Tài nguyên biển, đảo là “chìa khóa” mở cửa du lịch Khánh Hòa
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có tính định hướng tài nguyên rõ rệt. Hiệu quả hoạt động của ngành du lịch cũng phụ thuộc nhiều vào chất lượng tài nguyên, môi trường du lịch.
Đối với tỉnh Khánh Hòa, tài nguyên biển, đảo và nền văn hóa biển, đảo được tích lũy lâu đời đã trở thành "chìa khóa" để khai mở, tạo dựng được vị thế là một trong những trung tâm du lịch biển, đảo của cả nước và cũng là điểm đến yêu thích của du khách quốc tế lâu nay.
Tiềm năng, thế mạnh hiện diện nhiều nơi
Cùng với đường bờ biển dài trên 380km, Khánh Hòa còn sở hữu 3 vịnh lớn, gồm: Vân Phong, Nha Trang và Cam Ranh, đều được đánh giá là những vịnh đẹp của thế giới. Cùng với đó, thềm lục địa và vùng lãnh hải rộng lớn với gần 200 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó huyện đảo Trường Sa có vị trí chiến lược quan trọng cả về quốc phòng và kinh tế. Có thể nói khó có tỉnh, thành phố nào sánh được với Khánh Hòa về độ "giàu có" này.
Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa chia sẻ: Không chỉ có nhiều cảnh đẹp nổi tiếng, Khánh Hòa còn là nơi lưu giữ nhiều truyền thống văn hóa lâu đời; là địa phương đa dạng về văn hóa với nhiều phong tục tập quán, các loại hình nghệ thuật, lễ hội dân gian gắn liền với biển, đảo, trong đó có Lễ hội Cầu ngư, Lễ hội Tháp Bà Ponaga, Lễ hội Yến sào, Hô bài chòi, Hò bá trạo…

Đón du khách ở khu vực dành cho tàu tham quan tuyến biển đảo vịnh Nha Trang. Ảnh: Tiên Minh - TTXVN
Nhiều năm qua, Khánh Hòa phát triển mạnh các loại hình du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo chất lượng cao kết hợp với vui chơi giải trí, tham quan, thể thao mạo hiểm và khám phá đại dương… ở các dải không gian ven biển, đảo. Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa đã đạt được sự phát triển ấn tượng, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, tạo công ăn việc làm cho hàng vạn lao động trực tiếp và cộng đồng doanh nghiệp, người dân, kích thích các ngành kinh tế khác phát triển. Năm 2024, Khánh Hòa đã lập kỷ lục với 10,8 triệu lượt du khách đến địa phương lưu trú, tham quan, nghỉ dưỡng, trong đó có 4,7 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu du lịch đạt trên 53.000 tỷ đồng.
Không chỉ có thành phố Nha Trang, Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh (huyện Cam Lâm) sau hơn 10 năm xây dựng và phát triển, đến nay cũng đã tạo được bộ mặt "đáng nể" với hàng chục khách sạn, khu resort hiện đại, đạt chuẩn từ 4 – 5 sao, hiện hữu bên bờ biển bãi Dài. Tại thị xã Ninh Hòa, Khu du lịch Dốc Lết không ồn ào, náo nhiệt như Nha Trang, nhưng lại khiến không ít du khách "mềm lòng" trước vẻ đẹp nguyên sơ và sự yên ả, thâm trầm của một bãi biển dài gần 10km… Gần đây, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có quyết định phê duyệt Đồ án quy hoạch phân khu xây dựng (tỷ lệ 1/2000) Khu du lịch sinh thái đảo Hòn Lớn, với diện tích hơn 10.000ha và Đồ án quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch núi Khải Lương (sát biển) có diện tích trên 4.015ha, đều nằm ở phía Bắc tỉnh, trong Khu kinh tế Vân Phong và thuộc xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh. Đây là cơ sở pháp lý để thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng Khu du lịch sinh thái đảo Hòn Lớn và Khu du lịch núi Khải Lương trong tương lai. Có thể nói, tiềm năng, thế mạnh để làm du lịch biển, đảo hiện diện nhiều nơi ở Khánh Hòa.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội nghề cá Việt Nam, Chủ tịch Hội Bảo vệ môi trường biển, nhận xét: Vùng biển, đảo và vùng ven bờ của Khánh Hòa đa dạng sinh học, tiềm năng bảo tồn thiên nhiên biển cao, đa dạng nguồn tài nguyên thiên nhiên biển; đồng thời có cảnh quan biển, đảo phong phú, là tiền đề cho phát triển đa dạng các ngành, lĩnh vực kinh tế biển, nhất là du lịch biển, đảo.
Ngoài việc khai thác những tiềm năng tự nhiên, những tài sản văn hóa lâu đời, Khánh Hòa còn tạo dựng thêm những sản phẩm du lịch đặc sắc, những hoạt động phục vụ du lịch hiện đại dựa trên những nền tảng giá trị của biển, đảo và văn hóa biển, đảo. Hơn 20 năm qua, tỉnh Khánh Hòa đã cho ra đời và duy trì Festival Biển Nha Trang – Khánh Hòa, được tổ chức định kỳ 2 năm/lần tại thành phố Nha Trang. Festival đề cao những nét đẹp văn hóa truyền thống và đương đại về biển, đảo của Khánh Hòa. Mỗi kỳ Festival đến, du khách lại được hòa mình vào hàng chục hoạt động đậm sắc màu văn hóa biển, đảo của địa phương. Ngoài ra, Khánh Hòa còn có các hoạt động như: Liên hoan Du lịch biển Nha Trang, cuộc đua thuyền buồm quốc tế Hồng Kông – Nha Trang… khiến du khách như đắm mình vào những dòng hải lưu của xứ sở này.
Các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực du lịch cũng chú trọng công tác đầu tư phát triển thêm sản phẩm du lịch mới phục vụ du khách, như: các khu vui chơi, giải trí, lưu trú trên đảo Hòn Tre, Hòn Tằm, đảo Khỉ, đảo Hoa Lan…; các loại hình du lịch tàu biển quốc tế, ngắm hoàng hôn trên du thuyền, đi tàu ngầm du lịch trên vịnh Nha Trang, các sản phẩm du lịch mạo hiểm (đu dây hành trình, dù lượn)...
Phát triển du lịch xanh và bền vững
Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho rằng: Hiện nay, rất nhiều địa phương, điểm đến trên cả nước đã và đang tích cực triển khai thúc đẩy phát triển du lịch xanh. Các dự án du lịch xanh ở Việt Nam thường tập trung vào tối ưu hóa sử dụng tài nguyên tự nhiên, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương và cộng đồng. Du lịch xanh được coi là hướng đi bền vững, đem lại giá trị kinh tế cao, hài hòa với bảo vệ môi trường, bảo tồn các giá trị văn hóa.

Du khách tắm biển trên vịnh Nha Trang. Ảnh Tiên Minh - TTXVN
Thực tế, tỉnh Khánh Hòa gần đây đã có sự định hướng và từng bước thực hiện các chương trình, giải pháp để xây dựng môi trường du lịch xanh và bền vững. Ngoài việc quản lý chặt chẽ hơn trong việc xem xét, đánh giá tác động môi trường để cấp phép đầu tư các dự án du lịch ven biển, thu hồi các dự án có dấu hiện gây ô nhiễm môi trường biển, Khánh Hòa còn triển khai các hoạt động tăng cường bảo vệ hệ sinh thái biển; từng bước trồng lại rừng ngập mặn; phục hồi hệ sinh thái san hô ở vịnh Nha Trang; xây dựng hệ thống xử lý nước thải trước khi cho ra biển, hạn chế việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần; khuyến khích các cơ sở kinh doanh du lịch có hệ thống phân loại rác thải tại nguồn đồng bộ…
Tuy nhiên, du lịch Khánh Hòa vẫn còn đối mặt với những hạn chế nhất định. Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, nhìn nhận: Việc khai thác quá mức tài nguyên du lịch gây ảnh hưởng đến phát triển bền vững. Công tác quản lý, giám sát bảo vệ môi trường tại các khu, điểm du lịch chưa hiệu quả dẫn đến suy thoái, ô nhiễm môi trường. Việc ứng dụng công nghệ 4.0 cho hoạt động du lịch còn chậm. Công tác quản lý điểm đến du lịch chưa chặt chẽ, hiệu quả. Vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm còn bất cập. Nạn chèo kéo, ép giá, kinh doanh du lịch trái phép, quảng cáo sai sự thật... còn xảy ra, gây mất an ninh trật tự và ảnh hưởng đến hình ảnh của du lịch địa phương.
Đây là những vấn đề tồn tại mà tỉnh Khánh Hòa đặt ra để từng bước giải quyết, nhằm hướng đến một môi trường du lịch xanh và bền vững, khi mà du lịch tiếp tục được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn và Khánh Hòa đang phấn đấu trở thành trung tâm du lịch biển quốc gia, có thương hiệu quốc tế, từng bước trở thành một cực tăng trưởng trong khu vực.
Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh gợi ý, Khánh Hòa cần tăng cường công tác quản lý điểm đến, quản lý môi trường du lịch xanh, sạch, đẹp, văn minh; khuyến khích áp dụng các giải pháp sản xuất du lịch "xanh", sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng thân thiện với môi trường và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong hoạt động du lịch. Bên cạnh đó, Khánh Hòa cần kiểm soát việc xả thải, xử lý chất thải, khí thải trong hoạt động du lịch, giảm thiểu tác động với môi trường, đặc biệt môi trường biển, đảo; lồng ghép các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu với các hoạt động phát triển du lịch biển, đảo, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, sự cố môi trường biển đến hoạt động du lịch....