Có một Hàn Quốc xưa cũ (Bài 2): Du lịch làng cổ và khu ổ chuột

28/11/2015 19:41 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Không chỉ bảo tồn các giá trị văn hóa một cách chu đáo, Hàn Quốc còn biến chúng thành những sản phẩm du lịch cuốn hút du khách.

Chúng tôi đến làng văn hóa Hahue tại thành phố Andong cùng đoàn báo chí do Tổng cục Du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam và Vietnam Airlines tổ chức cũng vừa kịp giờ xem biểu diễn múa mặt nạ truyền thống.

Múa mặt nạ là một loại hình kịch nghệ dân gian mà trong đó mỗi nhân vật là một đại diện cho một tầng lớp trong xã hội phong kiến xưa, có xã trưởng, lý trưởng, lính canh, đạo sĩ, góa phụ, lão chăn bò, cô tiểu thư và chàng ngốc.

Các nhân vật này đều đeo mặt nạ - những chiếc mặt nạ truyền thống được làm riêng cho từng nhân vật, vừa chuyện trò vừa nhảy múa vui vẻ, tung hứng, đối thoại hài hước, chế giễu những thói hư tật xấu của quan lại phong kiến, lột tả cuộc sống cơ cực của người nông dân Hàn Quốc xưa một cách chân thực, nhưng lại dưới cái nhìn lạc quan, yêu đời nhất có thể. Mỗi suất diễn có hang trăm khách du lịch trong và ngoài nước đến xem, đặc biệt là học sinh, sinh viên.

Làng Hahue có tuổi đời gần 600 năm. Ngôi làng có khoảng hơn 140 mái nhà, nhà tranh vách đất nằm ở ngoài cùng, rìa làng vốn là nơi ở của những người nghèo, hoặc gia nhân cho những nhà giàu ở phía trong.


Vũ điệu mặt nạ truyền thống nổi tiếng của người Hàn Quốc

Có một điều đặc biệt là trong ngôi làng này không hề có một cái giếng nào, chúng tôi thắc mắc tại sao lại thế thì được giải thích rằng, vì ngôi làng được con sông Nakdong uốn lượn, ôm trọn lấy nên nhìn từ xa làng giống như một hồ sen, thầy phong thủy nói rằng, đào giếng trong làng sẽ khiến cho thuyền đi trong hồ có thể gặp  nạn. Do vậy mà dân làng không đào giếng, thay vì đó họ ra bờ sông lấy nước về sinh hoạt.

Suốt hơn 600 năm qua, ngôi làng luôn có người sinh sống dưới từng mái nhà, duy trì những nếp sống đã có từ rất xa xưa. Dù bây giờ đường làng đã được trải nhựa, mỗi con ngõ đều có một cái tên và từng ngôi nhà đều có số, nhưng trên nhiều mái hiên người ta vẫn phơi những dây hồng đỏ rực và trước những ngôi nhà cánh cổng không khóa vẫn rộng mở đón khách vãng lai... ngôi làng cổ không những vẫn sống mà còn sống rất sinh động giữa lòng một đất nước có nền kinh tế phát triển hàng đầu châu Á.

Quay trở lại thành phố Busan mà ngày đầu tiên chúng tôi mới chỉ có dịp ghé qua, chúng tôi mang trong mình sự háo hức được tìm hiểu về một ngôi làng cũng đặc biệt không kém.

Trên quãng đường từ khách sạn đến ngôi làng Gamcheon nổi tiếng, được ví như Santorini của châu Á, chúng tôi lắng nghe cô hướng dẫn viên kể về lịch sử của ngôi làng và khá bất ngờ khi được biết, đó vốn là một khu ổ chuột của thành phố Busan. Hình thành từ những năm 50 của thế kỷ trước, Gamcheon là ngôi làng của những người di cư do chiến tranh, là khu nhà lá nghèo nàn, bẩn thỉu và thiếu thốn vào bậc nhất của đất nước.


Ngôi làng Gamcheon

Mặc dù trong những năm 1970, ngôi làng đã được bê tông hóa nhờ cuộc vận động xây dựng “làng mới” của Chính phủ, nhưng ngay cả khi Busan đã trở thành thành phố lớn thứ hai Hàn Quốc, vì nhiều lý do mà ngôi làng này vẫn tập trung nhiều người lao động nghèo khó và vẫn chưa thể thoát khỏi cái nghèo.

Chính quyền thành phố Busan đặc biệt quan tâm đến khu vực này, vì đây không chỉ là nơi mang trong mình nhiều dấu ấn của một thời kỳ lịch sử, mà còn là nơi mà những nhân chứng sống cuối cùng của thời kỳ này vẫn còn lưu lại.

Và Busan bắt đầu cải tạo lại diện mạo ngôi làng, khoác cho từng ngôi nhà, từng góc phố những tấm áo mới, để cho chúng tự kể những câu chuyện về mình cho du khách thập phương. Năm 2007, dự án biến Gamcheon thành một ngôi làng của nghệ thuật đã thu hút sự quan tâm và tham gia của đông đảo tầng lớp nghệ sĩ trong cả nước.

Các họa sĩ, kiến trúc sư, những người thợ thủ công từ khắp mọi miền đã tập trung về Busan, dạy cho dân làng, từ người già đến trẻ nhỏ cách vẽ những bức tranh tường, làm những bông hoa bằng gốm hay gấp những con hạc giấy để làm đẹp cho ngôi nhà, ngõ xóm của chính mình.

Có một Hàn Quốc xưa cũ (Bài 1): Lần theo dấu tích

Có một Hàn Quốc xưa cũ (Bài 1): Lần theo dấu tích

Chúng tôi đặt chân đến Busan vào một ngày mùa Thu tháng 10, theo lời mời của Vietnam Airlines và Tổng cục Du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam trong chương trình khám phá những dấu tích xưa cũ ở phía Nam Hàn Quốc.


Những căn nhà đen đúa, bẩn thỉu được sơn mới bằng những màu sắc tươi tắn, sạch sẽ, những bức tranh theo đủ chủ đề, kể những câu chuyện khác nhau trên từng bậc thang, từng ô cửa sổ.

Trên cung đường tham quan, người ta quy định một vài điểm đặc biệt, mang những ý nghĩa đặc biệt mà khách du lịch nhất định nên ghé qua.

Đó là một bảo tàng nhỏ, tái hiện lại chặng đường đi lên của Gamcheon, đó là một phòng triển lãm tranh và ảnh đẹp về ngôi làng, đó là một khu vườn trên mái để ngắm nhìn toàn bộ ngôi làng từ trên cao... hay đó chỉ đơn giản là một quán cà phê sách mà du khách có thể dành một vài phút để nghỉ ngơi và cảm nhận... Tại những điểm được quy định đó, du khách ghé thăm có thể tự đóng cho mình 1 con dấu, và khi đóng đủ 9 con dấu cho 9 điểm như vậy, nghĩa là du khách đã hoàn thành chuyến du lịch đi vào lịch sử với ngôi làng nhỏ xinh xắn này.

Tôi thầm nể phục người Hàn vì tư duy làm du lịch sáng tạo của họ khi thấy những du khách người Nhật, người Trung Quốc, và rất nhiều du khách phương Tây hăm hở và vui mừng khi tìm ra điểm dừng chân tiếp theo của hành trình, thích thú đóng vào bản đồ của mình một con dấu nữa.

Bài và ảnh: Trang Lê
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm