Tham vấn ý kiến chuyên gia về trang phục cổ thời Đinh

07/04/2025 12:45 GMT+7 | Văn hoá

Trong khuôn khổ Lễ hội Hoa Lư năm 2025, ngày 7/4, tại Ninh Bình diễn ra hội thảo khoa học, triển lãm "Trang phục và Cổ phục thời Đinh" và giới thiệu dự án phim "Hộ linh Tráng sĩ – Bí ẩn mộ vua Đinh". Dự hội thảo có đông đảo các nhà sử học, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu cổ phục trên cả nước.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình cho biết, Ninh Bình là kinh đô của Việt Nam giai đoạn 968 - 1010 với 3 triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý và cũng là địa bàn quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, quân sự qua các thời kỳ lịch sử. Những dấu mốc và sự kiện lịch sử của dân tộc gắn liền với những nhân vật kiệt xuất như: Đinh Tiên Hoàng, Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Trịnh Tú, Lưu Cơ, Thái hậu Dương Vân Nga, Nguyễn Minh Không, Trương Hán Siêu... qua các thời kỳ lịch sử tiêu biểu của Ninh Bình. Đây là những chất liệu "đầu vào" tuyệt vời để tạo ra các sản phẩm dịch vụ văn hóa với đa dạng loại hình... nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, hưởng thụ văn hóa ngày càng mạnh mẽ và đa dạng của người dân.

Tham vấn ý kiến chuyên gia về trang phục cổ thời Đinh - Ảnh 1.

Trình bày về công trình nghiên cứu 02 bộ giáp trụ, binh sĩ và tướng lĩnh thời Đinh- Tiền Lê. Ảnh: Đức Phương – TTXVN

Với mong muốn xây dựng và sản xuất phim tại Ninh Bình, Công ty Bình Hạnh Đan đã lên ý tưởng xây dựng bộ phim "Hộ linh Tráng sĩ – Bí ẩn mộ vua Đinh", phóng tác dựa trên các truyền thuyết dân gian về lăng mộ Vua Đinh Tiên Hoàng và dự kiến chọn Ninh Bình làm bối cảnh quay phim.

Tuy nhiên, để sản xuất thành công bộ phim cần rất nhiều các yếu tố, điều kiện, trong đó phải kể đến trang phục trong phim. Do thời gian quá lâu, các nguồn sử liệu, tư liệu về trang phục, cổ phục thời Đinh thu thập được rất hạn chế. Chính vì vậy, tại hội thảo khoa học, triển lãm "Trang phục và Cổ phục thời Đinh", tỉnh Ninh Bình và Công ty Bình Hạnh Đan mong muốn được lắng nghe các chuyên gia, các nhà sử học, các nhà nghiên cứu trao đổi, phân tích, làm rõ một số vấn đề về trang phục, cổ phục thời Đinh, cũng như các ứng dụng trong thiết kế, sản xuất trang phục, cổ phục ở thế kỷ X để nghiên cứu, ứng dụng trong các hoạt động văn hóa hiện đại, trong đó có phim ảnh, nghệ thuật biểu diễn, các loại hình nghệ thuật khác. Các nhà nghiên cứu cung cấp, bổ sung các tư liệu để có thêm cái nhìn toàn diện, chi tiết, cụ thể về mọi mặt đời sống, sinh hoạt văn hóa, xã hội nước ta thế kỷ X, góp phần tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử vùng đất Cố đô Hoa Lư.

Tham vấn ý kiến chuyên gia về trang phục cổ thời Đinh - Ảnh 2.

Nhóm nghiên cứu trình bày về công trình nghiên cứu phỏng dựng trang phục của Thái hậu Dương Vân Nga. Ảnh: Đức Phương – TTXVN

Tại hội thảo, các nhóm nghiên cứu đã trình bày các công trình nghiên cứu và phỏng dựng trang phục cổ, trang phục thời Đinh như: Các bộ giáp trụ, binh sĩ và tướng lĩnh thời Đinh – Tiền Lê; trang phục và tập quán dân thường thời Đinh; các bộ trang phục nam chính và nữ chính; phỏng dựng trang phục áo viên lĩnh đại khâm; trang phục của Thái hậu Dương Vân Nga, Vua Đinh Tiên Hoàng và Vua Lê Đại Hành...

Bà Ngô Thị Bích Hạnh, Phó Chủ tịch Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bình Hạnh Đan mong muốn hội thảo nhận được các ý kiến đóng góp của các nhà sử học, nhà nghiên cứu để tái dựng lại một cách tốt nhất dựa trên những tư liệu, nguồn gốc khác nhau để có những phục trang, đạo cụ... gần nhất với thời kỳ này để có thể sử dụng cho bộ phim "Hộ linh Tráng sỹ - Bí ẩn mộ vua Đinh" nói riêng và những bộ phim khác sau này; góp phần để Ninh Bình phục dựng tốt hơn cho các hoạt động khác của tỉnh gắn với thời kỳ đầu tiên của đất nước thời vua Đinh.

TTXVN

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm