Thể thao Việt Nam và thách thức TOP 50 Olympic: Bóng đá và bài học con người

10/01/2025 06:11 GMT+7 | Thể thao

Sự kiện thể thao nổi bật nhất năm 2024, là chức vô địch ASEAN Cup của đội tuyển bóng đá, cho dù chức vô địch được trao vào tháng 1/2025. "Tính" cho năm 2024 là để khích lệ cho một năm có ít điểm nhấn của thể thao Việt Nam và cũng để tạo một sự khởi đầu tươi mới cho năm 2025.

1. Những bàn thắng quyết định, những khoảng khắc cá nhân bùng nổ, tiền đạo Xuân Son đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo của đội tuyển Việt Nam và thổi bùng ngọn lửa đam mê trong lòng người hâm mộ.

Hãng tin ESPN từng nhận định sau trận lượt đi chung kết ASEAN Cup 2024 rằng: "Không một cầu thủ nào có thể tự mình giành chiến thắng trong một giải đấu, hoặc thậm chí là một trận đấu. Nhưng có thể khẳng định chắc chắn rằng, nếu Việt Nam không có Nguyễn Xuân Sơn thì sẽ khó có thể giành chức vô địch bóng đá Đông Nam Á lần đầu tiên kể từ năm 2018".

Dù không phải một mình Xuân Son đem về danh hiệu, thì đánh giá này cũng đúng khi nhắc đến yếu tố "khác biệt" về con người trong thể thao đỉnh cao.

Quyết định sử dụng cầu thủ nhập tịch cho đội tuyển quốc gia của bóng đá Việt Nam trong trường hợp này đã cho thấy sự đúng đắn và phù hợp với xu thế chung của bóng đá hiện đại. Chỉ cần sự xuất hiện của Xuân Son, nỗi lo lắng khi đá với Thái Lan đã không còn nữa, cho thấy tầm quan trọng của yếu tố cá nhân nổi trội ngay cả với môn chơi mang tính tập thể như bóng đá.

Hơn thế, cũng chỉ ra một cách rõ ràng điều kiện tiên quyết để xây dựng một nền bóng đá đẳng cấp, đó là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Có thể nói, với Xuân Son, bóng đá Việt Nam không chỉ hoàn thành nhiệm vụ vô địch Đông Nam Á lần thứ 3, mà còn đem đến các triển vọng vươn tầm trong tương lai.

Nhưng sự khác biệt mà Xuân Son tạo ra cũng đặt ra những thách thức cho những nhà làm bóng đá, và rộng hơn là ngành thể thao trong quá trình nâng cao chất lượng VĐV. Có thể thấy, những VĐV như Nguyễn Xuân Son vừa là người đã khai mở nhưng cũng đồng thời cũng gián tiếp phô bày giới hạn của bóng đá và thể thao Việt Nam.

Chỉ riêng việc so sánh các cầu thủ nội với Xuân Son, cũng đã thấy có chênh lệch rất lớn về thể chất và tầm hoạt động trên sân. Sự chênh lệnh này dẫn đến những khác nhau rất cơ bản. Hẹp thì là chuyện tranh chấp 1 vs 1, tốc độ bứt phá đoạn ngắn, thời gian chơi bóng cường độ cao trong suốt trận đấu. Còn rộng hơn, thì đó là việc làm chủ không gian, đáp ứng các yêu cầu chiến thuật. Có một tiền đạo như Xuân Son ở phía trên, các HLV cũng sẽ có thêm phương án tổ chức trận đấu.

Thực tế thì Xuân Son vẫn chỉ đang là một cầu thủ chơi bóng ở V-League sau khi anh không thành công tại Nhật Bản, Đan Mạch. Anh cũng giống như một số cầu thủ ngoại nhập tịch khác, tức là không đủ chất lượng để tiến xa hơn trong sự nghiệp ở một giải vô địch hàng đầu châu Á hoặc châu Âu nhưng lại khá an toàn về cuộc sống nếu chơi bóng tại V-League do có những lợi thế nói trên.

Nói như vậy để thấy kể cả khi đội tuyển của HLV Kim Sang Sik có vô địch ASEAN Cup bằng đội hình 100% nội địa thì cũng phải thực tế rằng, để tiến xa hơn, chúng ta phải cần những cầu thủ như Xuân Son.

2. Câu hỏi đặt ra là: Để có một nền thể thao ở đẳng cấp châu Á và vươn tầm thế giới, chúng ta phải có nhiều Nguyễn Xuân Son hơn hay là tìm cách để có nhiều VĐV, cầu thủ như Xuân Son?

THỂ THAO VIỆT NAM VÀ THÁCH THỨC TOP 50 OLYMPIC: Bóng đá và bài học con người - Ảnh 1.

Đội tuyển Việt Nam sẽ rất khó để vô địch ASEAN Cup 2024 nếu như không có một chân sút như Xuân Son trong đội hình. Ảnh: Hoàng Linh

Mười năm trở lại đây, ngoài bóng đá thì nhiều môn thể thao khác của Việt Nam đã và đang tận dụng tốt nguồn "ngoại lực", chủ yếu là các VĐV Việt kiều. Tiêu biểu như bóng rổ, quần vợt... cho thấy nếu có chiến lược rõ ràng và quyết tâm cao, thì vẫn sẽ có những nguồn bổ sung chất lượng từ bên ngoài.

Nhưng những nhà quản lý và hoạch chính chính sách thể thao, bóng đá sẽ phải giải quyết những câu hỏi về việc sẽ duy trì chính sách nhập tịch VĐV như thế nào, các tiêu chuẩn ra sao để tránh ảnh hưởng đến công tác đào tạo và quan trọng hơn, làm thế nào để có những thế hệ VĐV có được các tố chất về chuyên môn lẫn thể lực như những VĐV nhập tịch.

Ví dụ như với bóng đá Việt Nam, "cơn khát" tiền đạo luôn là cản trở lớn nhất trên con đường phát triển đẳng cấp suốt 3 thập niên qua, nên việc sử dụng cầu thủ nhập tịch cho vị trí này đã giải được bài toán trước mắt. Nhưng về lâu dài, không thể cứ thiếu và yếu chỗ nào là phải tìm cách để nhập tịch cầu thủ nước ngoài.

Như Phó Chủ tịch VFF, Trần Anh Tú nhìn nhận, Xuân Son là một trưởng hợp "đúng thời điểm" của bóng đá Việt Nam, khi chúng ta có một người ở chất lượng vượt trội ngay tại nơi bị xem là yếu, thiếu nhất trong cơ cấu của đội tuyển. Trong khi đó, việc thủ thành đến từ châu Âu là Filip Nguyễn bị Đình Triệu "soán chỗ" là một ví dụ cho thấy không phải cứ nhập tịch cầu thủ là mọi thứ trở nên tốt hơn.

Tóm lại, có thêm hay không nhiều Xuân Son thì việc tạo ra các thế hệ VĐV vượt trội về thể chất và tính chuyên nghiệp mới thực sự tạo ra sức mạnh căn cơ cho thể thao Việt Nam trong tham vọng vươn tầm.

3. Nhìn ở góc độ khác, màn trình diễn bùng nổ của Xuân Son để đưa đội tuyển Việt Nam đến danh hiệu vô địch đã chứng minh một điều rõ ràng: Nếu có nhiều hơn những cầu thủ như anh, thì bóng đá Việt Nam sẽ còn vươn tầm. Với thể thao Việt Nam cũng vậy, cần thay đổi cách làm trong việc đào tạo con người.

Bởi có một điều đáng tiếc, là đa số các vụ lùm xùm liên quan đến công tác quản lý trong thể thao, thường đến từ khâu đào tạo VĐV trẻ. Từ chuyện cắt xén khẩu phần ăn, đến thiếu minh bạch trong tiền bồi dưỡng, tiền thưởng của các mầm non. Khi còn tồn tại những vấn đề như thế, thì thử hỏi việc tuyển chọn, phát hiện tài năng sẽ còn xuê xoa, qua quýt đến đâu. Một khi các yếu tố đầu vào không chuẩn chỉnh, không ở tiêu chuẩn cao nhất, thì rất khó để nói về những thế hệ khỏe mạnh về thể chất chứ chưa nói gì đến yếu tố chuyên môn vượt trội.

Những tồn tại như thế này nếu không có giải pháp, thì cho dù có giải quyết được khâu tài chính, nguồn đầu tư thì hành trình vươn tầm cũng khó mà thành công. Cứ lấy bóng đá làm bài học. Đội tuyển Việt Nam có sự đầu tư mạnh nhất tại ASEAN Cup 2024, được đi tập huấn, V-League tạm ngừng để có đủ cầu thủ giỏi, nhưng vẫn phải cần những khác biệt của Xuân Son để khiến mọi thứ trở nên hoàn hảo.

Thế nên, có tiền là một chuyện, đầu tư vào con người như thế nào, bắt đầu từ đâu, có lẽ không chỉ cần vài cuộc hội thảo là xong.

"Xuân Son là nốt son, đúng thời điểm và tạo hiệu ứng tốt"

Tại buổi gặp mặt các phóng viên báo chí nhân dịp Xuân Ất Tỵ 2025 sáng 9/1, ông Trần Anh Tú, Phó Chủ tịch VFF, Trưởng đoàn đội tuyển Việt Nam vừa vô địch ASEAN Cup 2024, đã tâm sự rất thật về những ngày đồng hành cùng thầy trò HLV Kim Sang Sik trong chiến dịch lịch sử vừa qua.


Ông Tú chia sẻ: "Khi Xuân Mạnh nói một là vô địch, hai là vô địch, ba là vô địch trong buổi họp báo trước trận bán kết lượt đi với đội tuyển Singapore, Mạnh và HLV đã trao đổi trước, giúp tinh thần toàn đội nâng cao. HLV Kim đặt mục tiêu vô địch ngay từ đầu, đó là quan điểm của HLV trưởng.


Xuân Son là nốt son, đúng thời điểm và tạo ra hiệu ứng tốt. Tiếc vì cậu ấy đã gặp chấn thương nhưng tôi tin điều đó chứng minh đội tuyển Việt Nam không có Xuân Son vẫn vô địch được. Khi Xuân Son chấn thương, cả đội quyết tâm đá vì Xuân Son. Bàn thắng không fair-play của đội tuyển Thái Lan cũng khiến tinh thần các cầu thủ Việt Nam tốt hơn.

Xuân Son hòa nhập tuyệt vời với các đồng đội, sinh hoạt như một cầu thủ Việt Nam, không có sự khác biệt gì. Xuân Son là điểm thành công lớn, điều đó sẽ khiến các cầu thủ nhập tịch khác lên đội tuyển cũng dễ dàng hơn, tránh phải nhận những ý kiến trái chiều".

Long Khang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm