Serie A giờ là 'bãi rác' của Premier League

07/01/2015 14:04 GMT+7 | Italy

(Thethaovanhoa.vn) - Hạnh phúc là một chiếc chăn hẹp. Câu sáo ngữ đó thật đúng với Premier League và Serie A, khi người này ấm áp thì kẻ kia phải chịu lạnh lẽo.

Trong quá khứ, từ Serie A, những cầu thủ đã sắp dưỡng già, như Ruud Gullitt hay Laurent Blanc, bị chối bỏ ở Italy, như Gianfranco Zola, hoặc bị đánh giá là một tiềm năng không bao giờ lớn, như Thierry Henry sẽ chuyển sang chơi ở Premier League. Nhưng tình thế đã đảo ngược trong 20 năm qua.

Premier League từng là "bãi rác" của Serie A

Giải Ngoại hạng gần đây đứng trước những thách thức lớn từ khắp châu Âu, khi nhiều người tin rằng Premier League không hấp dẫn và chất lượng bằng La Liga, cũng như không có một đội bóng nào xứng đáng là đối thủ của Bayern Munich. Kết quả thất vọng gần đây của các đại diện xứ sở sương mù ở Champions League càng khiến năng lực của các đội bóng Anh bị nghi ngờ. Trong mùa Hè vừa qua, các ngôi sao đắt giá nhất, tỏa sáng rực rỡ nhất ở World Cup 2014, cũng đã tới Real Madrid và Barcelona, chứ không phải Chelsea hay Man City.

Nhưng nhìn lại hai thập kỷ qua qua, bóng đá Anh hoàn toàn có thể tự hào vì những gì đã làm được và Premier League thật ra vẫn là bến bờ mơ ước, cả về danh vọng lẫn tiền tài, với những tài năng lớn nhất châu Âu và thế giới, mà sự xoay chuyển vận số của giải đấu này với Serie A là bằng chứng hùng hồn nhất.

Tháng 6/1995, Dennis Bergkamp chuyển sang khoác áo Arsenal sau 2 mùa giải khó khăn với Inter Milan. Khoảng thời gian của cầu thủ tấn công tài hoa người Hà Lan tại Serie A tồi tệ tới mức một tờ báo ở Italy đã đặt lại tên giải thưởng chế nhạo của họ: “Con lừa của vòng đấu” thành “Bergkamp của vòng đấu”.

Khi Bergkamp ra đi, ông chủ Inter Massimo Moratti tiên đoán anh sẽ không ghi được tới 10 bàn cho Arsenal. Moratti đã phải liếm sạch những gì ông nhổ ra, khi Bergkamp tỏa sáng rực rỡ và trở thành một trong những cầu thủ được yêu mến nhất, không chỉ ở Highbury, mà cả Premier League. Nhưng ngay cả như thế, anh là bằng chứng sống của thế kỷ trước cho thấy nếu một ngôi sao không thể thành công ở Italy, thì anh mới nghĩ tới nước Anh.

Không được đá chính ở Arsenal, Podolski đành chạy sang Serie A

Bối cảnh bóng đá châu Âu khi đó là như thế. Serie A là số 1. La Liga vẫn là nơi thống trị của Barca và Real Madrid. Bundesliga cũng chỉ có mỗi Bayern. Các CLB Anh, dù khá đồng đều, phải chịu vị thế chiếu dưới, “bãi rác” của các cầu thủ bị giải vô địch Italy từ chối hoặc đã sắp hết thời. Cũng vào năm Bergkamp gia nhập Arsenal, Ruud Gullit, đã 32 tuổi, tới Chelsea theo dạng chuyển nhượng tự do sau những chấn thương dai dẳng ở AC Milan và Sampdoria. 6 năm sau, tới lượt Laurent Blanc, đã 36 tuổi, chuyển sang Man United và vẫn còn chơi được 2 năm ở đó.

Ngược lại, tiền vệ trung tâm Paul Ince, đang ở đỉnh cao sự nghiệp ở tuổi 27 và là một trong những tiền vệ thông minh nhất bóng đá Anh từng sản sinh ra, rời Man United và chuyển đến Inter Milan.

Thay thời đổi vận

Hai thập kỷ sau, tình hình hoàn toàn thay đổi. Lukas Podolski không thể có chỗ trong đội 1 Arsenal, muốn ra đi. Anh sẽ đi đâu? Inter Milan. Tuyển thủ Đức vừa tới Serie A theo hợp đồng cho mượn có kèm điều khoản mua đứt trị giá 5 triệu bảng. Tương tự, Nemanja Vidic đã đợi tới gần sinh nhật 33 tuổi của mình mới chuyển từ Manchester United tới San Siro. Một ví dụ còn cực đoan hơn: Adel Taarabt, không thể có suất đá chính ở Queens Park Rangers, chuẩn bị có mùa giải thứ 2 chơi ở AC Milan theo dạng cho mượn.

Sự sa sút của những gã khổng lồ Milan ở Serie A, AC Milan đang đứng thứ 7 và Inter thứ 11 sau kỳ nghỉ Đông, là lý do quan trọng, nhưng không chỉ có họ mới nhận “hàng thải” từ Premier League. Ashley Cole đã chơi những năm tháng xuất sắc nhất ở Premier League và dù thậm chí không được gọi vào ĐT Anh dự World Cup, đang là một cầu thủ quan trọng ở Roma.

Tương quan bóng đá Italy - Anh đã bị đảo ngược. Real Madrid, Barcelona và Bayern Munich có thể đang là những ông chủ ở châu Âu hiện giờ, nhưng trong bối cảnh tổng thể, các CLB Anh không hề thua kém ai.

0 Dù đã đưa về 7 cầu thủ từ Premier League trong 2 mùa chuyển nhượng gần nhất, các CLB Serie A không bỏ ra một xu nào. Tất cả những cầu thủ đó đều là mượn hoặc chuyển nhượng tự do.

260 Serie A chi ra 260 triệu bảng cho chuyển nhượng trong mùa Hè, so với 835 triệu bảng của Premier League.

530 Riêng số tiền chi cho các ngoại binh của Premier League, 530 triệu bảng, gấp hơn 2 lần tổng số tiền chi chuyển nhượng của các đội Serie A.


Trần Trọng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm