17/07/2025 05:52 GMT+7 | Thể thao
Tại buổi làm việc với các phòng chuyên môn của Cục TDTT Việt Nam về công tác chuẩn bị cho các sự kiện quốc tế đỉnh cao trong thời gian tới dưới sự chủ trì của Cục trưởng Nguyễn Hoàng Danh Việt, những báo cáo mới nhất cho thấy VĐV, HLV của chúng ta đang ở trong trạng thái sẵn sàng, nhưng đợt rà soát kiểm tra mới nhất thì sự thiếu hụt cơ sở vật chất, điều kiện tập luyện vẫn ở trong tình trạng nghiêm trọng.
Là người trực tiếp thị sát, Phó Cục trưởng Nguyễn Hồng Minh đánh giá điều kiện cơ sở vật chất phục vụ cho tập luyện của tất cả các đội tuyển thể thao quốc gia, bao gồm đội tuyển trẻ ở tất cả các môn thể thao còn thiếu rất nhiều (trang thiết bị tập luyện, phòng tập, nơi nghỉ đạt chuẩn dành cho VĐV một số nơi đã xuống cấp, mặc dù thời gian qua đã có những sửa chữa bổ sung cơ bản).
Việc làm cấp thiết ngay lúc này là phải ưu tiên bổ sung ngay trang thiết bị tập luyện, phục hồi tốt nhất cho nhóm VĐV trọng điểm đang trong kế hoạch dự kiến chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu lớn như: SEA Games 33, Asiad 2026 và xa hơn là Olympic 2028.
Cũng theo nhận định của ông Minh, việc sử dụng nguồn kinh phí Nhà nước sẽ có những hạn chế nhất định trong việc mua sắm trang thiết bị, sửa chữa cơ sở vật chất, vì vậy, Cục TDTT Việt Nam khuyến khích, kêu gọi các bộ môn, Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia hãy năng động, chủ động hơn nữa, phối hợp cùng với các đơn vị, cơ quan, tổ chức kêu gọi sự đồng hành, ủng hộ từ các đơn vị sự nghiệp, nhà tài trợ, tổ chức kinh tế, doanh nghiệp có tâm huyết…
Nói ngắn gọn: thể thao Việt Nam không thiếu người, không thiếu quyết tâm nhưng đang rất thiếu tài chính để bảo đảm thành công cho các kế hoạch. Nhưng có lẽ, cái thiếu lớn nhất chính là những kết quả bền vững của hoạt động xã hội hóa, điều mà chỉ có những Liên đoàn/Hiệp hội mới có thể làm tốt.
VFF vẫn là một trong những Liên đoàn thể thao khai thác quảng cáo tốt nhất, hiệu quả nhất hiện nay. Ảnh: Minh Hoàng
Có một thực tế không thể phủ nhận: Các nguồn lực xã hội ở Việt Nam không thiếu, thậm chí là thừa. Lấy ví dụ như ở môn chơi thời thượng pickleball, chỉ trong một thời gian ngắn, chúng ta có hẳn một tổ hợp thi đấu dành riêng cho môn này và hàng chục, thậm chí là lên đến cả trăm sự kiện lớn nhỏ của pickleball được tổ chức. Tất cả đều đến từ nguồn lực xã hội hóa vì đến nay, chưa hề có tổ chức chính thức nào quản lý pickleball cả.
Một ví dụ khác: bóng đá chuyên nghiệp. Dù có nhiều vấn đề nhưng bóng đá Việt Nam vẫn có doanh thu năm sau cao hơn năm trước ở cả cấp đội tuyển lẫn Liên đoàn. Số CLB mới vẫn xuất hiện đều đặn, không có một cảm giác nào cho thấy dòng chảy tài chính đến từ xã hội bị trì hoãn cả.
Thế nhưng, thiếu thì vẫn thiếu, thậm chí là thiếu triền miên các nguồn tiền đầu tư vào những yếu tố căn bản của thể thao đỉnh cao như điều kiện tập luyện, thiết bị công nghệ nâng cao. Những nguồn tiền này thông thường phải là các khoản dôi dư, được trích từ doanh thu hàng năm của các liên đoàn/hiệp hội. Điều này có nghĩa các đơn bị quản lý thể thao của chúng ta chỉ mới "làm đủ ăn", gần như không có tích lũy nào cả.
Không nói đâu xa, mục tiêu xã hội hóa ít nhất 30% các môn thể thao dự SEA Games vẫn chưa thể đạt được. SEA Games 33 sắp tới, dù việc di chuyển sang Thái Lan thi đấu không phải là một khoản chi phí lớn nhưng số đội thể thao đăng ký "xã hội hóa 100%" có thể chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Đó là cuộc chơi lớn 2 năm 1 lần, một cuộc quảng bá quan trọng nhất cho môn thể thao của mình nhằm thuyết phục sự quan tâm của Nhà nước và xã hội, vậy mà dù chỉ tìm nguồn kinh phí thay cho ngân sách, để VĐV thoải mái tinh thần thi đấu, vẫn không thể thấy được dấu ấn của các tổ chức quản lý ở góc độ xã hội hóa.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất