Vẽ với tấm lòng biết ơn từ nền tảng di sản

15/05/2025 18:00 GMT+7 | Văn hoá

Di sản không chỉ thuộc về quá khứ mà còn là nguồn cảm hứng cho mỹ thuật đương đại. Khi họa sĩ chạm vào chất liệu truyền thống, cũng là lúc họ khơi dậy bản sắc, làm mới ngôn ngữ tạo hình và mở rộng chiều sâu biểu đạt.

Tinh thần này được khẳng định qua chia sẻ của nhiều họa sĩ, người làm nghệ thuật trong tọa đàm Đương đại trên nền di sản vừa diễn ra gần đây tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Đây cũng là sự kiện trong khuôn khổ cuộc thi UOB Painting of the Year 2025 tại Việt Nam.

Khởi nguồn từ di sản

Giám tuyển Dương Thu Hằng (Giám đốc Hanoi Studio Gallery) gợi nhắc một quan điểm nghệ thuật đầy tâm đắc của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm: "Đi đến tận cùng truyền thống, sẽ gặp hiện đại". Theo chị, truyền thống và di sản không nằm đâu xa, mà hiện diện ngay trong đời sống thường nhật, được gìn giữ và tiếp nối qua nhiều thế hệ.

Một ví dụ sinh động được giám tuyển này nhắc đến là bức Đối thoại của họa sĩ Đặng Xuân Hòa, sáng tác năm 2006.

Vẽ với tấm lòng biết ơn từ nền tảng di sản - Ảnh 1.

Từ trái qua: Chị Trương Uyên Ly, giám tuyển Dương Thu Hằng, họa sĩ Ngô Văn Sắc và họa sĩ Đặng Xuân Hòa tại tọa đàm “Đương đại trên nền di sản”

"Tôi may mắn được chiêm ngưỡng tác phẩm đó. Anh Hòa thường chọn những đồ vật truyền thống quen thuộc trong gia đình Việt như chiếc bình, cái bát, ấm trà… làm chủ đề sáng tác" - chị chia sẻ - "Và trong bức tranh ấy, tôi thực sự bất ngờ trước sự tươi mới cùng ý tưởng đầy táo bạo mà nó mang lại. Nền tranh màu hồng, nổi bật với những vệt đen, là một lựa chọn thị giác mạnh mẽ mà đến giờ tôi vẫn cho là xứng đáng để được nhìn lại".

Giám đốc Hanoi Studio Gallery Dương Thu Hằng bày tỏ sự xúc động khi nhớ lại khoảnh khắc lần đầu tiên được ngắm nhìn tác phẩm này. Với chị, bức tranh đã vượt lên khỏi hình dáng của những chiếc bình hay chiếc vại để truyền cảm hứng bằng chiều sâu cảm xúc. Những nét vẽ đen không chỉ gợi nhắc đến các hiện vật thời Lý, Trần mà còn chuyên chở thân phận con người, là tiếng nói của một cộng đồng, là những mảnh đời được khắc họa bằng ngôn ngữ tạo hình.

"Tôi tin rằng, trong khoảnh khắc ngẫu hứng nào đó, người nghệ sĩ đã chọn sắc hồng rực rỡ và những đường nét đen ấy không chỉ như một yếu tố thẩm mỹ, mà còn như một cách để cất lên tiếng nói nội tâm" -  chị bày tỏ - "Với tôi, Đối thoại là một minh chứng sâu sắc cho hành trình đi tới đương đại từ chính nền tảng di sản. Và quả thực, nghệ thuật của Đặng Xuân Hòa đã được định hình từ điều ấy".

Còn họa sĩ Đặng Xuân Hòa cũng chia sẻ chân thành về cảm hứng sáng tác khởi nguồn từ lòng biết ơn với di sản nghệ thuật dân tộc. Trong đó, bức Đối thoại là một phần trong loạt sáng tác dài hơi mang tên Những đồ vật của con người, một sê-ri mà ông đã khởi sự từ khi ra trường và theo đuổi suốt nhiều năm.

"Đó là sê-ri tôi vẽ rất nhiều. Nó được khơi gợi từ truyền thống, và tôi vẽ với tất cả sự biết ơn. Khi nhìn những đồ vật trong cuộc sống quanh mình, tôi cảm nhận được tâm hồn người Việt Nam ở đó" - ông bộc bạch - "Tôi thấy được hạnh phúc, thấy được cả những nỗi đau của các nghệ nhân đã làm ra chúng - những đồ vật từ thời Lý, Trần, thậm chí còn từ trước đó và cả sau này nữa".

Vẽ với tấm lòng biết ơn từ nền tảng di sản - Ảnh 2.

Tác phẩm “Vật dụng của con người ngày hè” (sơn dầu trên vải, 66x77cm) của Đặng Xuân Hòa

Với họa sĩ này, sáng tạo không phải là điều có thể ép buộc, mà là một hành trình tự nhiên, được dẫn dắt bởi nền tảng văn hóa và năng lực cảm thụ của chính người nghệ sĩ. Ông nói: "Mỗi họa sĩ đều có quyền đặt mình vào một vị thế trong môi trường nghệ thuật nhất định. Chúng ta hoàn toàn có thể tự tin tìm tòi, sáng tạo trên một nền tảng vững chắc. Điều này không ai dạy ta cụ thể, mà phải tự tìm ra bằng khả năng học thức, nhận thức của thời đại và sự kết nối giữa quá khứ với hiện tại".

Họa sĩ cũng nhấn mạnh, khi người nghệ sĩ vừa cập nhật những xu hướng mới, vừa giữ được sợi dây liên kết với truyền thống, tác phẩm sẽ tự khẳng định tiếng nói riêng, dù chỉ là một đóng góp nhỏ trong dòng chảy nghệ thuật đương đại.

Truyền thống… cũng phải làm mới

"Đi đến tận cùng truyền thống, sẽ gặp hiện đại" - danh họa Nguyễn Tư Nghiêm.

Nói rộng ra, họa sĩ Đặng Xuân Hòa cho rằng, văn hóa truyền thống và di sản mỹ thuật của dân tộc là chất liệu nền tảng cho các nghệ sĩ đương đại.

Theo ông, mỹ thuật Việt Nam nếu muốn vươn xa, không thể tách rời khỏi bề dày văn hóa kéo dài hơn 4.000 năm. Nhìn lại, hầu hết những họa sĩ thành công từ thế hệ trước đến nay đều bước đi từ nền tảng đó. Chính sự kết nối với di sản tạo nên chiều sâu và bản sắc cho hành trình nghệ thuật, giúp họ vững vàng trên con đường dài hơi và lớn lao hơn.

"Mỹ thuật Việt Nam có chỗ đứng trong khu vực và thế giới hôm nay, phần lớn là nhờ vậy. Từ các bậc thầy đi trước đến lớp nghệ sĩ trẻ hôm nay, tất cả đều đang tiếp bước trên con đường chung ấy" - ông bày tỏ - "Lựa chọn thực hành đương đại trên nền di sản một lần nữa khẳng định: Đó chính là con đường mà mỹ thuật Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục đi. Con đường này giúp khẳng định vị thế của mỹ thuật Việt Nam trên bản đồ nghệ thuật khu vực và thế giới".

Song họa sĩ này cũng nêu thực tế: Mỹ thuật Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn, với những quan niệm khác nhau về nghệ thuật truyền thống. Đôi khi, chúng ta bị lạm dụng và hiểu sai về nghệ thuật truyền thống. Nhiều họa sĩ, cũng như một số ngành nghệ thuật, sử dụng chất liệu truyền thống đôi khi hơi bị xơ cứng, thiếu sự nhuần nhuyễn, và thậm chí đưa vào sáng tác một cách khiên cưỡng.

Vẽ với tấm lòng biết ơn từ nền tảng di sản - Ảnh 4.

Một tranh tĩnh vật của họa sĩ Đặng Xuân Hòa

Từ kinh nghiệm sáng tác, họa sĩ Đặng Xuân Hòa nêu quan điểm: Nghệ thuật truyền thống cần được tiếp thu, nhưng cũng phải làm mới.

"Chúng ta phải biết làm mới truyền thống để tạo ra một dòng chảy nghệ thuật mới, đóng góp mới cho nền mỹ thuật. Đôi khi, chúng ta xao nhãng, chỉ nhìn thấy cái hay, cái đẹp của truyền thống mà không thực sự đi sâu vào quá trình nghiên cứu, tìm tòi và sáng tạo" - ông phân tích - "Nếu không làm vậy, nghệ thuật sẽ trở thành lối mòn, rất phí phạm cho việc khai thác một nền tảng nghệ thuật dày dặn, quý giá mà các thế hệ cha ông đã để lại".

Cũng theo họa sĩ, nghệ thuật phải đến một cách tự nhiên. Người họa sĩ cần đến với nghệ thuật bằng sự hồn nhiên, với sự hiểu biết và trong sáng của chính mình. Khi sáng tác trên nền tảng truyền thống, với một tấm lòng biết ơn đối với nghệ thuật, chúng ta sẽ có những đóng góp cho mỹ thuật Việt Nam.

Để có "cái của mình"

Họa sĩ Đặng Xuân Hòa còn trăn trở trước thực tế thực hành nghệ thuật của các họa sĩ trẻ hiện nay, trong bối cảnh sáng tạo đương đại đang đứng trước nhiều thách thức mới.

Theo ông, các họa sĩ trẻ ngày nay có nhiều điều kiện thuận lợi: cơ hội rộng mở, góc nhìn phong phú và khả năng tiếp cận thông tin toàn cầu dễ dàng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, chính sự dễ dàng đó đôi khi lại dẫn đến sự dễ dãi.

Vẽ với tấm lòng biết ơn từ nền tảng di sản - Ảnh 5.

Tác phẩm “Doraeco” của họa sĩ trẻ Phan Tú Trân giành Giải thưởng Nghệ sĩ triển vọng nhất của năm tại cuộc thi UOB Painting of the Year năm 2024

"Càng dễ tiếp cận, sự thoải mái và xu hướng làm việc thiếu khắt khe cũng càng nhiều. Cái khó là giữ được sự nghiêm túc với nghề và với chính bản thân mình" - ông bày tỏ - "Những nghệ sĩ biết mình, có khả năng tự khai phá nội lực lại dễ bị xao nhãng. Đây là một thử thách không nhỏ. Các bạn trẻ cần tỉnh táo và kiên nhẫn để tìm ra chính mình".

Từ thực tiễn tham gia nhiều hội đồng nghệ thuật trong thời gian gần đây, họa sĩ Đặng Xuân Hòa cho biết, ông đánh giá cao năng lực và tư duy mới mẻ của các họa sĩ trẻ. Dù vậy, khi bước vào thực hành cụ thể, không ít người còn lúng túng, thiếu điểm nhấn và chưa thể hiện rõ quan niệm nghệ thuật cũng như tinh thần thời đại trong tác phẩm của mình.

"Nhiều bạn bị cuốn theo việc nhồi nhét quá nhiều yếu tố cùng lúc, vì có quá nhiều thông tin. Làm tác phẩm này nhưng lại tiếc ý tưởng của tác phẩm khác. Họ không đặt mình vào một trọng tâm rõ ràng" - ông dẫn chứng - "Hệ quả là, dù tác phẩm có tiềm năng, người xem vẫn thấy thiếu mạch lạc, cảm xúc. Đây là điều mà các nghệ sĩ trẻ cần nhanh chóng nhận ra.

Họa sĩ Đặng Xuân Hòa cũng nhấn mạnh, việc kết hợp giữa truyền thống và hiện đại tưởng như dễ nói, nhưng trong thực tế sáng tác hôm nay, lại là một hành trình đầy gian nan.

"Tôi đã phải trả giá rất nhiều để đi được con đường này, giữ được kỷ luật nghề nghiệp, và làm ra những tác phẩm thực sự của chính mình. Cái "của mình" không đến từ việc sao chép hay vay mượn một quan điểm có sẵn. Nó đòi hỏi sự kiên nhẫn, tự giác, và tuyệt đối không thể dễ dãi" - ông chia sẻ.

Tránh "nhiễu loạn" tư duy từ sự bùng nổ thông tin

Theo họa sĩ Đặng Xuân Hòa, sự bùng nổ thông tin có thể khiến tư duy sáng tạo của nghệ sĩ bị nhiễu loạn.

"Với chỉ một chiếc điện thoại, ta có thể tiếp cận vô số nghệ sĩ toàn cầu, xem họ sáng tác gì, nghĩ gì. Điều này có thể tạo cảm hứng, nhưng nếu không đủ bản lĩnh nghề nghiệp, nghệ sĩ rất dễ chạy theo xu hướng" - ông phân tích - "Ảnh hưởng ban đầu có thể tích cực, nhưng để định hình được bản sắc và duy trì lâu dài, trong một thế giới đa dạng như hiện nay, là điều không dễ, kể cả với những người đã thành danh".

Gia Khánh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm