Barca cần cuộc cách mạng từ ghế chủ tịch

11/07/2017 21:19 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Barca luôn đi sau Real Madrid trong nhiều thương vụ mua sắm tài năng trẻ gần đây. Với những ngôi sao lớn, Camp Nou không còn là điểm đến đáng mơ ước, mà Marco Verratti là mới nhất.

HLV Ernesto Valverde được mời về Camp Nou để thực hiện cuộc cách mạng hậu kỷ nguyên Luis Enrique. Nhưng thực tế chỉ ra, Barca cần cách mạng từ chính chiếc ghế của Chủ tịch Josep Maria Bartomeu.

Barca luôn đi sau Real Madrid

“Tôi không hiểu vì sao một cầu thủ như Dani Ceballos không nằm trong dự án của ông ta”, Joan Laporta nói về đối thủ Bartomeu gần đây. Trong cuộc họp hội đồng Barca vài tuần trước, Bartomeu không đưa Ceballos vào danh sách mục tiêu chuyển nhượng. Vậy, Dani Ceballos là ai? Ở tuổi 20, chàng trai ấy tham dự 109 trận đấu với Betis, có điều khoản phá vỡ hợp đồng 15 triệu euro. Khi Laporta lên tiếng, Ceballos còn chưa dự U-21 châu Âu. Giờ thì anh là cầu thủ xuất sắc nhất giải đấu ở Ba Lan, nơi U-21 Tây Ban Nha thua U-21 Đức trong trận chung kết.

Phải đến khi Ceballos trở về từ Ba Lan, Bartomeu mới đưa anh vào dự án chuyển nhượng. Tất cả đã quá muộn. Real Madrid đi trước một bước để đạt thỏa thuận với Ceballos và Betis. Mặc dù hàng tiền vệ Real rất chật chội, với Luka Modric, Toni Kroos, Casemiro, Isco, Mateo Kovacic, Marco Asensio, và còn James Rodriguez, Ceballos vẫn cảm thấy hào hứng về tương lai ở Bernabeu.

Ceballos cũng là thất bại mới nhất của Barca trước Real khi theo đuổi những viên ngọc của bóng đá Tây Ban Nha. Trước đó, Real đã chiến thắng Barca khi giành Asensio từ Mallorca, cũng như Jesus Vallejo khi cầu thủ này còn thuộc sở hữu của Zaragoza. Gần đây còn Vinicius Junior. Barca tìm đến Flamengo trước, nhưng đàm phán bất thành và Real vào cuộc lấy Vinicius - một cầu thủ mới 16 tuổi nhưng có giá 45 triệu euro. Theo Hernandez cũng từ chối đến Barca dự bị cho Jordi Alba, để trở thành cầu thủ Real.

Không chỉ tài năng trẻ, mà những ngôi sao lớn cũng không còn xem Barca là lựa chọn tối ưu cho tương lai của mình. Marco Verratti xin lỗi PSG cũng như người hâm mộ, và cam kết sẽ tiếp tục ở lại CLB thủ đô Paris. Paulinho không sẵn sàng rời Trung Quốc để đến Barca. Dembele và Bellerin là 2 thương vụ không thành công khác của Barca mùa Hè 2017 - ít nhất là đến thời điểm này. Deulofeu có thể xem là tân binh duy nhất, và anh chỉ trở về Barca một cách miễn cưỡng.

Mùa Hè năm ngoái, những thương vụ lớn của Barca thực tế cũng chỉ là “mặt hàng B”. Cụ thể, sau khi lần lượt Vietto rồi Gameiro từ chối, Barca mới chuyển sang Paco Alcacer. Real Madrid từ bỏ Andre Gomes vì giá cao, Barca mới lấy được cầu thủ người Bồ Đào Nha (công thức 35+20 triệu euro). Từ sau Luis Suarez trong kỳ chuyển nhượng Hè 2014, ngôi sao lớn là điều xa xỉ của Barca.

Sau cái gật đầu của Messi, Barca lại sống trong lo lắng

Sau cái gật đầu của Messi, Barca lại sống trong lo lắng

Lionel Messi đã ký hợp đồng mới, một bước quan trọng với Barca. Nhưng điều đó cũng khiến Barca chịu nhiều vấn đề phức tạp.

'Lắm thầy thối ma'

Từ Ceballos đến những thất bại trước đây thể hiện rõ một điều, khả năng điều hành của Bartomeu chưa hiệu quả về chuyên môn. Nội bộ Barca từng tranh cãi về điều này, dẫn đến việc Bartomeu từng tuyên bố sẽ từ chức khi hết mùa giải 2016-17. Nhưng rồi “Nobita” (cách gọi vui Bartomeu) tuyên bố không rời ghế và sẽ làm nhiệm vụ đến hết nhiệm kỳ vào năm 2021.

Bartomeu từng được biết là người giỏi làm kinh tế. Nhưng cách quản lý thể thao của ông thì không hiệu quả. 9 danh hiệu trong kỷ nguyên Luis Enrique không có nghĩa là Bartomeu giỏi. Bartomeu có vấn đề, và cách Barca xây dựng bộ máy thể thao cũng vậy. Barca đang rơi vào cảnh lắm thầy thối ma. Cùng với việc Chủ tịch Bartomeu can thiệp trong điều hành, Barca còn có Phó Chủ tịch Jordi Mestre phụ trách về mảng thể thao. Barca cũng thành lập Hội đồng kỹ thuật gồm 4 thành viên, do Robert Fernandez đứng đầu. Bên cạnh đó, Giám đốc Quan hệ thể chế Albert Soler cũng ít nhiều can thiệp vào khía cạnh thể thao.

Ở Real Madrid, Chủ tịch Florentino Perez là người trực tiếp lên kế hoạch và quản lý mọi việc về thể thao. TGĐ Jose Angel Sanchez sẽ dựa vào kế hoạch đó để thực hiện. Tất cả quy về một mối giúp Real đang gặt hái thành công, trở thành mô hình bóng đá mà nhiều CLB học theo. Đã đến lúc Barca cần phải làm tương tự, trở lại thời điểm của Laporta hay Sandro Rosell để kiểm soát tốt hơn khía cạnh chuyển nhượng. Cuộc cách mạng mà Barca cần thực hiện phải bắt đầu từ chính tư tưởng của Bartomeu.

Ngọc Huy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm