Thể thao Việt Nam đừng quên 'mũi nhọn' võ

15/08/2017 06:19 GMT+7 | SEA Games 29

(Thethaovanhoa.vn) - Xét trên chỉ tiêu cũng như khả năng thực tế, 6 môn võ chỉ có thể đóng góp thành tích trên dưới 10 HCV, ngang với điền kinh hay bơi. Thế nhưng, nếu nhìn ra các đấu trường tầm cao hơn như ASIAD hay Olympic, nhóm môn này vẫn là một “mũi nhọn” cần được đầu tư và nuôi hy vọng.

6 “ông” cộng lại chỉ bằng… điền kinh

Chưa bao giờ, nhóm môn võ lại bước vào một kỳ SEA Games với đích nhắm thành tích khiêm tốn như lần này. Tổng mức phấn đấu cả 5 môn karatedo ( 3-4 HCV), taekwondo (3-4 HCV), pencak silat (3 HCV), wushu (1-2), boxing (1 HCV), muay (1 HCV) là trên dưới 10 chiếc. Theo đánh giá, nếu phát huy tối đa trong điều kiện thuận lợi nhất, các môn võ cũng chỉ mang về 12-13 HCV.

Con số này rõ ràng rất nhỏ trong đích nhắm chung 49-59 HCV của cả đoàn Thể thao Việt Nam tranh tài tại Malaysia. Chưa kể, môn võ nào cũng đang lo sốt vó về những nguy cơ hụt chỉ tiêu vì những lý do gắn với sân chơi siêu đặc thù này, nhất là vấn nạn trọng tài xử ép. Ngay cả một nhà vô địch thế giới như Nguyễn Trần Duy Nhất (muay ) hay Châu Tuyết Vân (taekwondo) cũng thừa nhận chỉ biết quyết tâm nỗ lực cao nhất chứ chưa thể nói trước điều gì. HLV trưởng ĐTQG pencak silat Nguyễn Văn Hùng khẳng định trong “tương quan”, Việt Nam có được ba lần đăng quang đã vô cùng gian khó.

Bởi thế, chuyện ngành thể thao xác định lấy hai môn điền kinh, bơi làm chủ lực không có gì bất ngờ. Chính các nhà quản lý huấn luyện ở các môn võ cũng hiểu rõ và ủng hộ điều đó. Như đánh giá ngắn gọn của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, Trưởng đoàn TTVN tại SEA Games 29, ông Trần Đức Phấn thì “đó là một thực tế”.

Không thể lấy SEA Games làm chuẩn

Một thời kỳ dài TTVN luôn lấy SEA Games với “mỏ” huy chương võ (cộng thêm vật) làm chuẩn từ nhận thức, tiếp cận đến đầu tư. Quan trọng hơn, sau khi giúp Việt Nam lần đầu bước lên thứ 4 năm 2001, các môn này đã luôn giúp chúng ta đảm bảo giữ vững một vị trí trong Top 3 toàn đoàn.

Nhưng, kể từ SEA Games 28, khi chứng kiến sự nổi bật về mặt thành tích lẫn sức lan tỏa của điền kinh, bơi cùng nhiều môn thế mạnh mới, nhóm môn võ đã bị lép vế. Tất cả đã được minh chứng qua số kinh phí dành cho tập huấn thi đấu, số lượng tuyển thủ được đưa vào danh sách trọng điểm giảm hẳn. Đơn cử cả đội pencak silat - môn số 1 của TTVN tại nhiều kỳ SEA Games - từ đầu năm chỉ toàn tập chay trong nước, phải đến bước nước rút mới có một chuyến tập huấn 20 ngày tại Malaysia. Tương tự như thế là đội wushu, vốn luôn được ưu tiên cao nhất một thời…

SEA Games thời công nghệ

SEA Games thời công nghệ

Với những du khách từng ghé thăm Malaysia trước đây, taxi ở Kuala Lumpur luôn là nỗi ám ảnh với không ít người, bởi nhiều tài xế taxi ở đây, nhất là tại các vùng ven, hoặc phóng nhanh vượt ẩu, hoặc không chịu bấm đồng hồ mà ra giá trực tiếp cho khách, nên nếu ai không biết mặc cả rất dễ có nguy cơ bị “làm giá”.

Nhìn vào sự thiên lệch mới thấy thực sự đáng lo cho các môn võ cùng cả nền thể thao. Rõ ràng, việc nhóm môn này đánh mất vị thế, thành tích còn vì điều kiện khách quan. Như SEA Games 29, Wushu bị cắt toàn bộ các nội dung tán thủ, hàng loạt sở trường ở boxing, muay, karatedo không có.

Đáng nói hơn, nhìn lên các đấu trường tầm cao như ASIAD hay Olympic, nhiều môn võ vẫn là “thế mạnh”, phần nào đó vượt trội, có khả năng gánh vác sứ mệnh khó khăn cho TTVN. Chẳng nói đâu xa, mới đây, võ sĩ Kim Tuyền đã đoạt tấm HCB tại đấu trường đỉnh cao nhất – giải Taekwondo vô địch thế giới.

Minh Thư

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm