Đột nhập Allianz Arena ngày Bundesliga khai màn: Đi xem Bayern... kiếm tiền

12/08/2013 06:40 GMT+7 | Đức

(Thethaovanhoa.vn) - Tới Munich đúng ngày khai mạc Bundesliga mùa 2013-14, tôi may mắn kiếm được một chiếc vé vào sân. Ngoài chứng kiến một trận đấu khá hấp dẫn, tôi cũng phát hiện được cách kiếm tiền rất chuyên nghiệp nhưng đầy tính nhân văn của đội bóng này.

Trận đấu giữa Bayern Munich và Gladbach diễn ra vào 20h30 giờ địa phương, nhưng nhiều CĐV đến sân trước 5 tiếng bất chấp trời đột ngột trở lạnh và có mưa rào.

Vé 5 euro cho người khuyết tật

Vé nửa mùa giải đã được bán hết từ lâu nên không dễ để kiếm được vé vào sân trừ khi bạn sẵn sàng chi ra số tiền lớn gấp 3 lần giá gốc để mua vé chợ đen. Giá vé thấp nhất của Bayern ở khán đài đứng là 15 euro (khoảng 430 nghìn VNĐ), cao nhất là 70 euro. Nhưng cũng có một loại vé đặc biệt khác mà người mua chỉ phải bỏ 5 euro là có thể nắm trong tay 2 tấm vé trên khán đài ngay gần khu VIP. Đó là vé cho người khuyết tật và một người trợ giúp, nằm ở khu vực phía Tây, ngay trên khu ghế chỉ dành riêng cho nhà tài trợ.


Tác giả ở trong và ngoài sân Allianz

Tuy giá vé rất rẻ, chỉ bằng nửa giờ lao động phổ thông tại Đức, nhưng dịch vụ dành cho người khuyết tật không thua kém người thường, nếu không muốn nói là tốt hơn. Họ có lối đi, cửa xếp hàng, nhà vệ sinh riêng biệt, rất tiện dụng. Khán đài của người khuyết tật có tầm nhìn rất tốt, cũng rộng hơn hẳn, có thể di chuyển bằng xe lăn và có một hàng ghế cho người giúp đỡ đi cùng. Do những dịch vụ rất tốt của Bayern nên tất cả những người khuyết tật tôi gặp, từ ông cụ tóc bạc phơ, đến những em bé, đều luôn mỉm cười.

Do những chính sách ưu đãi dành cho người khuyết tật hay tầng lớp có thu nhập thấp nên mỗi mùa tại Allianz Arena, Bayern chỉ thu về 85,4 triệu euro, thua xa của M.U (122 triệu) hay Arsenal (117,7) dù số ghế tương đương. Nhưng đổi lại, Bayern cũng có được một lớp CĐV trung thành, luôn coi đội bóng như gia đình, ủng hộ họ hết mình trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Chủ tịch Uli Hoeness từng nói rằng nếu tăng giá vé, Bayern sẽ kiếm thêm được vài triệu euro mỗi mùa. Số tiền đó không lớn với CLB nhưng là một vấn đề với các CĐV nên Bayern đã không tăng giá.

CĐV là Thượng đế

Ngoài việc vào sân xem bóng đá, CĐV còn có thể tham gia vào những tour tham quan SVĐ. Một suất đi Arena Tour và viện bảo tàng Bayern có giá 17 euro còn VIP tour (được xuống sân, ngồi vào ghế huấn luyện, uống champagne…) chỉ đắt hơn 8 euro. Trẻ em được giảm giá đặc biệt, chỉ với 6 euro là có thể đi mọi ngóc ngách của sân. Nhân viên hướng dẫn tour chia làm 2 bộ phận: tiếng Anh và tiếng Đức. Với những dịch vụ này, du khách sẽ được tới phòng thay đồ, phòng trị liệu, phòng họp báo, phòng trưng bày danh hiệu, phòng chiếu phim lịch sử của CLB v.v…

Người hâm mộ có thể mua đồ lưu niệm quanh sân vận động. Có thể là trên những chiếc xe tải cỡ lớn, có thể là những sạp hàng nhỏ trước cổng sân hay lớn nhất là Bayern Megastore, rộng 1000m2.  Rất ít người đi ra khỏi Allianz Arena mà trên tay không có ít nhất một món đồ lưu niệm. Nhiều CĐV, nhất là từ những thành phố khác tới, đã phải tiêu khá nhiều tiền cho việc đi lại, ăn nghỉ nhưng khi được hỏi “Có thấy tốn kém không?”, họ lắc đầu và hét vang: “Super Bayern, Super Bayern. Yeah, yeah”.

Theo thống kê của hãng kiểm toán Deloitte, Bayern là đội kiếm được nhiều tiền nhất từ các hoạt động thương mại (quảng cáo, bán đồ lưu niệm...) ở mùa 2011-12. Như đã nói ở trên, Bayern luôn giảm giá vé tới tối đa cho các CĐV, cho họ hưởng những dịch vụ tốt nhất (những người có vé sẽ được đi các phương tiện công cộng miễn phí). Do đó, các CĐV cũng sẵn sàng dốc hết hầu bao mỗi khi tới Allianz Arena. Các doanh nghiệp cũng “đánh hơi” được tình yêu bất tận này nên luôn hào phóng tài trợ cho Bayern với những số tiền kỷ lục.

Nhờ những chính sách rất khôn ngoan, trong vài năm gần đây, Bayern luôn nằm trong tốp 4 những đội kiếm tiền nhiều nhất thế giới nhưng vẫn có được một đội ngũ CĐV đông đảo và luôn hết mình ủng hộ đội bóng.

Yến Nhi (từ Munich, Đức)
Thể thao & Văn hóa

Vé chợ đen ở Allianz Arena

Vé nửa đầu mùa giải của Bayern đã bán hết từ lâu nên những CĐV chậm chân có thể mua bằng cách đấu giá trên Ebay với những mức giá cao ngất ngưởng hoặc có thể đến sân từ sớm để tìm vé chợ đen như tôi đã làm.

Vào ngày khai mạc, trời mưa rào rất lâu, nhiệt độ chỉ vào khoảng 14 độ C. Tuy nhu cầu rất cao nhưng lượng cung không nhiều, chỉ có khoảng 10 người hành nghề phe vé ở đây. Cũng không có chuyện phe vé chặn xe của khách và thét giá như tại Việt Nam. Tại đây các phe vé đi lấm lét, sợ sệt và luôn đảo mắt nhìn cảnh sát. Như anh chàng bán vé cho tôi, khi đã đồng ý giá 90 euro (gấp đôi giá gốc), phải gọi tôi ra một góc khuất rồi mới dám nhận tiền.

Phần lớn dân phe vé là người Thổ Nhĩ Kỳ hoặc gốc Thổ. Họ nói tiếng Đức không thạo và tiếng Anh cũng chẳng xong. Nhưng do cung quá lớn nên họ cũng chẳng có nhu cầu phải học thêm ngoại ngữ để phục vụ khách hàng tốt hơn. Họ hét những cái giá trên trời và tỏ ra rất “cứng” khi có mặc cả. Có 3 anh chàng người Hàn Quốc đã phải bỏ ra 500 euro để mua loại vé 70 euro/cái. Theo một CĐV giàu kinh nghiệm, một chiếc vé loại này được rao bán lẻ với giá 150 euro, thấp nhất cũng phải là 125 euro.


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm