh được in thủ công từ ván khắc gỗ, kết hợp màu sắc và câu chuyện tạo nên nét độc đáo hiếm có. Những nguyên liệu tạo nên hồn cốt của tranh đều tự nhiên. Nền tranh là giấy dó (làm bằng vỏ cây dó) phết lên một lớp điệp một màu óng bạc. Màu sắc sử dụng trong tranh là màu tự nhiên từ cây cỏ như đen (than lá tre), xanh (lá chàm), vàng (hoa hòe), đỏ (sỏi son)... Đây là những gam màu cơ bản, không pha trộn và thường thì tranh Đông Hồ chỉ dùng tới 4 màu để tương ứng với số bản khắc gỗ.

Du khách tham quan nhà trưng bày tranh dân gian Đông Hồ Nguyễn Đăng Chế. Ảnh: Thái Hùng-TTXVN
Hiện nay, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đang đối mặt với nhiều thách thức, thị trường tiêu thụ sản phẩm thu hẹp và nguy cơ mai một thế hệ nghệ nhân cao tuổi. Đông Hồ xưa kia có 17 dòng họ cùng tham gia sản xuất thì nay chỉ còn 3 dòng họ giữ được nghề của cha ông với khoảng 30 người trực tiếp tham gia vào hoạt động làm tranh. Do vậy, việc bảo vệ, phát triển nghề làm tranh dân gian Đông Hồ là việc làm cần thiết, cấp bách.
Để bảo tồn và phát triển giá trị của dòng tranh, năm 2013, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia. Năm 2017, nghề tranh Đông Hồ bắt đầu được lập hồ sơ quốc gia đề nghị UNESCO đưa vào danh sách các Di sản Văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Tháng 3/2020, Việt Nam đệ trình UNESCO hồ sơ "Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ" để được xem xét ghi vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp và dự kiến được xem xét tại Kỳ họp lần thứ 19 của Ủy ban liên Chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ Di sản Văn hóa phi vật thể vào năm 2024.
Đặc biệt, tỉnh Bắc Ninh đã triển khai phát triển du lịch cộng đồng gắn với sản phẩm OCOP, trong đó có tranh dân gian Đông Hồ. Thực hiện dự án này, gia đình nghệ nhân Nguyễn Hữu Hoa, phường Song Hồ trên nền những sản phẩm truyền thống đã sáng tạo ra bốn sản phẩm tranh dân gian Đông Hồ để có thể đưa vào sản phẩm du lịch, tham gia vào chương trình OCOP.
Nghệ nhân Nguyễn Hữu Hoa chia sẻ, các loại tranh được chứng nhận sản phẩm OCOP của gia đình là tranh khung trúc, tranh để bàn, tranh mành và tranh tập khác với tranh truyền thống thường in trên giấy và bán cho người dùng và tùy từng nhu cầu mỗi người có thể tự đóng khung hay dán. Đến nay, khi tham gia vào chương trình OCOP, vẫn với các nguyên liệu làm tranh truyền thống, điểm mới của các sản phẩm OCOP là kết hợp tranh dân gian với các vật liệu tự nhiên tại địa phương như: Mành tăm của Tương Giang (thành phố Từ Sơn), khung tre trúc của làng nghề Xuân Lai (huyện Gia Bình), khung gỗ đặt hàng tại huyện Lương Tài… Những sáng tạo này được đông đảo du khách đón nhận và đánh giá cao góp phần làm đa dạng sản phẩm du lịch từ chính dòng tranh dân gian Đông Hồ, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, hòa nhịp cuộc sống hiện đại.

Nghệ nhân Nguyễn Hữu Hoa giới thiệu sản phẩm tranh mành dân gian Đông Hồ với du khách. Ảnh: Thanh Thương - TTXVN
Chị Hoàng Thị Oanh đến từ tỉnh Thái Bình chia sẻ "Tôi rất thích dòng tranh dân gian Đông Hồ bởi làm từ các nguyên liệu tự nhiên. Bên cạnh đó, mỗi bức tranh lại mang 1 ý nghĩa riêng như: Tranh "Đàn lợn âm dương" thể hiện mong ước năm mới thịnh vượng, phát tài phát lộc, đông con nhiều cháu; tranh "Vinh Hoa Phú Quý" mang ý nghĩa chúc phúc và may mắn cho gia đình; tranh "Chăn trâu thổi sáo" ca ngợi cuộc sống bình yên của các làng quê Việt Nam, cầu mong khát vọng về sự thành đạt của con người...Đến nay, những bức tranh này được các nghệ nhân hiện đại hóa bằng cách dán lên tấm mành hay làm khung để bàn rất tiện lợi. Khách du lịch có thể mua trực tiếp và về trưng lên bàn làm việc hay làm quà tặng rất ý nghĩa".
Du lịch cộng đồng khu vực nông thôn: Hướng đi chiến lược
Với những giá trị độc đáo về di sản văn hóa, làng nghề truyền thống, lễ hội đặc sắc, tỉnh Bắc Ninh xác định phát triển du lịch cộng đồng tại khu vực nông thôn là một hướng đi chiến lược, từ đó góp phần nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới bền vững.
Theo đánh giá của Phó Chủ tịch UBND thị xã Thuận Thành Nguyễn Văn Thịnh, làng tranh dân gian Đông Hồ hội đủ các điều kiện về tài nguyên để phát triển thành điểm du lịch cộng đồng theo tiêu chí OCOP. Việc kết hợp các tour, tuyến du lịch văn hóa tâm linh và du lịch làng nghề là một mô hình phù hợp và phát huy hiệu quả sau gần một năm triển khai. Đề án đã góp phần làm phong phú hơn sự trải nghiệm và giữ chân du khách ở lại thời gian dài hơn tại điểm du lịch cộng đồng trong làng tranh. Thời gian tới, thị xã tiếp tục tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo không gian cảnh quan cho điểm du lịch cộng đồng tại làng tranh theo Đề án đã được phê duyệt, góp phần đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, thúc đẩy du lịch một cách bài bản, bền vững hơn.

Sản phẩm tranh khung trúc dân gian Đông Hồ. Ảnh: Thanh Thương - TTXVN
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Văn Đáp, tỉnh Bắc Ninh đang triển khai thực hiện Đề án "Xây dựng thí điểm sản phẩm OCOP về du lịch tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2023-2025". Tổ chức xây dựng thí điểm sản phẩm OCOP du lịch cộng đồng tại 3 địa phương gồm: Làng gốm Phù Lãng (thị xã Quế Võ), làng tranh dân gian Đông Hồ (thị xã Thuận Thành) và làng Quan họ cổ Viêm Xá (thành phố Bắc Ninh).
Đến nay, sau 1 năm triển khai, Đề án bước đầu đã phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu khách tham quan. Ngành Nông nghiệp, ngành Văn hóa phối hợp với ngành chức năng, địa phương thiết kế, phát triển sản phẩm, dịch vụ cho du khách trải nghiệm cuộc sống làng nghề, cuộc sống nông thôn tại các điểm du lịch cộng đồng gồm: Phù Lãng, Viêm Xá, Đông Hồ và vùng phụ cận. Thực hành các công đoạn làm ra sản phẩm nghề truyền thống (gốm, tranh dân gian), nghi thức, lề lối, trình diễn của Quan họ làng Diềm; thực hành in, làm tranh dân gian Đông Hồ.
Bên cạnh đó, ngành Văn hóa đã liên kết với các điểm du lịch, doanh nghiệp lữ hành hình thành các tour, tuyến du lịch đến các điểm triển khai xây dựng thí điểm sản phẩm OCOP du lịch, nhằm tăng cường trải nghiệm để giữ chân du khách.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Văn Đáp nhấn mạnh "Việc triển khai Đề án "Xây dựng thí điểm sản phẩm OCOP về du lịch tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2023-2025" không chỉ góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế làng nghề truyền thống, hệ thống các di sản văn hóa tạo nên các sản phẩm du lịch xanh, có trách nhiệm, mang bản sắc đặc trưng văn hóa con người Bắc Ninh - Kinh Bắc mà còn bảo tồn văn hóa, giới thiệu hình ảnh đẹp về văn hóa địa phương đến với du khách trong nước và quốc tế".