Toàn cảnh kinh tế-xã hội Việt Nam năm 2021

29/12/2021 16:48 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Năm 2021, đại dịch COVID-19 tiếp tục gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của mọi quốc gia trên thế giới. Trong nước, làn sóng dịch COVID-19 bùng phát từ cuối tháng 4/2021 với biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh chóng, nguy hiểm diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, an toàn của người dân và phát triển kinh tế- xã hội.

Cách thức nào để đưa nền kinh tế Việt Nam 'thoát hiểm' trong đại dịch?

Cách thức nào để đưa nền kinh tế Việt Nam 'thoát hiểm' trong đại dịch?

Làn sóng thứ tư của đại dịch COVID-19 đã đặt ra những thách thức không nhỏ đối với kinh tế Việt Nam. Trong đó, việc đảm bảo chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hoá vừa đáp ứng nhu cầu trong nước vừa phục vụ xuất khẩu là một trong những nhiệm vụ vô cùng khó khăn.

Trong bối cảnh đó, với sự lãnh đạo thống nhất của cả hệ thống chính trị và sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ; sự đồng lòng, nhất trí của các cấp, các ngành, các địa phương; sự ủng hộ, chia sẻ và tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế-xã hội nước ta đã đạt được kết quả đáng khích lệ.

* Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 2,58%

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2021, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2021 ước tính tăng 2,58% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, quý I tăng 4,72%; quý II tăng 6,73%; quý III giảm 6,02%; quý IV tăng 5,22%.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương nhận định, trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, đặc biệt là trong quý III/2021 nhiều địa phương kinh tế trọng điểm phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài, GDP năm 2021 ước tính tăng 2,58% so với cùng kỳ năm 2020 là một thành công lớn của nước ta trong việc phòng chống dịch bệnh, duy trì sản xuất kinh doanh.

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,9%, đóng góp 13,97% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,05%, đóng góp 63,80%; khu vực dịch vụ tăng 1,22%, đóng góp 22,23%.

kinh tế Việt Nam, Kinh tế xã hội Việt Nam, Kinh tế xã hội Việt Nam 2021, toàn cảnh kinh tế xã hội, kinh tế xã hội, toàn cảnh kinh tế xã hội Việt Nam 2021
 tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2021 ước tính tăng 2,58% so với năm 2020.

Về cơ cấu nền kinh tế năm 2021, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 12,36%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,86%; khu vực dịch vụ chiếm 40,95%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,83%.

Năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2021 ước tính đạt 171,3 triệu đồng/lao động (tương đương 7.398 USD/lao động, tăng 538 USD so với năm 2020). Theo giá so sánh, năng suất lao động năm 2021 tăng 4,7% do trình độ của người lao động được cải thiện.

- Nông lâm ngư nghiệp:

Kết quả hoạt động năm 2021 của ngành nông nghiệp đã thể hiện rõ vai trò "trụ đỡ" của nền kinh tế, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, là cơ sở quan trọng để thực hiện an sinh, an dân trong đại dịch.

Về nông nghiệp, diện tích lúa năm 2021 ước đạt 7,24 triệu ha, sản lượng lúa đạt xấp xỉ 44,88 triệu tấn, tăng 1,1 triệu tấn; sản lượng ngô, lạc, đậu tương, khoai lang... cũng đạt khá; sản lượng rau, đậu đạt 18,4 triệu tấn.

Diện tích trồng cây công nghiệp 2,2 triệu nghìn ha, tăng 1,1% so với năm 2020. Nhóm cây ăn quả đạt sản lượng thu hoạch khá ở hầu hết các loại cây: cam bưởi, sầu riêng, vải, nhãn, dứa... Chăn nuôi trâu, bò trên cả nước nhìn chung ổn định, chăn nuôi lợn gặp khó khăn do dịch tả lợn châu Phi tuy được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát.

Về lâm nghiệp, năm 2021, diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước ước tính đạt trên 277 nghìn ha, tăng 2,8% so với năm 2020; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 99 triệu cây, tăng 3%; sản lượng gỗ khai thác đạt 18,1 triệu m3, tăng 5,4%. Diện tích rừng bị thiệt hại năm 2021 là trên 2.000 ha, tăng gần 30% so với năm 2020.

Về thủy sản, tổng sản lượng thủy sản năm 2021 ước đạt trên 8,7 triệu tấn, tăng 1% so với năm 2020. Trong đó, sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 4,8 triệu tấn, tăng 1% so với năm 2020; sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 3,9 triệu tấn, tăng 0,9% so với năm 2020.

- Công nghiệp

Tính chung cả năm 2021, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 4,82% so với năm 2020, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,37%. Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,5%. Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 21,9%.

kinh tế Việt Nam, Kinh tế xã hội Việt Nam, Kinh tế xã hội Việt Nam 2021, toàn cảnh kinh tế xã hội, kinh tế xã hội, toàn cảnh kinh tế xã hội Việt Nam 2021
Việt Nam duy trì nền tảng kinh tế vĩ mô khá ổn định và được thế giới đánh giá cao trong kiểm soát, đối phó đại dịch COVID-19. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN phát)

- Hoạt động của doanh nghiệp

Năm 2021, sự bùng phát mạnh của làn sóng COVID-19 lần thứ tư cùng với các đợt phong tỏa, giãn cách kéo dài đã tác động tiêu cực đến số lượng doanh nghiệp. Tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong năm đạt gần 160.000 doanh nghiệp, giảm 10,7% so với năm 2020; gần 120.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 17,8%, phần lớn là các doanh nghiệp thành lập dưới 5 năm, quy mô vốn nhỏ.

Việc ban hành và triển khai kịp thời Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 đã góp phần quan trọng trong khôi phục sản xuất và thúc đẩy thị trường, từng bước tạo niềm tin cho các doanh nghiệp.

- Hoạt động dịch vụ

Tính chung cả năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt trên 4.789 nghìn tỷ đồng, giảm 3,8% so với năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 6,2% (năm 2020 giảm 3%).

Năm 2021, vận tải hành khách đạt trên 2.387 triệu lượt, giảm 33% so với năm 2020 và luân chuyển 94,7 tỷ lượt khách.km, giảm 42%. Vận tải hàng hóa ước đạt 1.620 triệu tấn, giảm 8,7% so với năm 2020 và luân chuyển 333,4 tỷ tấn.km, giảm 1,8%.

Khách quốc tế đến nước ta năm 2021 ước tính đạt 157,3 nghìn lượt người, giảm 95,9% so với năm trước.

- Đầu tư phát triển

Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành năm 2021 ước đạt 2.892 nghìn tỷ đồng, tăng 3,2% so với năm 2020. Tuy đây là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua nhưng là kết quả khả quan trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trong nước và trên thế giới.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/12/2021 đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020, cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào môi trường đầu tư Việt Nam.

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài năm 2021 có 61 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 409 triệu USD, tăng 28,6% so với năm 2020.

kinh tế Việt Nam, Kinh tế xã hội Việt Nam, Kinh tế xã hội Việt Nam 2021, toàn cảnh kinh tế xã hội, kinh tế xã hội, toàn cảnh kinh tế xã hội Việt Nam 2021
Hoạt động kế toán tại Kho bạc Nhà nước Hà Nội. (Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN)

- Thu, chi ngân sách Nhà nước

Thu ngân sách Nhà nước cả năm ước đạt trên 1.523 nghìn tỷ đồng và vượt dự toán năm. Tổng chi ngân sách Nhà nước năm 2021 ước đạt 1.839 nghìn tỷ đồng, vượt dự toán, tập trung ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, khắc phục thiên tai, đảm bảo quốc phòng, an ninh và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

- Xuất, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ

Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 336,25 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020. Có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (8 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD), chiếm 93,8% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 332,25 tỷ USD, tăng 26,5% so với năm 2020. Có 47 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm 94,1% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Trong năm 2021, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ ước đạt 3,67 tỷ USD, giảm 51,7% so với năm 2020. Kim ngạch nhập khẩu dịch vụ ước đạt 19,41 tỷ USD, tăng 8,5% so với năm 2020.

- Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và đô la Mỹ

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2021 tăng 1,84% so với năm 2020, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Lạm phát cơ bản 12 tháng tăng 0,81%.

Giá vàng và giá đô la Mỹ trong nước biến động trái chiều với giá vàng và giá đô la Mỹ thế giới. Chỉ số giá vàng bình quân năm 2021 tăng 8,67% so với năm 2020. Chỉ số giá đô la Mỹ bình quân năm 2021 giảm 0,97% so với năm 2020.

* Tình hình xã hội năm 2021

- Dân số, lao động và việc làm

Dân số trung bình của Việt Nam năm 2021 là 98,51 triệu người tăng 0,95% so với năm 2020. Chất lượng dân số được cải thiện, mức sinh giảm, tỷ lệ tử vong vẫn duy trì ở mức thấp, tuổi thọ trung bình ngày càng tăng.

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên năm 2021 là 50,5 triệu người, giảm 0,8% so với năm 2020; lực lượng lao động trong độ tuổi lao động là 44,6 triệu người, giảm 1,5%; lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc là 49 triệu người.

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động cả nước năm 2021 ước tính là 3,22%. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi năm 2021 là 3,1%.

kinh tế Việt Nam, Kinh tế xã hội Việt Nam, Kinh tế xã hội Việt Nam 2021, toàn cảnh kinh tế xã hội, kinh tế xã hội, toàn cảnh kinh tế xã hội Việt Nam 2021
F0 điều trị tại nhà đều được Ngành y tế treo bảng. Ảnh: Tuấn Kiệt – TTXVN

- Tình hình dịch bệnh

Số ca mắc COVID-19 mới tiếp tục tăng tại nhiều địa phương; số bệnh nhân nặng và số ca tử vong chưa giảm. Tính đến 16 giờ ngày 27/12/2021, Việt Nam có 1.666.545 trường hợp mắc, trong đó 1.259.614 trường hợp đã được chữa khỏi và 31.418 trường hợp tử vong. Bắc Kạn là địa phương duy nhất không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua.

Năm 2021, cả nước có 69.354 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (22 trường hợp tử vong); 38.413 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng (11 trường hợp tử vong); 536 trường hợp mắc bệnh viêm não vi rút (14 trường hợp tử vong)...

Tính đến ngày 18/12/2021, tổng số người nhiễm HIV còn sống là 213.833 người và số người tử vong do HIV/AIDS là 110.990 người.

Tổng số vụ ngộ độc thực phẩm năm 2021 là 58 vụ với 1.557 người bị ngộ độc, 5 người tử vong.

- Đời sống dân cư và bảo đảm an sinh xã hội

Trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương ưu tiên cho công tác phòng chống, kiểm soát dịch bệnh với nhiệm vụ trọng tâm là bảo đảm công tác an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là người dân ở các địa phương thực hiện giãn cách xã hội.

Năm 2021, ước tính thu nhập bình quân 1 người/tháng theo giá hiện hành đạt khoảng 4,2 triệu đồng, giảm 73 nghìn đồng so với năm 2020; tỷ lệ nghèo tiếp cận đa chiều ước khoảng 4,4%, giảm 0,4 điểm phần trăm so với năm 2020.

Tính đến ngày 15/12/2021 tổng kinh phí từ nguồn ngân sách Trung ương đã hỗ trợ gần 69 nghìn tỷ đồng cho trên 50 triệu lượt người và trên 700 nghìn đơn vị sử dụng lao động/hộ kinh doanh. Tính đến ngày 23/12/2021 đã hỗ trợ 149 nghìn tấn gạo cho 2,5 triệu lượt hộ thiếu đói do giáp hạt, ảnh hưởng dịch bệnh và thiên tai.

Công tác an sinh xã hội định kỳ tiếp tục được quan tâm. Trong năm 2021, tổng trị giá tiền và quà hỗ trợ cho các đối tượng là 9,7 nghìn tỷ đồng; có gần 29,1 triệu thẻ bảo hiểm xã hội/sổ/thẻ khám chữa bệnh miễn phí được phát, tặng cho các đối tượng thụ hưởng.

Đến tháng 11/2021, cả nước có 5.392 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 65,5%), ước tính đến hết tháng 12/2021 đạt 68% (tăng 5,6% so với năm 2020).

kinh tế Việt Nam, Kinh tế xã hội Việt Nam, Kinh tế xã hội Việt Nam 2021, toàn cảnh kinh tế xã hội, kinh tế xã hội, toàn cảnh kinh tế xã hội Việt Nam 2021
Chương trình nghệ thuật trong đêm khai mạc Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc-Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2016. Ảnh tư liệu: Thanh Hà/TTXVN

- Văn hóa-giáo dục

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia năm 2021 đã được tổ chức thành công, đảm bảo nghiêm túc, an toàn và đúng quy chế thi. Tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông của cả nước năm 2021 đạt 98,6%, tăng 0,2% so với năm học trước.

Công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa được các địa phương quan tâm và thực hiện. Hoạt động thư viện hướng tới ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là công nghệ số nhằm nâng cao năng lực hoạt động và hình thành mạng lưới thư viện hiện đại, cung ứng dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người sử dụng.

Năm 2021, Đoàn thể thao Việt Nam đã xuất sắc giành được 32 huy chương vàng, 14 huy chương bạc và 15 huy chương đồng trong các giải thi đấu thế giới, khu vực châu Á và các giải quốc tế mở rộng.

- Tai nạn, thiên tai, ô nhiễm môi trường và cháy, nổ

Số vụ tai nạn giao thông, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông năm 2021 giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2020, do nhiều tháng liền thực hiện nghiêm các quy định về an toàn giao thông và phòng, chống dịch COVID-19. Cụ thể, cả nước xảy ra 11.454 vụ tai nạn giao thông (giảm 23,6%), làm 5.739 người chết (giảm 16,4%), 3.889 người bị thương (giảm 15%) và 4.109 người bị thương nhẹ (giảm 37,6%). 

Trong năm 2021, thiên tai làm 139 người chết và mất tích, 150 người bị thương; khoảng 394 nghìn con gia súc và gia cầm bị chết; trên 130 nghìn ha lúa và 78,5 nghìn ha hoa màu bị hư hỏng; 766 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi và 14,9 nghìn ngôi nhà bị ngập hư hại; tổng giá trị thiệt hại về tài sản ước tính trên 4.876 tỷ đồng, giảm 87,5% so với năm 2020.

 Năm 2021, đã phát hiện 15.690 vụ vi phạm môi trường, trong đó xử lý 14.042 vụ với tổng số tiền phạt 240,7 tỷ đồng; trên địa bàn cả nước xảy ra 2.230 vụ cháy, nổ, làm 97 người chết và 145 người bị thương, thiệt hại ước tính 379,4 tỷ đồng.

 Minh Duyên (tổng hợp)/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm