Vấn đề tuổi hưu

21/07/2010 16:54 GMT+7 | Trong nước


Vốn là một chính sách an sinh xã hội quan trọng trong hệ thống phúc lợi của các quốc gia phát triển, nay ngân sách dành cho hưu trí đang trở thành gánh nặng cho các quốc gia này.


“Thắng lợi” quá khứ và gánh nặng hôm nay

Khi các thành viên EU thảo luận kế hoạch ứng cứu Hy Lạp thì dân chúng của nhiều nước trong khối đã phản đối. Họ cho rằng sẽ là bất công khi những người đã 65 tuổi nhưng vẫn phải đang làm việc để giúp đỡ cho những người chỉ 58 tuổi đã nghỉ hưu. Sở dĩ có sự chênh lệch như thế là vì trong khi tuổi nghỉ hưu của hầu hết các nước EU là 65 thì Hy Lạp lại chỉ 58. Ngoại trừ Hy Lạp, Pháp cũng có độ tuổi nghỉ hưu thấp hơn hầu hết các thành viên còn lại trong khối, độ tuổi nghỉ hưu theo quy định hiện tại của Pháp là 60 tuổi.

Thực ra, trong quá khứ Pháp cũng từng áp dụng mức tuổi hưu là 65 tuổi. Nhưng vào năm 1983, tổng thống Pháp lúc bấy giờ là Francois Mitterand đã thực hiện nhiều thay đổi lớn về chính sách lao động như giảm tuổi hưu còn 60 tuổi, tăng lương tối thiểu, giảm giờ làm việc chỉ còn 35 giờ mỗi tuần. Khi ấy, những thay đổi trên từng được ca ngợi như một thắng lợi vĩ đại của công đoàn và là niềm hạnh phúc của người dân Pháp so với các nước khác tại Âu châu.

Nhưng nay, việc nghỉ hưu sớm cùng với việc tuổi thọ người dân tăng lên đã trở thành gánh nặng của nước Pháp. Bằng chứng là tuổi thọ của nữ giới Pháp những năm 1990 chỉ là 80 tuổi thì đến năm 2009 đã là 84,5 tuổi. Thế nên, thời gian nghỉ hưu trung bình của người Pháp cũng cao hơn so với các nước trong khối EU.

Theo một thống kê vào năm 2009 thì thời gian hưởng lương hưu trung bình của người Pháp lên đến 24 năm trong khi Đức là 19,8 năm, Anh chỉ là 18,8 năm, Ý là 21,7 năm, Tây Ban Nha là 20,9 năm, xa hơn là ở Mỹ thì thời gian nghỉ hưu trung bình của người dân chỉ là 17,6 năm, thấp hơn nữa là Nhật với 14,1 năm.

Như vậy, thời gian “cống hiến” của người dân Pháp đang thấp hơn nhiều nước phát triển khác nhưng lại có thời gian “nghỉ ngơi” nhiều hơn hẳn.

Gánh nặng trên đang khiến cho quỹ hưu trí thường niên của nước này thâm hụt khoảng 40 tỉ đô la Mỹ trong năm nay, dự báo sẽ tăng lên thành 120 tỉ đô la vào năm 2050. Cho nên, vào tháng trước chính phủ của ông Sarkozy chính thức loan báo kế hoạch tăng dần tuổi hưu của người Pháp từ mức 60 tuổi hiện tại lên thành 62 tuổi vào năm 2018. Bên cạnh đó, Pháp còn “ràng buộc” thêm điều kiện hưu bổng bằng cách nâng thời gian làm việc bắt buộc để được hưởng chính sách lương hưu từ 40,5 năm lên thành 41,5 năm.

Pháp hy vọng rằng việc tăng tuổi hưu sẽ giúp cho Pháp có thể cân bằng quỹ hưu trí thường niên nhằm cắt giảm thâm hụt ngân sách quốc gia. Đề xuất này của Pháp đã gặp phải phản đối gay gắt và nhiều người dân cho rằng điều kiện ràng buộc 41,5 năm làm việc có thể khiến họ đến 70 tuổi mới được nghỉ hưu. Vì chính phủ không có gì đảm bảo sẽ đáp ứng việc làm cho mọi người dân, nếu đến 27 tuổi mới bắt đầu làm việc thì đến 70 tuổi họ mới được nghỉ hưu.

Nỗi lo chung

Trước khi Pháp loan báo kế hoạch trên, Đức và Tây Ban Nha cũng có ý định sẽ tăng tuổi hưu từ 65 lên thành 67 tuổi trong những năm tới. Pháp cùng với Đức và Tây Ban Nha đều xem việc tăng tuổi hưu để giảm ngân sách dành cho an sinh xã hội là một trong những biện pháp cần thiết của kế hoạch thắt lưng buộc bụng nhằm vượt qua tình hình khủng hoảng hiện tại.

Mới đây, Ủy ban châu Âu cũng chính thức lên tiếng đề nghị các quốc gia trong khối nhanh chóng tăng mức tuổi hưu. Ủy ban châu Âu cho rằng làm như thế để giảm bớt áp lực tài chính công và ngăn chặn sự bùng nổ của các hệ thống lương hưu.

Ngoại trừ lý do tăng tuổi hưu để cắt giảm thâm hụt ngân sách, Ủy ban châu Âu còn cho rằng điều đó là cần thiết khi tuổi thọ trung bình của người dân châu Âu đang tăng lên.

Báo cáo của EU cho rằng trong 50 năm qua, tuổi thọ trung bình của người dân đã tăng thêm 5 năm và cho đến năm 2060 sẽ tăng thêm 7 năm nữa.

Ngoài ra, hiện tại cứ 4 người đang trong độ tuổi lao động “phải nuôi” 1 người trên 65 tuổi và được nghỉ hưu. Nhưng tỷ lệ trên sẽ giảm xuống chỉ còn 2/1 vào năm 2060.

Ủy ban châu Âu còn có cả kế hoạch kêu gọi các quốc gia nhanh chóng đạt được sự đồng thuận về chính sách tuổi hưu và có thể tiến đến có một chính sách chung cho toàn khối về việc tăng tuổi hưu.

Bên kia Đại Tây Dương, Chính phủ Hoa Kỳ cũng đang có ý định đưa vấn đề tăng tuổi hưu từ 65 lên 67 ra trước quốc hội để thảo luận bởi nước này cũng đang gặp nhiều khó khăn với gánh nặng tuổi hưu.

Vào năm sau, những người đầu tiên trong số 79 triệu người của thế hệ mà người ta vẫn gọi là “Baby Boomer” sẽ bước vào tuổi 65 và chính thức nghỉ hưu.

Gánh nặng hưu trí của thế hệ Baby Boomer càng tăng lên khi tuổi thọ trung bình của người dân Mỹ đã tăng từ mức 70,5 tuổi vào những năm 1970 lên mức 77,9 tuổi vào năm 2007, tức là những người thế hệ “Baby Boomer” sẽ sống lâu hơn so với các thế hệ trước đây. Điều đó đồng nghĩa với việc thời gian chi trả tiền hưu bổng cho những người này sẽ nhiều hơn nữa.

Hay chính quyền của Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan cũng đưa ra một trong những lý do cần tăng thuế tiêu dùng là để cắt giảm ngân sách đang phình to, trong đó ngân sách dành cho hưu bổng chiếm một phần quan trọng và dân số Nhật Bản cũng đang ngày càng già đi.

(Theo TBKTSG)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm