Góc nhìn: Cứ trắng tay, Mourinho sẽ bị sa thải

04/06/2013 13:22 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Từ Real Madrid đến Chelsea. Từ Florentino Perez đến Roman Abramovich. Không có nhiều khác biệt trong cách đối xử với HLV: Cứ trắng tay là bị sa thải. Jose Mourinho thừa hiểu điều này.

1. Sir Alex Ferguson của M.U nhiều lần thừa nhận rằng ông rất ấn tượng với cuộc họp báo của Mourinho ở Chelsea cách đây 9 năm: "Hôm ấy, tôi có xem cuộc họp báo qua tivi. Ông ta (Mourinho) lúc bấy giờ còn rất trẻ. Nhưng cực kỳ ấn tượng. Ông ta tự nhận mình là 'Người đặc biệt'. Ông ta khiến các cầu thủ tin rằng họ có thể giành chức vô địch".

Mourinho đối đầu với các đối thủ. Mourinho luôn tỏ ra kiêu ngạo. Mourinho mang đến nước Anh thứ bóng đá thực dụng. Nhưng trên tất cả, Mourinho được nhớ đến là mẫu HLV xem chiến thắng là tất cả.

Trước khi Mourinho đặt chân đến Stamford Bridge vào mùa Hè 2004, Chelsea chỉ được xem là đội bóng tầm khá. Những danh hiệu thứ yếu như Cúp FA, Cúp Liên đoàn đủ khiến họ vui mừng tột đỉnh. Ngay cả khi ông chủ tỷ phú Abramovich đổ tiền tấn vào CLB, họ cũng không dám tin rằng mình có thể lật đổ cả M.U lẫn Arsenal. Mùa 2003-04, Arsenal đã vô địch Premier League kèm theo kỳ tích bất bại trong khi M.U của Sir Alex không bao giờ chấp nhận buông tay khỏi ngai vàng.

Mourinho đã đến và thay đổi tất cả. Ông thắp lên ngọn lửa của niềm tin. Ông khiến những Terry, Lampard, Makelele, Robben... tự tin vào khả năng của họ, không sợ nghĩ về chiến thắng trước mọi đối thủ, dù có là Arsenal, M.U hay Liverpool. Ông yêu cầu đội bóng phải thấm nhuần tư tưởng "chiến thắng trong mọi trận đấu, giải đấu".

Nói thì luôn dễ dàng. Nhưng Mourinho không chỉ có nói. Ông đã làm được và làm rất tốt. Trong hai mùa đầu tiên dưới sự dẫn dắt của Mourinho, Chelsea luôn là đội bóng khó bị đánh bại nhất, trên mọi đấu trường, từ Premier League đến Champions League (họ chỉ bị loại một cách oan ức), từ Cúp FA đến Cúp Liên đoàn, và cả những trận "nửa giao hữu, nửa chính thức" như Siêu Cúp Anh.

2. Ngay cả sau khi Mourinho bị sa thải vào năm 2007, Chelsea vẫn duy trì được tư tưởng ấy qua các đời HLV. Có thể họ đánh mất sự ổn định, có thể cá tính phần nào bị mai một, Chelsea luôn săn tìm các danh hiệu cao quý và không hề biết sợ hãi trước bất kỳ đối thủ nào.

Như mùa 2011-12, Chelsea vẫn có thể lật ngược tình thế trước Napoli, vẫn vượt qua Barca và Bayern Munich dù hai đối thủ ấy được đánh giá cao hơn về nhiều mặt.

Tư tưởng của Mourinho phù hợp với quan điểm của Abramovich. Với tỷ phú người Nga, danh hiệu là trên hết, không giành được danh hiệu nghĩa là thất bại. Nếu thành công thì phải vô địch Champions League và Premier League. Còn những danh hiệu như Cúp FA, Cúp Carling, thậm chí là Europa League chỉ là thứ yếu. Rafa Benitez vẫn phải ra đi sau khi giúp Chelsea vô địch Europa League.

3. Mọi HLV làm việc với Abramovich đều hứng chịu áp lực danh hiệu. Không có ai là ngoại lệ. Ai kết thúc mùa giải với tay trắng, đều bị sa thải, như Avram Grant hay Carlo Ancelotti ở mùa thứ hai. Ai có dấu hiệu trắng tay, cũng bị sa thải, như Felipe Scolari, Andre Villas-Boas và Roberto Di Matteo.

Chính Mourinho đã tạo nên "thói quen danh hiệu" ở Chelsea. Chính ông đã trở thành nạn nhân của nó khi bị sa thải cách đây gần 6 năm.

Sẽ không có đặc cách, sự khác biệt nào trong lần trở lại này. Hợp đồng được ký kết 4 năm, nhưng đừng ngạc nhiên nếu ông phải ra đi sau mùa đầu tiên.

Nhưng hãy tin rằng, Mourinho "thích điều này". Ông vốn là HLV sinh ra để chinh phục các thách thức và danh hiệu.

ĐỨC LỘC
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm