17/04/2025 08:04 GMT+7 | Thể thao
Sự sa sút về thành tích của Taekwondo Việt Nam trên đấu trường ASIAD và Olympic trong hơn 1 thập kỷ vừa qua đã ở mức đáng báo động. Vấn đề này một lần nữa được đề cập tới khi thể thao Việt Nam (TTVN) đang trong thời điểm xây dựng lại nhóm môn trọng điểm nhằm chuẩn bị cho giai đoạn 2030-2045 và đặt ra câu hỏi, làm thế nào để Taekwondo có thể sớm trở lại Olympic?
Taekwondo là môn thế mạnh trong giai đoạn đầu của quá trình hội nhập trở lại với đấu trường quốc tế của TTVN. Thành tích tiêu biểu nhất là tấm HCB của Trần Hiếu Ngân tại Olympic Sydney 2000, đồng thời cũng là tấm huy chương đầu tiên của TTVN tại Thế vận hội. Còn ở ASIAD, Taekwondo cũng là môn đầu tiên đem về tấm HCV cho đoàn TTVN qua thành tích ấn tượng của Trần Quang Hạ tại kỳ Đại hội thể thao châu lục diễn ra vào năm 1994 tại Nhật Bản.
Trong giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2012, Taekwondo thường xuyên có từ 2 đến 3 đại diện góp mặt ở Olympic nhưng con số này sụt giảm mạnh, khi 3 kỳ Thế vận hội gần nhất từ năm 2016 đến 2024 chỉ có duy nhất 1 võ sĩ giành vé. Nguyên nhân của sự sa sút đã được giới chuyên môn chỉ ra, như chậm thích ứng với sự thay đổi về luật và công nghệ, nhiều bất cập trong công tác huấn luyện, cơ chế vận hành thiếu đồng bộ trong bối cảnh các đối thủ có sự vươn lên mạnh mẽ.
"3 kỳ Olympic gần đây Taekwondo Việt Nam không có VĐV hoặc có tham gia nhưng với số lượng vé chính thức rất thấp và không giành huy chương. Chúng ta cũng thấy rằng, nguyên nhân nằm ở việc đầu tư tràn lan và không có định hướng rõ ràng để làm sao tìm ra được nội dung nào phù hợp để Taekwondo có thể đến được đấu trường lớn. Thực tế, chúng ta chỉ có cơ hội ở hạng cân nhỏ nhất của nam và nữ trong chương trình thi đấu Olympic", Chủ tịch Liên đoàn Taekwondo Việt Nam (VTF) Trương Ngọc Để cho biết.
Sau một giai đoạn không gặt hái được thành tích trên đấu trường châu lục và thế giới, Taekwondo không còn nằm trong nhóm môn trọng điểm ưu tiên hàng đầu của thể thao Việt Nam kể từ sau Olympic 2012. Việc thiếu hụt nguồn kinh phí để tập huấn, thi đấu quốc tế nhằm nâng cao trình độ, cùng với nhiều bất cập trong quá trình đào tạo, huấn luyện ở đội tuyển quốc gia khiến các nhà chuyên môn không thể chặn đà sa sút.
Thành tích của Taekwodo Việt Nam ngày càng sa sút trên đấu trường châu lục và thế giới. Ảnh: TTXVN
Các vấn đề này đã được phân tích, đánh giá kỹ lưỡng trong các hội thảo quan trọng của ngành thể thao gần đây, từ đó, nhằm tìm ra giải pháp hiệu quả để Taekwondo có thể sớm tìm lại vị thế trên đấu trường lớn. Trong đó, quan trọng nhất cần có định hướng rõ ràng và tổ chức lại việc huấn luyện đội tuyển quốc gia.
Trao đổi với báo giới nhân Hội thảo góp ý xây dựng Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm tham dự các kỳ Olympic và ASIAD giai đoạn 2026-2046 tại Hà Nội vào cuối tháng 3 vừa qua, Chủ tịch VTF Trương Ngọc Để cho rằng, "Thứ nhất, thay vì phân tán lực lượng ĐTQG ở các địa điểm khác nhau, cần quy tụ lại một nơi và tập trung cao độ cho công tác huấn luyện, nâng cao trình độ. Thứ hai là các giải pháp mà Liên đoàn Taekwondo đã đề xuất sau khi trao đổi, thảo luận cần có sự thống nhất cao và Cục TDTT Việt Nam cần định hướng rõ ràng để phục vụ cho việc Taekwondo quay trở lại đấu trường Olympic".
Về vấn đề kinh phí nhằm hiện thực hóa các mục tiêu trọng điểm của Taekwondo như việc giành huy chương ở ASIAD hay giành suất và tranh chấp thành tích ở Olympic trong giai đoạn tới cần huy động từ nguồn xã hội hóa, thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn ngân sách. "Một số hoạt động xã hội hóa ở môn Taekwondo gần đây đã đem lại hiệu quả, ví dụ như với đội tuyển biểu diễn quyền tham dự một số giải quốc tế và đã giành được huy chương. Để làm tốt ở nội dung đối kháng, cũng cần huy động thêm nguồn kinh phí từ bên ngoài mới đáp ứng đủ các yêu cầu", theo lời ông Để.
Những trăn trở của giới chuyên môn về sự sa sút của Taekwondo hay rộng hơn còn là của nhiều môn thể thao khác đã từng là thế mạnh của thể thao Việt Nam trên đấu trường Olympic. Tìm ra được giải pháp hiệu quả cho vấn đề này, cũng đồng nghĩa với việc sẽ nhen nhóm cơ hội tranh chấp huy chương ở Thế vận hội của thể thao Việt Nam trong giai đoạn đầy thử thách phía trước.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất