11/12/2019 08:51 GMT+7 | SEA Games 2019
(Thethaovanhoa.vn) - Tại sân chơi SEA Games từ lâu đã lưu truyền câu chuyện khá thú vị về tấm HCV môn bóng đá nam. Đó là tuyên bố của một vị trưởng đoàn thể thao quốc gia tham dự Đại hội, đại ý rằng - Sẵn sàng đổi 100 chiếc HCV các môn khác, chỉ để lấy tấm HCV duy nhất của bóng đá nam!
Không rõ độ thực hư, nhưng không ít người đồng tình với lời tuyên bố này, bởi không đơn giản, bóng đá là môn thể thao Vua, mà còn bởi đây là môn thể thao "sạch" nhất, có sức tranh chấp cao nhất ở các kỳ SEA Games vốn bị ví với "hội làng" bởi vấn nạn vơ vét huy chương.
Thể thao Việt Nam có lẽ cũng chẳng là ngoại lệ. Từ năm 1991, bóng đá nam trở lại và chỉ mất 4 năm sau, khi đội tuyển quốc gia lọt vào chung kết với chủ nhà Thái Lan ở Chiangmai, giấc mơ Vàng xuất hiện, rồi trở nên cháy bỏng qua từng kỳ SEA Games.
Nhưng giấc mơ ấy cứ thật gần mà cũng thật xa, nó không chỉ là nỗi buồn mà còn trở thành niềm đau với nền bóng đá xứ sở. Thậm chí, ngay cả khi đoàn thể thao Việt dù là đứng đầu, hay xếp trong TOP 3 bảng huy chương đại hội, thì thất bại của bóng đá nam vẫn khiến những thành công ấy không thể trọn vẹn.
Phải tới SEA Games này, sau 28 năm, qua 16 kỳ đại hội, thành công ấy mới thực sự trở nên trọn vẹn nhất. Các chàng trai U22 đăng quang ngôi vô địch bóng đá nam để biến giấc mơ Vàng thành hiện thực; các cô gái cũng bảo vệ thành công ngôi Hậu làng cầu nữ khu vực. Và với 98 HCV trong ngày thi đấu áp chót, đoàn Thể thao Việt Nam đứng vững ở vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng huy chương SEA Games 30, vượt xa chỉ tiêu đề ra trước ngày lên đường.
Thành công tại SEA Games 30 trọn vẹn về mặt thành tích, quan trọng hơn, đã đến lúc thể thao Việt Nam có đủ cả tâm lẫn lực để vượt ra khỏi tầm khu vực, vươn tới những cái đích xa hơn - Châu lục và thế giới!
V.M
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất