Thời của những ngôi sao lớn chuyển nhượng tự do?

27/03/2022 18:18 GMT+7 | Italy

(Thethaovanhoa.vn) - Đối với không ít tifosi, việc Paulo Dybala và Juventus không tìm được tiếng nói chung để kéo dài cuộc “hôn nhân” của họ sau 8 năm chung sống là một cú sốc lớn. Trên thực tế, đội bóng lớn nhất nước Ý đã tìm cách đẩy cầu thủ người Argentina sang MU từ mùa Hè 2019 để đổi lấy chân sút người Bỉ Lukaku. Nhưng vụ trao đổi cầu thủ đã không diễn ra (và Lukaku tới Inter), bởi một lý do đơn giản: Dybala không muốn rời Allianz Stadium.

Bóng đá hôm nay 27/3: MU chi 50 triệu cho ‘Ronaldo mới’, Arsenal giải cứu Rashford

Bóng đá hôm nay 27/3: MU chi 50 triệu cho ‘Ronaldo mới’, Arsenal giải cứu Rashford

Bóng đá hôm nay 27/3: MU chi 50 triệu bảng cho ‘Ronaldo mới’, Arsenal giải cứu Rashford, lịch thi đấu bóng đá hôm nay.

Nhưng mùa Hè này, anh sẽ trở thành người tự do. Juventus sẽ không thu được một bất cứ một khoản tiền nào cũng như không còn có thể đổi anh lấy một ai đó nữa. Mặc dù vậy, các quan chức của Juve, trong công cuộc ổn định tình hình tài chính của họ sau những năm tháng phung phí tiền cho nhiều hợp đồng đắt giá nhưng có hiệu quả thấp, cũng như đã dồn quá nhiều tiền cho Ronaldo, có vẻ hài lòng khi chấp nhận để Dybala ra đi. Họ cũng không có vẻ gì là lo lắng trước viễn cảnh anh sẽ đến đầu quân cho Inter, đối thủ không đội trời chung với Juve. Một cảm nhận tương tự có thể thấy ở Milan, đội cũng sẽ không thu được một xu nào Hè này khi Franck Kessie sang Barcelona. Đó là cầu thủ đẳng cấp thứ 3 của Milan ra đi theo dạng CNTD trong 2 mùa Hè liên tiếp, sau Donnarumma và Calhanoglu.

Điều gì đang xảy ra trong bóng đá hiện đại, khi việc mua sắm cầu thủ trở thành một hoạt động quan trọng đem đến rất nhiều lợi nhuận, đặc biệt là với các đội bóng chuyên ươm mầm tài năng? Các cầu thủ, với trị giá theo thị trường của họ, được coi là một tài sản sinh lợi, do đó, được ràng buộc càng nhiều càng tốt với các đội bóng đã trở thành những con buôn thực thụ trong những năm tháng hậu phán quyết Bosman. Nhưng khi ngay cả các ngôi sao cũng có thể ra đi tự do khi hợp đồng hết hạn mà chính các đội bóng không giữ lại được, cũng không bán được cho ai khi họ còn giá trị thực tế, thì đó là một xu hướng đáng chú ý của thời kỳ này. Mùa Hè trước, Messi, người tưởng như sẽ gắn bó cả đời với Barca, đến PSG với giá 0 đồng. Mùa Hè này, đến lượt Mbappe, Pogba và Dembele, những cầu thủ cực kỳ đắt giá khi họ được mua về, cũng sẽ rời PSG, MU và Barca theo cách tương tự. Trong khi đó, trước khi sẵn lòng để Dybala ra đi miễn phí, Juve đã bán Ronaldo cho MU với giá rẻ như cho!

Chú thích ảnh
Dybala sẽ đi, và Juventus không thu về được một xu

Giovanni Branchini, Chủ tịch danh dự của Hiệp hội môi giới cầu thủ Italy (AIACS) và châu Âu (EFAA) cho rằng, chúng ta đang chứng kiến một sự biến đổi lớn lao trong bóng đá châu Âu. “Các CLB lớn không còn đủ tiềm lực kinh tế để gia hạn với các cầu thủ một vài năm trước khi hợp đồng cũ hết hạn, trong khi các cầu thủ thì lại không muốn hiểu điều đó, khi cứ đòi hỏi những con số trên trời”. Ông cho rằng, khi nào tình hình tài chính của các đội bóng trở lại bình thường, tình trạng này sẽ không xảy ra nữa. Nhưng từ giờ đến khi “trở lại bình thường” ấy, có lẽ cũng mất một thời gian. Đại dịch kéo dài trong hai năm đã khiến nhiều CLB rơi vào tình trạng ngặt nghèo. Serie A là một ví dụ điển hình. Báo cáo tài chính của mùa bóng 2020/21 mới công bố cho thấy, Serie A lỗ 1 tỷ euro và nợ 3,4 tỷ euro. Đấy là lý do tại sao Inter phải bán Lukaku và Hakimi, Milan không thể trả mức lương mà Donnarumma, Calhanoglu và Kessie đòi hỏi, trong khi Juve không tiếp tục hành trình với Dybala.

Đương nhiên, trường hợp của Mbappe và Pogba khác. PSG và MU không nghèo để không thể tiếp tục trả mức lương cao ngất cho những ngôi sao ấy, nhưng họ cũng không có cách nào để thuyết phục những người đó ở lại. Và những CLB muốn có họ, vốn khó có thể trả mức phí chuyển nhượng cực cao mà hai đội bóng ấy đòi hỏi khi Mbappe và Pogba vẫn còn giá trị hợp đồng, sẵn sàng chờ đợi các hợp đồng ấy hết hạn để đưa họ về. Chờ đợi để có hàng xịn mà free là một điều hoàn toàn hợp lý trong hoàn cảnh hiện tại, khi số những đội bóng nhà giàu có thể trả các khoản tiền khổng lồ chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.

Đại dịch và những vấn đề tài chính chắc chắn còn ảnh hưởng đến bóng đá thế giới nói chung và hệ thống chuyển nhượng một thời gian nữa. Câu trả lời của các đội bóng lớn nhất châu Âu là ráo riết làm sống lại một giải đấu chết yểu có tên Super League, trong khi UEFA đáp trả bằng những cải cách lớn ở Champions League trong thời gian tới. Những cuộc đua lớn trong tương lai, với những vụ chuyển nhượng kinh thiên động địa, rồi sẽ trở lại…

Anh Ngọc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm