Góc nhìn: M.U không cần người siêu phàm

11/08/2013 14:22 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Wayne Rooney một lần nữa bước một chân rưỡi ra khỏi cổng Old Trafford, nhưng các CĐV của M.U có cần phải khóc than vì điều đó?

1. Câu hỏi ấy đã được đặt ra khi Cristiano Ronaldo sang Real Madrid vào năm 2009, nửa năm sau khi đoạt Quả bóng Vàng châu Âu. Câu hỏi ấy cũng đã được đặt ra khi David Beckham rời Old Trafford năm 2003, thời điểm mà tên tuổi của anh đem lại giá trị thương mại khổng lồ cho M.U. Becks còn là một trong những thành viên của thế hệ 1992 đã đưa M.U đến cú ăn ba lịch sử năm 1999, một CĐV áo đỏ từ bé, một phần máu thịt của CLB này.

Nhưng thời gian cho thấy rằng trả lời câu hỏi ấy là một việc vô nghĩa. Rời M.U, Beckham đã “bỏ lỡ” 5 chức vô địch Premier League và 1 Champions League. Không Ronaldo, M.U vẫn đoạt 2 chức vô địch Anh trong 3 năm, và tại Champions League mùa trước, Madrid của Ronaldo đã vượt qua M.U ở vòng 1/8, nhưng trong một trận cầu đầy tranh cãi và bị cho là có sự thiên vị của trọng tài.

Các ngôi sao không làm nên M.U, dù có thời điểm này hay thời điểm khác, họ tạo cảm giác không thể bị thay thế. M.U cũng bán họ mà gần như không cần chuẩn bị phương án thay thế. Sir Alex Ferguson đã sử dụng Ole Solskjaer ở cánh phải trong thời gian đày Becks trên ghế dự bị, trước đưa tống anh này khỏi M.U. Sir Alex bỏ luôn vị trí của Ronaldo, sau khi cầu thủ người Bồ rời Old Trafford, và thay bằng một hệ thống hài hòa, giàu tính tập thể hơn.

Chia tay một ngôi sao không phải là điều có thể khiến M.U bối rối. Họ làm nên những ngôi sao, chứ không dựa dẫm vào họ.

2. Đó vốn không phải đội bóng của những siêu sao. M.U cũng giống như Bayern Munich ở Đức, không có cầu thủ thuộc hàng siêu phàm, và có lẽ họ cũng không cần một người như thế.

Đội hình đoạt cú ăn ba của họ năm 1999 là một tập thể mạnh, nhưng không có ngôi sao hàng đầu (như Zidane của Juventus năm ấy chẳng hạn). Mùa trước, Robin van Persie là cầu thủ ghi bàn tốt nhất của họ (26 bàn ở Premier League và 30 bàn trên mọi mặt trận), nhưng gọi anh là ngôi sao thì không phải. Tiền đạo người Hà Lan vẫn phải ngồi dự bị, ngay cả khi anh không xuống phong độ, và đó đơn thuần là một quyết định chiến thuật.

M.U đã thành công với rất nhiều vị trí bị khiếm khuyết trong một thời gian dài. Họ đã vật lộn với bài toán thủ môn trong nhiều năm sau khi Peter Schmeichel rời đội, hoang mang với vị trí thủ lĩnh hàng phòng ngự khi Rio Ferdinand đã lớn tuổi và Nemanja Vidic chấn thương quá nhiều, và đi tìm mãi không ra một tiền vệ giữ nhịp thay thế Paul Schole.

Họ đã từng sử dụng Michael Carrick, vốn chỉ được coi là một tiền vệ giữ nhịp dạng khá ở châu Âu, trong 5-6 năm qua, mà vẫn chơi tốt và thành công. Ngay cả Wayne Rooney, từng tịt ngòi trong một thời gian dài và thậm chí chơi tệ, vẫn được trọng dụng và sau đó lấy lại phong độ.

3. Những mục tiêu ồn ào như Gareth Bale, Falcao và Fabregas không phải là truyền thống của M.U (họ thậm chí đã từng thất bại với một hợp đồng đình đám là Juan Veron). Đội bóng này không được tạo ra bởi những chất liệu đắt tiền, không cần danh tiếng phù phiếm. Họ cần sự phù hợp, và hiệu quả. Không ngôi sao nào đứng trên đội bóng.

Rooney có thể đã từng cảm thấy mình là ngôi sao. Sir Alex cũng đã từng tăng lương chỉ để giữ chân, và các CĐV cũng đã từng tha thứ cho anh. Nhưng Rooney chưa phải một siêu sao, như Messi hay Ronaldo. Và ngay cả khi có là siêu sao, thì đó cũng không phải là điều M.U cần.

Đó có lẽ là lý do M.U chọn David Moyes, sau khi “ngôi sao” lớn nhất là Sir Alex rời đội. Và nếu ông Moyes bán Rooney, các CĐV M.U có lẽ cũng chẳng có lý do gì phải than khóc. Đơn giản là M.U đang làm đúng những gì đã tạo nên thành công của họ. 

Phạm An
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm