11/07/2019 06:09 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Một ngày sau những sai sót của trọng tài Ngô Quốc Hưng trên sân Pleiku ở trận đấu giữa HAGL và Quảng Nam, đến lượt trọng tài Nguyễn Văn Chôm không theo kịp trận đấu giữa Sài Gòn FC và Than Quảng Ninh trên sân Thống Nhất. Quả là đáng lo cho giải đấu số 1 Việt Nam khi mà chặng về quyết định mới chỉ bắt đầu.
Trọng tài Nguyễn Văn Chôm, người Đồng Tháp, nổi lên như một ngôi-sao trọng tài ở hai mùa giải gần đây. Tuy nhiên, đó là một cuộc cách mạng không hoàn hảo của Ban Trọng tài thuộc VFF. Việc đôn quá nhanh các trọng tài trẻ hoặc thiếu kinh nghiệm (dân trong nghề gọi là “chưa đủ giờ bay”) lên cầm còi các giải chuyên nghiệp đã có những phản ứng phụ. Đấy là đương nhiên, và vì thế phải xem lại khâu đào tạo cấp cơ sở, mà LĐBĐ TP.HCM (HFF) là một minh chứng.
Tuy nhiên, dường như điều này không tự nhiên mà đến, bởi cái gì cũng có căn nguyên của nó.
Trước lượt về V-League 2019 khởi tranh, đợt tập huấn giám sát trọng tài diễn ra ở Hà Nội (thay vì Đà Nẵng như thời ông Nguyễn Văn Mùi còn ngồi ghế Trưởng ban hoặc TP.HCM), đã có ít nhất 4 trọng tài và trợ lý trọng tài rớt đài ở cuộc kiểm tra thể lực. 3 trong số đó thuộc HFF, một ở Bình Dương.
Tại sao các trường hợp trọng tài và trợ lý trọng tài không qua được bài kiểm tra thể lực đều lại tới từ phía Nam?
Ông Nguyễn Hiền Triết là trọng tài FIFA, nhưng đã phải nhập viện vì đột quỵ trong lúc kiểm tra thể lực. Đây không phải là thông tin tốt cho uy tín của giới vua áo đen Việt Nam, nhưng ông Triết đã bỏ qua các đợt kiểm tra cấp cơ sở nên đành chịu. Cuộc chơi mà!
Trở lại với vấn đề mà chúng tôi đề cập ở đầu bài viết. Vấn đề lớn nhất của các trọng tài Viêt Nam, đấy là thể lực. Thay vì phải chuẩn bị nền tảng thể lực tốt để theo kịp các diễn biến của trận đấu, thì các “vua áo đen” đang vất vả với bài toán này.
Việc không ít trọng tài Việt Nam bị rơi vào tình trạng bụng phệ, di chuyển nặng nề và chọn vị trí - không gian không hợp lý đã khiến họ bị mất điểm rất nhiều. Đấy là chưa nói vấn đề tư tưởng.
Để cải thiện điều này, không phải ngày một ngày hai, mà cần nhiều hơn thời gian. Điều quan trọng vẫn cứ là ý thức. Phần lớn, nếu không muốn nói là tất cả, các trọng tài và giám sát, đều đã và đang công tác tại các trường học, hoặc Trung tâm Thể thao.
Họ có một công việc và thu nhập ổn định, và ai cũng nói là “làm trọng tài vì đam mê”. Nhưng đam mê thôi, với thu nhập cũng cao hơn nhiều mặt bằng xã hội. Không đùa được!
Các CLB ức chế bởi trọng tài, và người ta không bao giờ biết trọng tài là nạn nhân hay tác nhân? Đây là thế giới khó kiểm soát bậc nhất trong thế giới bóng tròn. Và, ai còn nhớ đại án năm 2005?! Đó là một vết nhơ, nhưng có gì đảm bảo, bây giờ chuyện đi đêm với trọng tài không còn?! Thôi thì trọng tài cũng là con người. Cái này thì rõ rồi.
Chỉ là bóng đá Việt Nam, với hệ thống thi đấu các giải quốc gia và chuyên nghiệp, sẽ không thể phát triển lên một tầm cao mới, nếu đội ngũ cầm cân nảy mực thiếu chuẩn mực.
Tùy Phong
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất