Sức sống của di sản Nói thơ Vân Tiên

27/07/2025 19:42 GMT+7 | Văn hoá

Ngày 27/6/2025, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 2200/QĐ-BVHTTDL công nhận Nói thơ Vân Tiên của tỉnh Bến Tre (nay là Vĩnh Long) là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là một dấu mốc quan trọng để phát huy Nói thơ Vân Tiên trong cộng đồng.

1. Sau năm 1862, Ba Tri - Bến Tre thành nơi mà nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu cùng gia đình nương náu và sinh sống cho đến cuối đời. Những câu thơ trong tác phẩm Lục Vân Tiên của ông sớm được nhân dân Nam bộ thuộc nằm lòng, chủ yếu qua truyền miệng. Bởi hoàn cảnh cuối thế kỷ 19, số người biết chữ Hán, chữ Nôm rất hiếm hoi.

Khi đọc những lời thơ cho có âm điệu, người miền Nam gọi là nói thơ. Người nói thơ chỉ theo vận tiết của thơ, thơ có bao nhiêu chữ thì ngâm bấy nhiêu, không phải thêm những tiếng lót, tiếng đệm.

Sức sống của di sản Nói thơ Vân Tiên - Ảnh 1.

Trình diễn tiểu phẩm Nói thơ Vân Tiên. Ảnh: Ánh Nguyệt

"Đứng trên góc độ âm nhạc cổ truyền Nam bộ, theo tôi, Nói thơ Vân Tiên là sự kết hợp của các hơi (giọng) trong điệu thức Nam (phổ biến của nhạc tài tử Nam bộ). Chính sự kết hợp tài tình này làm cho lối Nói thơ Vân Tiên thể hiện đầy đủ tính chất, đặc điểm và cảm xúc của tác phẩm hùng hồn, mạnh mẽ, nhẹ nhàng, tha thiết, buồn bã, rộn ràng…" - TS Mai Mỹ Duyên phân tích.

Bà nói thêm: "Tuy xuất phát điểm của Nói thơ Vân Tiên là từ lối nói thơ miền Trung của lưu dân ngũ Quảng, song khi đến vùng đất Nam bộ thì cách phát âm và ngữ điệu lời nói đã có nhiều thay đổi. Nói thơ Vân Tiên mang đặc trưng phương ngữ, thang điệu của Nam bộ, phù hợp với tâm hồn, tính cách và sinh hoạt cộng đồng của người dân miền sông nước".

Sức sống của di sản Nói thơ Vân Tiên - Ảnh 2.

Bến Tre truyền dạy Nói thơ Vân Tiên trong trường học. Ảnh: Hữu Nghĩa

Lối Nói thơ Vân Tiên cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 xuất hiện ở những sinh hoạt đời sống thường ngày, từ người mẹ, người bà đưa võng hát ru em, đến những buổi gặt lúa Đông Xuân, phơi lúa ngoài đồng ruộng, những ngày thu hoạch trái cây miệt vườn, những buổi giỗ quảy họp mặt. Ngoài nói thơ để giải khuây cho bà con, đôi khi lối xóm còn thách đố nhau ai thuộc nhiều thơ Lục Vân Tiên hơn, cũng là một hoạt động hấp dẫn…

Có thể nói tác phẩm Lục Vân Tiên qua cách truyền khẩu dân gian trong giai đoạn lịch sử xáo trộn dữ dội khi thực dân Pháp tấn công vào Nam bộ đã trở thành sợi chỉ tinh thần liên kết người dân. Nhờ vậy mà người dân thêm giữ vững tinh thần yêu nước, giữ cách sống theo các bài học đạo lý sâu sắc, phản ánh tư tưởng nhân nghĩa, trung hiếu, tương thân tương ái, phê phán cái xấu, giả nhân giả nghĩa, cảnh báo hậu quả của những hành vi bất chính…

Dần dà, từ Lục Vân Tiên, các tác phẩm truyện thơ lục bát dân gian như Thầy Thông Chánh, Sáu Trọng, Hai Miêng, Sáu Nhỏ… cũng được bà con truyền miệng thông qua lối Nói thơ Vân Tiên. Với nhiều nhà xã hội học, đây là cách lưu giữ giá trị di sản văn hóa quý báu, đạo lý truyền thống, tinh thần đấu tranh vì chính nghĩa và ca ngợi nhân cách tốt đẹp của con người.

Sức sống của di sản Nói thơ Vân Tiên - Ảnh 3.

Giấy chứng nhận nói thơ Vân Tiên của tỉnh Bến Tre là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Nhà nghiên cứu Gabriel Aubaret (1825 - 1894), người đầu tiên dịch Lục Vân Tiên sang tiếng Pháp (1864), đã nói trên tờ Journal Asiatique về Nói thơ Vân Tiên như sau: "Ở Nam kỳ, có lẽ không một người thuyền chài hoặc người lái đò nào lại không ngâm nga vài ba câu trong khi đưa đẩy mái chèo" và cũng dễ dàng bắt gặp cảnh "những đám người ngồi xổm, xúm quanh một người ăn mặc rách rưới, thường là một kẻ mù lòa, đề nghị anh ta gân cổ lên kể chuyện Lục Vân Tiên có khi đến hằng giờ mà người nghe không biết chán".

2. Ngày nay, không gian của Nói thơ Vân Tiên đã thay đổi bởi có nhiều loại hình giải trí khác, hấp dẫn hơn. Do đó, để bảo tồn di sản văn hóa của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, tỉnh Bến Tre (cũ) nay là Vĩnh Long tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động để duy trì nuôi dưỡng việc Nói thơ Vân Tiên trong cộng đồng.

Sức sống của di sản Nói thơ Vân Tiên - Ảnh 4.

Tranh về Nguyễn Đình Chiểu sáng tác thơ, Sương Nguyệt Anh ghi chép (vẽ năm 1973) của họa sĩ Nguyễn Phi Hoanh

Ví dụ như hình thành các câu lạc bộ Nói thơ Vân Tiên ở khắp tỉnh, thỉnh thoảng thi thố, trao giải, để qua đây truyền dạy cho học sinh, thanh niên về đạo làm người, lòng yêu nước, tinh thần trượng nghĩa... Lập các dự án về bảo tồn và phát huy giá trị Nói thơ Vân Tiên trong học sinh trung học; mở các lớp truyền dạy Nói thơ Vân Tiên cho giáo viên âm nhạc các cấp; đưa vào các giờ học ngữ văn địa phương hoặc giờ sinh hoạt ngoại khóa…

Sau dịp khảo sát điền dã tại Ba Tri - Bến Tre, ghi nhận các bậc cao niên vẫn còn yêu thích và nhớ cách nói thơ, nhưng lớp trẻ thì hát còn nhiều chỗ sai lạc, tiến sĩ Mai Mỹ Duyên đã hướng dẫn cách vuốt lại cách ngâm thơ - nói thơ cho đúng điệu. Chị đã truyền cho hơn 200 học viên là các nghệ nhân, tài tử, nhà thơ, cán bộ các trung tâm văn hóa, hội viên các hội liên hiệp… tỉnh Bến Tre về cách Nói thơ, ngâm thơ Vân Tiên.

Làm được điều này, vì Bến Tre đang quyết tâm bảo tồn nói thơ, mà từ nhỏ thì Mai Mỹ Duyên đã được cha ruột là soạn giả Thế Hữu (gánh cải lương Sống chung) chỉ dạy cho nhiều bài bản về Nói thơ - ngâm thơ Vân Tiên.

Lê Ngọc Hân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm