Một "chân dung Quốc Thái" với ước vọng hòa bình

29/04/2025 18:05 GMT+7 | Văn hoá

Có một ước mơ về hòa bình được vẽ nên bằng những tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Quốc Thái. Nói cách khác qua triển lãm chân dung của Nguyễn Quốc Thái được khai mạc vào hôm nay, 29/4, người xem sẽ thấy mơ ước hòa bình của ông. Ước mơ của cá nhân ông mà cũng là ước mơ chung của cả dân tộc. Là khát khao, là hy vọng.

1. Lịch sử của dân tộc đi qua số phận của mỗi người, ai thì cũng là một phần của lịch sử. Hội họa của Nguyễn Quốc Thái (1943 - 2020) là lịch sử, là chiến tranh và hòa bình, được kể bằng sắc màu.

Mỗi họa sĩ có một biểu tượng về hòa bình. Chả ai giống ai. Bùi Xuân Phái là phố cổ Hà Nội, "tường nhà lở vôi, cửa gỗ bức bàn", Dương Bích Liên là chân dung mỹ nữ, Phạm Lực là những người đàn bà khỏa thân. Nguyễn Gia Trí là "Vườn xuân Trung Nam Bắc", Nguyễn Sáng là cô gái mặc áo dài ngồi yên bình bên lọ hoa sen.

Một "chân dung Quốc Thái" với ước vọng hòa bình - Ảnh 1.

Họa sĩ Nguyễn Quốc Thái (1943 - 2020)

Biểu tượng hòa bình của Nguyễn Quốc Thái cũng vậy, giản dị vô cùng. Là những bức tranh phong cảnh Hải Phòng quê ông "mỗi mùa hoa đỏ về", Hạ Long, Cát Bà, là cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn một buổi sáng mùa Đông, là những bức tranh tĩnh vật hoa quả, mùa nào hoa ấy. Khi ông cảm được về sự bình an trong một bông hoa và truyền tải được cảm hứng ấy vào trong tác phẩm, ấy là lúc ước mơ đã thành hiện thực.

Mơ mà thực. Mơ và thực ở trong nhau. Ước mơ về một cuộc sống bình yên còn được ông thu lại trong những tác phẩm chân dung bạn bè, gia đình, vợ con mà điển hình là bức Cô gái ngồi đan; Gia đình; Thiếu nữ đọc sách... Bình dị đấy, đời thường đấy, nhưng an lành biết bao.

Sự bình dị có lẽ chăng luôn là điều khó nhất? Với nghệ sĩ nói chung, với họa sĩ Nguyễn Quốc Thái nói riêng thì "con mắt tạo ra thế giới". Con mắt nuôi nấng, ấp ủ giấc mơ về hòa bình.

Một "chân dung Quốc Thái" với ước vọng hòa bình - Ảnh 2.

Một tác phẩm tranh cổ động của Quốc Thái

Cho dù ngay trong thời chiến, ngay khi ở giai đoạn ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước - từ những năm 1960 cho đến 1975 - những tác phẩm của Quốc Thái vẫn toát lên hy vọng, mong ước về hòa bình. Thậm chí ngay cả với những ký họa chiến tranh như: Ký họa Cầu Niệm; Ký họa phố Phan Bội Châu, Hải Phòng (1972), những thiết kế tem thư, những tranh cổ động Không ngừng rèn luyện quân sự để sẵn sàng chiến đấu; Vì hạnh phúc nhân dân (1975), thì chiến tranh hiểu theo một nghĩa nào đó thì cũng là để có hòa bình, để ước mơ hòa bình thành hiện thực.  

2. Có nhiều con đường để đến với hội họa. Nguyễn Quốc Thái chọn con đường hội họa hiện thực, nhưng điều đặc sắc nhất ở ông là bút pháp phóng khoáng, những vết bút to, nhát bút tự do bay bổng chứ không gò gẫm tỉ mẩn kiểu vờn tỉa. Bên cạnh đó là một bảng màu mạnh, hòa sắc tươi, tương phản trong chất liệu bột màu trên giấy.

Một "chân dung Quốc Thái" với ước vọng hòa bình - Ảnh 3.

“Phong cảnh Hạ Long”, tranh bột màu của Quốc Thái

Còn với lụa, ông ưa dùng lụa thô, dệt sợi to, chuyển êm giữa các khối, hình, mảng và nền, thậm chí đôi khi nhòe vào nhau để tối giản hóa, lược bỏ chi tiết rườm rà, độ đậm nhạt giữa các mảng ít chênh lệch. Dù là phong cảnh hay chân dung thì ông cũng tôn trọng cái mềm mại, thâm trầm của lụa, yên tĩnh của lụa. Lụa của Nguyễn Quốc Thái đẹp ở chỗ ông chỉ gợi chứ không tả kể. Thủ thỉ, tâm tình, kiệm lời chứ không đao to, búa lớn, rườm lời.

Chân dung Nguyễn Quốc Thái được khắc họa bởi nhiều thể loại từ phong cảnh, chân dung, đến tĩnh vật, từ minh họa đến truyện tranh như đã nói. Ông cũng vẽ nhiều đề tài khác nhau, nhiều chất liệu. Một bức chân dung đa diện. Độ ham sống, yêu cuộc sống của ông chính là ham vẽ. Nguyễn Quốc Thái luôn sống trong, sống cùng nghệ thuật.

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm có câu "Một ngôi nhà có câu thơ làm chiếc then cài cửa/ suốt mùa chiến tranh". Thơ ca là nghệ thuật, là sức mạnh tinh thần của cả dân tộc. Hội họa cũng làm nên sức mạnh tinh thần ấy. Chiếc then cửa/ nghệ thuật đã giữ yên được cho ngôi nhà, giữ yên được lòng người thì mới có thể giúp cho dân tộc này đi qua được "mùa chiến tranh" để đến với hòa bình, thực hiện được ước mơ hòa bình. Ngay cả lúc này, thời bình vẫn cần cái then cửa/ nghệ thuật ấy để giữ được hòa bình, giữ được một đời sống yên bình.

Xin trân trọng giới thiệu triển lãm Chân dung Quốc Thái với cộng đồng yêu hội họa.

Vài nét về "Chân dung Quốc Thái"

Triển lãm Chân dung Quốc Thái trưng bày hơn 150 tác phẩm gồm nhiều chất liệu và thể loại như sơn dầu, bột màu, lụa, màu nước, ký họa chiến tranh, tem, cổ động, phong cảnh, tĩnh vật, chân dung… được ông sáng tác trong giai đoạn từ 1968 đến trước khi mất (2020). Triển lãm diễn ra từ ngày 29/4 đến hết ngày 5/5 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội).

4/2025

Lê Thiết Cương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm