Festival Phở 2025: Kể chuyện phở trong kỷ nguyên số
Với chủ đề "Tinh hoa Phở Việt – Di sản trong kỷ nguyên số", Festival Phở 2025 đã chính thức khai mạc vào tối 18/4 tại Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), mang đến một không gian đậm đà bản sắc, nơi câu chuyện của phở được kể lại bằng những hình thức mới mẻ, gắn kết giữa truyền thống và công nghệ hiện đại.
Sự kiện do Văn phòng UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo, phối hợp cùng các sở, ban, ngành triển khai, trong đó Trung tâm Hội nghị Thành phố là đơn vị tổ chức chính. Đây là hoạt động thiết thực nhằm triển khai Nghị quyết số 57/NQ-TW về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, đồng thời lan tỏa tinh thần của Nghị quyết số 33-NQ/TW về phát triển văn hóa và con người Việt Nam trong thời kỳ mới.
Diễn ra từ ngày 18 đến 20/4, Festival Phở 2025 không chỉ là ngày hội ẩm thực, mà còn là một "bảo tàng sống" tái hiện hành trình phát triển của món phở - từ gánh hàng rong bình dị đến biểu tượng văn hóa mang tầm quốc tế. Qua chuỗi hoạt động trải nghiệm đa dạng, lễ hội truyền tải câu chuyện của phở bằng nhiều hình thức sáng tạo, kết hợp hài hòa giữa yếu tố văn hóa truyền thống và công nghệ số.

Trải nghiệm công nghệ số tại Festival Phở 2025
Cụ thể, lần đầu tiên tại một lễ hội ẩm thực, các ứng dụng công nghệ như Chatbot AI hay công cụ phiên dịch thông minh LocaAI được triển khai, tạo nên trải nghiệm mới mẻ cho du khách. Với trợ lý Phở AI, người tham dự có thể dễ dàng đặt câu hỏi như "hôm nay ăn gì?", tìm quầy phục vụ nhanh hoặc lựa chọn loại phở phù hợp khẩu vị cá nhân. Trong khi đó, LocaAI hỗ trợ du khách quốc tế tiếp cận phở Việt thông qua giao tiếp bằng chính ngôn ngữ mẹ đẻ - từ gọi món đến tìm hiểu thông tin văn hóa, không cần phiên dịch viên.
Không gian "Câu chuyện Phở" tiếp tục là điểm nhấn đặc sắc, tái hiện hành trình phát triển của món ăn trứ danh qua từng giai đoạn: từ gánh phở vỉa hè thời bao cấp, quán phở đầu phố thân quen, cho đến những thương hiệu phở nổi tiếng vươn ra thế giới. Mỗi quầy hàng như một lát cắt thời gian, giúp thực khách cảm nhận sâu sắc sự biến chuyển của phở trong đời sống đô thị.

Tượng “Người gánh phở” tại Festival Phở 2025
Đáng chú ý, khu vực "Phở đặc trưng vùng miền" mang đến cơ hội hiếm có để khám phá sự khác biệt trong khẩu vị và cách chế biến: từ phở Hà Nội thanh tao, phở Nam Định đậm đà, đến phở miền Trung mặn mòi hay phở miền Nam ngọt hậu. Các gian hàng được thiết kế gắn liền với đặc trưng văn hóa địa phương, góp phần tôn vinh nghệ thuật ẩm thực truyền thống Việt Nam.
Một điểm nhấn khác đầy cảm xúc tại lễ hội là bức tượng "Người gánh phở" - tái hiện hình ảnh người bán phở rong đầu thế kỷ 20 với đôi quang gánh, nồi nước dùng bốc khói và chiếc lồng quen thuộc. Không cần lời thuyết minh, bức tượng mang đến một hình ảnh trầm lặng nhưng sâu sắc, gợi lại ký ức Hà Nội xưa và thể hiện sự kết nối giữa phở truyền thống với hiện đại.
Bên cạnh không gian trải nghiệm, Festival Phở 2025 còn tổ chức tọa đàm chuyên đề "Phở trở thành di sản UNESCO và lan tỏa quốc tế" vào sáng 19/5. Đây là dịp để các nhà nghiên cứu, nghệ nhân, chuyên gia và đại diện quản lý văn hóa trao đổi sâu về quá trình lập hồ sơ, các tiêu chí của UNESCO cũng như thách thức trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản ẩm thực trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Một số hình ảnh tại Festival Phở 2025:

Nghe hát Xẩm, thưởng thức Phở Thìn Bờ Hồ

Không gian Phở ngô H’Mông

Đông đảo thực khách thưởng thức Phở Vân Cù Nam Định

Những bát phở ngô nóng hổi mang hương vị độc đáo