Làm sao chấm dứt trang trí phố Hà Nội theo kiểu 'phong trào'?

30/03/2016 07:44 GMT+7 | Hà Nội ngày nay

(Thethaovanhoa.vn) - Ngoài dự kiến, buổi phát động thi thiết kế trang trí Hà Nội vào sáng 29/3 lại trở thành cơ hội để giới chuyên môn chia sẻ quan điểm của mình.

Cụ thể, cuộc thi được Sở VT&TT Hà Nội tổ chức với tên gọi “Thiết kế các hình thức tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị và trang trí Thành phố Hà Nội năm 2016”.

Nội dung dự thi được chia làm 2 hạng mục: thiết kế mô hình biểu tượng, cụm panô cổ động, cụm cờsử dụng tại dịp kỷ niệm các sự kiện,ngày lễ lớn và trang trí tổng thể về bề mặt kiến trúc, cây xanh, vỉa hè, chiếu sáng tại những điểm nhấn chính của Hà Nội như các quảng trường, vườn hoa, khu tượng đài, phố trung tâm, cửa ngõ chính…

Đây là lần đầu tiên Hà Nội tổ chức tìm kiếm phương án “chuẩn” cho việc trang trí thành phố. “Lần đầu tổ chức không thể tránh khỏi những bỡ ngỡ, nhưng chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận mọi ý kiến với tinh thần cầu thị” – Giám đốc Sở VH&TT Tô Văn Động cho biết.


Quả cầu khổng lồ cạnh vườn hoa Con Cóc đã chắn hết tầm nhìn về khu vực đài phun nước

Cũng từ sự “cầu thị” này, ông Động khẳng định Sở VH&TT Hà Nội sẽ ghi nhận, điều chỉnh theo ý kiến của các họa sĩ về giải thưởng, cũng như thời gian dự thi.

Trước đó, thay mặt cho các tác giả, họa sĩ Lê Huy Tiếp cho rằng việc ban tổ chức đặt ra các giải nhất trị giá 10 triệu đồng (hạng mục thiết kế tuyên truyền) và 20 triệu đồng (thiết kế trang trí làm đẹp) là… quá thấp so với sáng tạo của nghệ sĩ. “Chưa kể, thời hạn cuối nộp tác phẩm dự thi là 22/4 thì cũng quá gấp vì chỉ còn hơn 3 tuần nữa” - họa sĩ Tiếp thẳng thắn.

Theo họa sĩ Trần Khánh Chương (Chủ tịch Hội đồng giám khảo cuộc thi): “Chúng ta hiện đang quá lạm dụng việc căng dây, kéo những chùm đèn màu xanh đỏ trong khu vực trung tâm. Vào ngày lễ, nhiều khi tôi tưởng như mình đi dưới một dàn mướp lộn xộn và sặc sỡ. Nhưng, chọn phương án chiếu sáng nào để thay cách làm máy móc ấy lại là vấn đề phụ thuộc vào sự sáng tạo của các tác giả”.

Một ví dụ khác về sự áp đặt khiên cưỡng trong trang trí Hà Nội cũng được ông Chương nhắc tới qua trường hợp quả cầu hòa bình đang được đặt trước cửa quảng trường Ngân hàng. Kích thước quá to của quả cầu phá vỡ sự trang nhã hiện có của các trục phố Pháp nơi đây, đồng thời che khuất tầm nhìn của người đi về phía khu vực vườn hoa Con Cóc.

Họa sĩ Nguyễn Huỳnh Mai lấy ví dụ về việc Ô Quan Chương rêu phong thường xuyên bị cắm chi chít các loại cờ đuôi nheo xanh đỏ làm ví dụ cho việc trang trí “nặng về phong trào,  làm ào ào lấy được, chạy theo thành tích”.

Chia sẻ với ý kiến này, ông Tô Văn Động cho biết: phía Sở VH&TT cũng đã nhiều lần khuyến cáo các tổ dân cư không nên tự phát cắm cờ xanh đỏ trong những dịp lễ lớn, tuy nhiên cũng chưa mấy thành công vì nhiều địa phương vẫn… nhiệt tình với cách trang trí này.

Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm