18/02/2015 07:39 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Với showbiz, Trác Thúy Miêu - MC, giám khảo, khách mời bình luận nhiều chương trình, là người bên trong nhưng lại cũng ở ngoài. không chìm vào đó, cũng không quan sát nó, mà hai việc đó đã sẵn trong cô một cách tự nhiên. Cuộc trò chuyện của chúng tôi được thực hiện đúng như cách mà thế giới đang giao tiếp với nhau: chat qua Facebook (FB).
* Chúng ta nên bắt đầu từ việc chị và “cả làng Facebook” bị mất cái tên mà mình có thể tự chọn, tự đặt cho mình thay vì phải trông chờ và phụ thuộc vào các đấng sinh thành. Mất cái tên Trác Thúy Miêu và trở về tên cha mẹ đặt, cảm giác của chị thế nào?
- Ban đầu tôi tức anh Mark (Mark Zukerberg - CEO của mạng xã hội FB) lắm, nhưng bình tĩnh nghĩ lại thì mừng. Tôi “nuôi” FB tới giờ là vì tôi tìm nhà cho mèo cơ nhỡ rất mát tay. Đó là đám đông duy nhất tôi muốn hút về mình, hơn là đám đông ngỡ họ biết Trác Thúy Miêu là ai. Cái tên mới trên FB, thậm chí tôi không “lót đệm” và bỏ dấu để an toàn nằm ngoài vòng truy quét của sự hiếu kỳ vô bổ. Còn những người giống tôi, họ đến với tôi ngay cả khi Trác Thúy Miêu với họ chả có nghĩa gì, mà quan trọng là câu chuyện của nó. FB cho người khác sự nổi tiếng mà họ không thể tự tạo bằng cuộc sống đơn chiều, thì giờ FB của tôi bắt đầu là nơi trú ẩn an toàn nhất.
* Tại sao?
- Giờ, nếu tôi là cô Hoài Phương hay Hoài Anh nào đó, bận quần short cứu chó chăn mèo, và kiểu “chị thật cá tính, em muốn trở nên cá tính... như chị” mọi người sẽ khỏi kiếm ra tôi trên cõi ta bà FB này nữa.
* Chị cũng hơi đặc biệt khi có tới 5-6 cái tên chứ không chỉ 2. Vũ Hoài Anh trên sàn đấu dance sport, Jasmine Noir trên báo hay trên bìa đĩa khi chị viết lời cho các ca khúc, mà trong khi tên thật của chị thì lại là Hoài Phương.
- Tôi làm nhiều nghề, giao du với nhiều cộng đồng độc lập và viết nhiều bài trên một báo.
* Theo chị, nếu chuyện này diễn ra trong đời sống thật, không phải trên mạng, một ngày tỉnh dậy nếu Lý Nhã Kỳ buộc phải tên là Trần Thị Thanh Nhàn hay Đàm Vĩnh Hưng phải buộc phải trở về Huỳnh Minh Hưng?
- Tôi nghĩ sẽ ngộ lắm. Hồi nhỏ đọc Andersen, có một câu chuyện về cơn lốc quái đản, nó thổi qua thị trấn, thổi bay các bảng hiệu, vậy là nhà ông chủ nhà băng treo bảng hiệu ông hàng thịt, bà tổ trưởng tổ dân phố ăn nguyên cái bảng bia ôm... đại loại thế. Chuyện không hồi kết, tôi đọc thấy rất hay. Cái tên nó quyết định số phận, tôi tin điều này. Nếu là Hoài Phương hay Hoài Anh, chị sẽ không tưởng tượng tôi khác thế nào đâu: tóc dài tới hông, má bầu, đang là nghệ sĩ biểu diễn hay cô giáo piano, vô nhiễm và thô sơ. Ban đầu cái tên Trác Thúy Miêu chỉ là phiên âm của chữ Jasmine, sau này Trấn Thành (MC Trấn Thành - PV) mới giải nghĩa ra cho tôi, từ nghĩa tới cảm giác của từ, tất cả ứng vào đời sống tôi sau này dữ dội…
* FB làm cho bộ mặt showbiz Việt thay đổi dữ dội trong một năm vừa qua. Chính chị cũng bước chân sâu hơn vào showbiz rồi đội mũ bảo hiểm lên Bài hát yêu thích bình luận để rồi đối diện với gạch đá trên FB vào sáng hôm sau… Nếu không có FB, chị có thể vẫn nhận được phản hồi nhưng không trực diện như vậy, các nghệ sĩ giải trí khác cũng “chung số phận”.
- Kỳ ghê, tôi vẫn thấy có gì vô cùng sai khi gọi cái tôi dấn thân vào là showbiz, nhưng không cãi được. Đúng rồi, FB hay mạng internet cho con người ta quyền năng đó: làm được những điều mà khi tiếp xúc trực diện 3 tỉ năm họ cũng không dám làm.
* Vài năm trở lại đây, đặc biệt là năm 2014, các hiện tượng của showbiz cứ rầm rộ kéo từ FB ra đời thường rồi lại ngược từ đời thường vào FB. FB có công “khai quật” lại hào quang cho một cựu hoa hậu đã đăng quang 20 năm trước, nhưng rồi cũng nhấn chìm cô ta với scandal giật chồng, quỵt nợ. Hay FB lại có thể đưa những người chả liên quan gì đến showbiz thành hiện tượng của showbiz như Kenny Sang hay Lệ Rơi. Chị nhìn nhận điều này ra sao?
- Thật tình là tôi chán ngắt việc nói tới “cư dân mạng” rồi, nó chỉ đang làm đúng việc của nó: thể hiện thực chất nhu cầu, mối quan tâm và trạng thái tâm lý của xã hội mà thôi. Mạng chẳng có gì là ảo cả, nó thật hơn cả thứ mà mình tưởng là sự thật. Nó là sự thật “xổng chuồng”.
* Nói ở góc độ người yêu động vật như chị thì “xổng chuồng” là điều tốt chứ nhỉ, tốt cho động vật vì nó không bị giam hãm?
- Nếu ở trong rừng rậm, vâng.
Thật tình cái con “sự thật” khi nó mới tuột xích thì rất ghê, tôi tự nhủ mình ráng chịu đựng, vì chỉ khi “sự thật” được tự do, người ta sẽ học quan sát tập tính của nó tốt hơn, rõ hơn, khống chế, chinh phục, thuần dưỡng, hay cải thiện nó là tương lai về sau. Dù nhiều sự thật khó coi, nhưng nó là sự thật, Internet cho nó một cú “xổng chuồng”. Ghê mắt? Muốn cải thiện nó? Thì hãy làm một cái gì đó.
* Vậy chị làm “cái gì đó” chưa?
- Làm cái gì đó cho tôi thì làm rồi. Đơn cử bạn bè tôi không thấy có bạn nào giả Võ Tắc Thiên hết. Đó là vì tôi thanh lọc bạn ngay từ đầu nguồn. Làm cái gì đó cho cộng đồng quanh tôi, thì mỗi ngày tôi gieo một chuyện nhỏ nhỏ lành lành, gọi là một sự cân bằng lại sau khi mọi người có phải lướt qua quá nhiều tin tức độc địa, status nâng cao quan điểm hay mấy link cãi lộn hằn học… Đơn cử vui là hồi Noel, tôi bày ra trò tự làm thiệp gửi bạn bè thay cho kiểu chúc điện tử. Sáng nào tôi cũng mở mail để xem mọi người tự chụp hình thiệp của mình làm gửi cho tôi, cứ mỗi bạn như vậy tôi lại gửi đến họ, bất kể lạ quen, tấm thiệp tự tay tôi làm. Nó cứ tiếp nối như vậy, đến tận hôm nay tôi vẫn nhận được thư và hình ảnh những món quà tự tay làm để gửi tặng ai đó khác, hoặc gửi tặng tôi, thậm chí từ nước ngoài. Thấy vui lắm.
Người ta hay lên án tâm lý đám đông, cũng đúng và cũng không hẳn đúng. Thế này nhé, một người ném cho cô ăn thịt chó một “cục đá”, cả tỷ người lao vào, ào ào “chọi đá” chung cho vui. Cô ăn chó “ném” lại “cục đá” vào đám không ăn thịt chó, hai bên hỗn chiến ì xèo. Trong cuộc lộn xộn, tôi... đi nấu cơm chay, tôi chụp hình con mèo hoang, kể chuyện của nó, kiếm nhà cho nó, tôi cũng quây được một đám đông nho nhỏ của mình. Đôi khi một số trong đó họ cứu mèo, ăn chay, chỉ để... giống tôi. Đồng ý, mỗi người có hệ giá trị và hệ ngôn ngữ riêng. Ai chán hỗn chiến, ghét bể đầu chảy máu, đi ngang nhà tôi, cười khà được một cái, đã là một sự thay đổi nhỏ tôi làm được giữa cái hiện thực “xổng chuồng” này: tôi tự tay làm thiệp, và tự tay làm ra hiện thực của tôi.
Dương Vân Anh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất