Việt Nam sẵn sàng cho vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vào tháng 1/2020

12/12/2019 14:00 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 12/12, Bộ Ngoại giao tổ chức họp báo quốc tế về việc Việt Nam chính thức đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

Việt Nam với Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc: Việt Nam ưu tiên thúc đẩy các vấn đề toàn cầu trên cơ sở luật pháp quốc tế

Việt Nam với Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc: Việt Nam ưu tiên thúc đẩy các vấn đề toàn cầu trên cơ sở luật pháp quốc tế

Tại Khóa họp lần thứ 73 Đại hội đồng Liên hợp quốc, Việt Nam đã trúng cử vị trí Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu rất cao (192/193 phiếu).

Phát biểu tại họp báo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung cho biết, tháng 6/2019, với số phiếu bầu kỷ lục 192/193 phiếu, Việt Nam chính thức trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Điều đó thể hiện sự nhìn nhận của cộng đồng quốc tế về nước Việt Nam không những có truyền thống trong quá khứ về đấu tranh vì những mục tiêu của Liên hợp quốc là nhằm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, độc lập dân tộc, mà còn là sự nhìn nhận về nỗ lực của Việt Nam trong hội nhập, thúc đẩy quan hệ quốc tế, về đường lối đối ngoại của Việt Nam theo hướng ủng hộ những vấn đề chung được cộng đồng quốc tế quan tâm.

“Với việc tham gia Hội đồng Bảo an, Việt Nam có thể có cơ hội quan trọng để thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, là đường lối thúc đẩy hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa và Việt Nam mong muốn là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”, Thứ trưởng Lê Hoài Trung nêu rõ.

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, đây là nhiệm vụ của ngành đối ngoại và cũng là trách nhiệm Việt Nam đóng góp vào thúc đẩy hợp tác đa phương để góp phần tăng cường hiệu quả phương thức giải quyết các vấn đề quốc tế, trong đó Việt Nam nỗ lực và tích cực vươn lên đóng vai trò nòng cốt, trung gian hòa giải trên những vấn đề phù hợp với lợi ích, trong khả năng và điều kiện của mình. Làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam mong muốn đóng góp vào thúc đẩy việc phát huy vai trò hàng đầu của Hội đồng là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, cụ thể là ngăn ngừa xung đột, giúp giải quyết các vấn đề khủng hoảng; góp phần vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng, đồng thời thúc đẩy một số vấn đề mà các nước, nhóm nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương quan tâm như bảo vệ thường dân trong xung đột vũ trang, vấn đề tái thiết sau xung đột, phụ nữ và hòa bình, an ninh... Cùng với đó, Việt Nam mong muốn qua dịp này thúc đẩy được quan hệ đối tác với các quốc gia trong Hội đồng Bảo an và các quốc gia khác.

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Bộ ngoại giao Lê Hoài Trung thông báo về việc Việt Nam đảm nhận vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021. Ảnh: Lâm Khánh - TTXVN

Từ năm 2014 đến nay, Việt Nam bắt đầu tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi với gần 100 cán bộ, chiến sỹ. Gần đây, Việt Nam đã tham gia đóng góp bệnh viện dã chiến cấp 2. Tỷ lệ nữ cán bộ Việt Nam tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình được Liên hợp quốc đánh giá là cao nhất.

Trong nhiệm kỳ làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam có hai tháng làm Chủ tịch Hội đồng vào tháng 1/2020 và tháng 4/2021. Việc làm Chủ tịch ngay từ tháng 1/2020, khi chỉ có 6 tháng để chuẩn bị, là một thách thức không nhỏ. Ý thức được trách nhiệm của mình, các bộ, ban, ngành đã triển khai nhiều công việc: rà soát lại, xây dựng hồ sơ cơ bản về từng vấn đề trong chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; xây dựng cơ chế về phối hợp liên ngành Công an – Quốc phòng – Ban đối ngoại Trung ương và các bộ, ngành liên quan...

Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Lê Hoài Trung đã trả lời nhiều câu hỏi của báo giới liên quan đến những vấn đề Việt Nam ưu tiên thảo luận trong tháng nắm giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bảo an, ngay sau khi trở thành Ủy viên không thường trực của Hội đồng (tháng 1/2020); những thuận lợi và thách thức khi đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, những đánh giá của Liên hợp quốc đối với việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam và những đóng góp của Việt Nam trong thời gian tới...

Chú thích ảnh
Ảnh: Lâm Khánh - TTXVN

Thứ trưởng Lê Hoài Trung cho biết, đường lối của Việt Nam là mong muốn thúc đẩy hòa bình, hợp tác và phát triển. Việt Nam hiện có quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với nhiều nước, quan hệ hữu nghị, chặt chẽ và tin cậy với nhiều quốc gia trên thế giới. Với 192/193 phiếu  ủng hộ, một mặt thể hiện mối quan hệ đối tác sâu sắc giữa Việt Nam với các quốc gia, đồng thời cũng thể hiện các quốc gia mong muốn Việt Nam đóng góp và sẵn sàng để Việt Nam đóng góp vào công việc chung của cộng đồng quốc tế.

Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi, cũng có mặt phức tạp là những khó khăn trong quan hệ của các nước lớn, điều đó tác động rất sâu sắc đến hoạt động của Hội đồng Bảo an. Có đánh giá cho rằng kể từ sau khi kết thúc chiến tranh lạnh, đây là giai đoạn có sự chia rẽ, khó khăn ở mức cao nhất giữa các nước lớn thường trực tại Hội đồng Bảo an. Thêm vào đó, chủ nghĩa đa phương gặp thách thức chưa từng có, trong đó có vấn đề đáng lo ngại là xu hướng muốn đe dọa, muốn sử dụng vũ lực tăng lên.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao khẳng định, quan điểm của Việt Nam về các vấn đề quốc tế lớn là tích cực và xây dựng, Việt Nam không có chủ trương phát triển vũ khí hàng loạt, Việt Nam chống khủng bố dưới mọi hình thức và mong muốn giải quyết các căng thẳng, bất đồng quốc tế bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng độc lập chủ quyền các quốc gia, quyền và lợi ích chính đáng của quốc gia, dân tộc. “Việt Nam rất mong muốn có hòa bình, phấn đấu vì hòa bình. Chúng ta tham gia vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ góp phần vào phát huy vai trò của Hội đồng, để tạo môi trường thuận lợi, quốc tế, khu vực hòa bình, ổn định hơn, điều này sẽ rất thuận lợi cho phát triển của Việt Nam...

Qua đó, Việt Nam thúc đẩy quan hệ song phương, quan hệ với các tổ chức, khu vực, từ đó tạo điều kiện thuận lợi để chúng ta thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, tạo điều kiện giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam, về thành tựu, năng lực của Việt Nam, vị thế quốc tế, tạo niềm tin trong cán bộ, nhân dân về đường hướng đối ngoại, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, Thứ trưởng Lê Hoài Trung nói.

Về các ưu tiên thảo luận trong vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an vào tháng 1/2020, Thứ trưởng Lê Hoài Trung cho biết, trong chương trình nghị sự, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sẽ chủ trì cuộc họp của Hội đồng Bảo an, trong đó có cuộc thảo luận mở cấp bộ trưởng với chủ đề kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hợp quốc, về tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, cũng như vai trò của tổ chức khu vực trong hợp tác với Hội đồng Bảo an trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Việt Nam cũng sẽ trao đổi về các vấn đề liên quan đến quỹ của Iraq, một số vấn đề liên quan đến khu vực Trung Đông, hoạt động của Lebanon (Li băng). Tháng 4/2021, Việt Nam đang trao đổi với các quốc gia, trong đó theo hướng sẽ có trao đổi về vấn đề hậu xung đột, gồm giải quyết bom mìn, vấn đề nhân đạo, phụ nữ, trẻ em...

Cũng theo Thứ trưởng Lê Hoài Trung, Liên hợp quốc đánh giá sự tham gia của các cán bộ, chiến sỹ Việt Nam vào lực lượng gìn giữ hòa bình rất nghiêm túc, hoạt động hiệu quả, không những phục vụ cho các lực lượng gìn giữ hòa bình các nước mà tham gia hỗ trợ, phục vụ cho cả nhân dân, cộng đồng địa phương.

Vì vậy, Liên hợp quốc mong muốn Việt Nam cử thêm lực lượng tham gia. Một số sỹ quan của Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình đã được khen thưởng. Thời gian tới, Việt Nam sẽ tham gia không chỉ trong lĩnh vực liên quan đến y tế mà đã chuẩn bị sẵn sàng để tham gia cả về lĩnh vực công binh.

Chu Thanh Vân/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm