Kinh nghiệm chống 'chặt chém' khi đi du lịch: 11 'bí kíp' cực hay cần phải thuộc lòng
(Du lịch - Thethaovanhoa.vn) - Khi nói đến chuyện chặt chém, ép giá, lừa đảo du khách ở Việt Nam thì nhiều người phán ngay rằng chuyện đó ở đâu mà chả có. Ngu thì chết. Kêu cả cái nỗi gì.
- Kinh nghiệm du lịch - phượt đảo Phú Quý
- Kinh nghiệm du lịch – phượt Ninh Bình
- Kinh nghiệm du lịch - phượt Đồng Tháp
- Kinh nghiệm du lịch – phượt Quy Nhơn
- Kinh nghiệm du lịch - phượt Cù Lao Chàm
Nhưng nói thế nghe không ổn. Đơn giản vì cho dù ở hầu hết các điểm du lịch trên đất nước này đều có thể xảy ra tình trạng chặt chém và lừa dối các "thượng đế" nhưng vẫn có một số điểm du lịch nổi lên như những điển hình về tệ nạn này.
Nạn chặt chém, cài bẫy khách du lịch ở đây diễn ra với mật độ nhiều và nhức nhối hơn ở những nơi khác nên tôi liệt kê ra đây những điểm đó cùng kinh nghiệm phòng ngừa khi bạn đến. Lời nhắn nhủ là bạn cần có sự lưu tâm đặc biệt khi đi đến những điểm này.
Ví dụ về những trường hợp khách du lịch bị chặt chém ra sao thì truyền thông thời gian qua đã dẫn ra nhiều rồi nên tôi không nhắc lại những vụ đó nữa. Tôi chỉ dẫn ra một ví dụ rất nhỏ của riêng tôi thôi.
Có lần tôi ngồi cafe ở nhà hàng Nắng Sài Gòn nằm ngay mặt đường ở góc giao giữa Huỳnh Thúc Kháng và Nguyễn Chí Thanh. Tôi bảo em phục vụ là cho anh một Kacao đá thì lát sau em này mang đồ uống ra cho tôi kèm theo một đĩa nhỏ bánh xu xê (còn gọi là bánh phu thê). Để xuống rồi đi.
Lát sau thì có cô bạn đến. Bạn tôi tất nhiên cũng gọi đồ uống và em phục vụ lại cũng mang kèm theo đĩa bánh phu thê ra. Cô bạn ăn luôn và khen ngon. Tôi thì chỉ uống thôi. Khi thanh toán, em kia tính cả tiền bánh vào. Tôi trả hết vì trong tình huống này có bạn tôi ở đó và cô ấy thì không nghĩ ngợi gì cả.
Nhưng tôi nói lại chuyện này để bạn biết rằng một trong những kiểu cài bẫy của các nhà hàng, quán ăn, quán Karaoke là mình gọi những thứ abc thì họ đương nhiên mang ra đủ nhưng họ còn mang kèm theo các thứ xyz nữa rồi họ để luôn đấy, không nói gì và bỏ đi.
Nhiều người cứ tưởng rằng những thứ đó là "free" nhưng nếu bạn ăn vào rồi thì nhiều khi bạn nhìn hóa đơn thanh toán, bạn rất muốn “nôn” ra khẩn trương.
Khi bạn ngồi vào bàn nhậu thì khăn lạnh sẽ được để sẵn ở các vị trí mà nếu bạn dùng thì bạn sẽ bị tính tiền, bia thì có thể là chai mới, lon mới để trên bàn còn dưới gầm bạn thì có nhiều chai, lon khách trước đã xài rổi.
Không ít trường hợp khách uống xong thì mới cũ nhập nhèm làm một. Một khi đã uống nhiều thì có phải ai cũng đếm hay nhớ được số chai đâu mà lúc ấy nhân viên phục vụ mới chập cả cũ lẫn mới vào thì tranh cãi, phân bua kiểu gì?
Hát Karaoke thì giá tính theo giờ nhiều nơi nghe rất “mềm” nhưng đĩa hoa quả thập cẩm hoặc bia mà họ phục vụ khách đến hát thì giá rổ bao giờ cũng “cứng đơ dơ”, vô cùng chát chúa, gấp 3-6 lần mức thông thường.
Bạn đã nghe báo đài nói ra rả thời gian qua về nạn chặt chém khách du lịch ở Hạ Long, Cát Bà, Sài Gòn, Hà Nội, Sầm Sơn, Vũng Tàu. Khách toàn phải trả những số tiền cao ngất ngưởng cho những bữa ăn, những dịch vụ mà giá trị thực của nó rẻ hơn rất, rất nhiều lần như thế.
Nhưng tại sao vẫn có nhiều người mắc bẫy? Có một nguyên nhân rất phổ biến là rất nhiều người không có thói quen hỏi giá trước khi sử dụng dịch vụ (không chỉ là ăn uống). Họ cứ gọi, dùng xong rồi mới hỏi bao nhiêu tiền.
Nghe báo giá rồi mới tá hỏa. Nhưng lúc đó thì còn làm được gì nữa? Lại có những người thắc mắc rằng rõ ràng là mình đã hỏi giá chính xác và cụ thể nhưng ăn/uống xong thì vẫn bị chủ quán đưa ra một cái giá “trời ơi”. Hỏi lại thì họ bảo là mình nghe nhầm. Thực tế thì nó phải là xyz.
Khách du lịch bị chặt chém không chỉ vì bản thân họ quá bất cẩn và thiếu kinh nghiệm khi đi tour mà còn bởi vì thực tế khách quan của hoạt động kinh doanh du lịch ở Việt Nam có những điểm rất đáng buồn cộng với thói quen đi du lịch của người Việt theo tôi là khá cứng nhắc.
Ai cũng có thói quen là cứ đến dịp nghỉ lễ là đi du lịch. Mà đi thì không chịu tìm hiểu kỹ về điểm đến mà cứ nghe thấy nó nổi tiếng, nó đẹp này đẹp nọ là đi thế thôi. Do quá nhiều người cùng chọn một thời điểm giống nhau để đi và lại cùng đi đến một nơi giống nhau nên dẫn tới tình trạng quá tải vào một thời điểm nhất định ở một khu du lịch.
Và tất nhiên lượng khách quá đông cùng dồn về một lúc sẽ tạo điều kiện lý tưởng cho các cò mồi, các chủ nhà nghỉ, khách sạn, quán ăn, các chủ tàu thuyền, xe ôm…tìm mọi cách ép giá, nâng giá, chèo kéo để kiếm trác.
Bản thân khách thì như thế. Các nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ…lại chỉ có tầm nhìn ngắn hạn, chuyên làm ăn theo kiểu chộp giật. Nghĩa là chặt chém được lúc nào hay lúc ấy. Cứ tranh thủ chặt chém để thu tiền đã. Uy tín với chả bất tín họ không quan tâm.
Chính quyền địa phương ở nhiều nơi thì hoặc là buông lỏng quản lý, hoặc là năng lực quản lý quá kém nhưng phần nhiều là bị các cơ sở kinh doanh dán keo 502 vào mồm bằng những khoản lót tay hậu hĩnh nên họ nhắm mắt làm ngơ, hoặc giả vờ trấn áp một tí để lấy lệ, xong lại đâu vào đấy.
Khi chính quyền lại bắt tay với các cơ sơ kinh doanh lớn bé để làm tiền thì tất nhiên là du khách sẽ ăn đòn. Để hạn chế tới mức tối đa những thiệt hại tài chính và để cho chuyến đi của bạn được trọn vẹn thay vì bạn phải điên đầu khi cảm thấy mình bị lừa dối hoặc cài bẫy lúc thì tinh vi, lúc thì trắng trợn, các bạn có thể tham khảo những kinh nghiệm tôi liệt kê ra ở đây:
1.Tìm hiểu về điểm đến bằng cách tham khảo kinh nghiệm của người đi trước qua một số diễn đàn trên mạng như webtretho, lamchame…qua bạn bè, người thân và tự mình tìm kiếm thông tin cơ bản nhất về điểm đến như dịch vụ ăn, ở, các điều cần tránh… trên mạng, ghi ra giấy hoặc lưu vào máy điện thoại, laptop…
2.Tuyệt đối phải luôn luôn hỏi giá trước khi sử dụng bất kỳ dịch vụ nào từ đi lại (taxi, xe ôm…) cho đến ăn/uống/ở hay bất kỳ dịch vụ vui chơi giải trí nào khi bạn đi tắm biển
3.Về khoản ăn uống mà nhiều người hay bị chặt chém: Phải hỏi thật kỹ giá đồ ăn/uống mà nhà nghỉ/khách sạn/quán ăn đưa ra là bao gồm những gì? Từng món cụ thể giá bao nhiêu? Tất cả những thứ mình không order mà họ vẫn mang ra thì hỏi luôn là những thứ đó free hay bao nhiêu tiền? Phải ghi âm lại những gì họ nói hay đề nghị họ ghi giá món ăn cụ thể ra giấy, bảo họ ký vào rồi mình cầm lấy giấy (đặc biệt là Cát Bà, Vũng Tàu) để tránh bị lật lọng một cách trắng trợn.
4.Nếu có thể thì nên tránh đi du lịch biển vào lúc cao điểm (giữa tháng 5 cho tới giữa tháng 8), hoặc ít ra là tránh đi những nơi đã có tai tiếng về khoản chặt chém vào lúc cao điểm. Thay vào đó, bạn có thể thu xếp một chuyến đi biển ở Miền Trung hay miền Nam. Chắc chắn là đẹp hơn và yên tâm hơn về giá cả so với miền Bắc.
5.Sử dụng Coughsurfing hoặc Homestay
Coughsurfing hiện đặc biệt phổ biến ở Hà Nội, Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng và Hội An trong khi Homestay có ở Cần Thơ, Bến Tre…Hội An, Mai Châu, Mộc Châu, Sa Pa, Bắc Kạn, Hà Giang, Mù Cang Chải…Đây là cách đi bụi quen thuộc của tây ba lô, vừa tiết kiệm chi phí, vừa giúp bạn có những trải nghiệm thực tế và hiểu về cuộc sống, sinh hoạt của người dân ở nơi bạn đến.
6.Khi đến những điểm du lịch “nguy hiểm” như Hà Nội, Sài Gòn, Sầm Sơn, Cát Bà…thì bạn hãy tìm cách tiếp xúc với người dân địa phương (nhưng không làm nghề dịch vụ như ăn uống hay kinh doanh chỗ ở nhé!) để tìm kiếm lời khuyên của họ về các dịch vụ ở nơi bạn đến, những cạm bẫy cần phải tránh.
7.Cần ghi lại địa chỉ, điện thoại và cần thì chụp hình tất cả những nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng “có mùi” để chia sẻ cho bạn bè, người thân hoặc đơn giản là những người đi sau biết mà phòng tránh
8.Cố gắng tìm kiếm những nhà nghỉ/khách sạn/quán ăn đã nhận được nhiều đánh giá tốt từ người đi trước để sử dụng vì khi đã có thương hiệu thì người ta sẽ hiểu tầm quan trọng của việc phải giữ gìn thương hiệu của mình nên tiêu cực sẽ ít xảy ra hơn.
9.Không nên phô trương vật chất đắt tiền một cách quá lộ liễu vì như thế sẽ khiến người ta hiểu rằng bạn giàu có và họ càng tìm cách moi thật nhiều tiền của bạn.
10.Bạn biết rằng các cơ sở kinh doanh du lịch làm ăn sai trái thì rất sợ những hành vi của họ bị báo chí phanh phui nên bạn có thể giới thiệu mình (hoặc các bạn có thể giới thiệu mình) là nhà báo thuộc cơ quan lớn nào đó, đến nơi này, nơi kia để viết bài, phóng sự về chất lượng dịch vụ ăn uống/ngủ nghỉ ở chỗ đó.
Hay ít ra ban nói bạn có bạn làm nhà báo ở nơi bạn đến (tất cả đều là giả vờ thôi nhưng cứ thử). Nói thế để nắn gân bọn chặt chém, đánh động cho bọn nó biết và tôi nghĩ đó cũng là cách hay để bạn tránh bị cạn hầu bao.
11. Khi mua đồ ở các cửa hàng lưu niệm, ở chợ hay siêu thị thì phải hỏi giá nhưng nếu sau đó mà bạn lại thay đổi ý định không muốn mua nữa thì đừng nên im lặng bỏ đi mà vẫn cứ trả giá nhưng thấp hơn thật nhiều (bằng 1/3 giá họ đòi chẳng hạn) để họ không bán nữa mà mình cũng không mang tiếng là hỏi mua rồi lại bỏ đi, không trả giá.
Điều này đặc biệt nên lưu ý khi shopping buổi sáng ở Hà Nội, nơi nổi tiếng là nói thách với giá gấp 3-4 lần giá thực tế. Nếu bạn đi mua sắm buổi sáng mà rồi lại bỏ đi không nói gì, bạn hoàn toàn có thể bị ăn chửi té tát với những lời lẽ cực khó nghe. Dân buôn ở đây cực duy tâm và không ít người sẵn sàng tỏ thái độ vô văn hóa với khách nên bạn hãy dùng cách như tôi khuyên.