25/02/2025 07:56 GMT+7 | Thể thao
Thông tin mới nhất của ngành thể thao cho biết môn leo núi thể thao sẽ không được đưa vào chương trình Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ X-2026 và chúng ta sẽ không dự môn này tại SEA Games 33-2025, nơi lần đầu tiên môn thể thao kết hợp giữa tốc độ và sự mạo hiểm trở lại kể từ lần tổ chức đầu tiên ở SEA Games 2011.
Có một điều thú vị đó là Việt Nam từng có chiếc HCB ở nội dung leo núi tốc độ tại SEA Games 2011 tổ chức tại Indonesia, do công của Phan Thanh Niên, người nổi tiếng với 2 lần chinh phục đỉnh Everest. Thú vị hơn nữa, giai đoạn 2011-2015 môn thể thao có cái tên quen thuộc là "leo tường" này có sự phát triển khá sôi động ở các đô thị lớn vì gần gũi với giới trẻ. Nhưng bằng một cách nào đó, môn này hiện đã "biến mất" tại Việt Nam.
Môn leo núi thể thao được đưa vào chương trình chính thức tại ASIAD 2 kỳ gần nhất (2018, 2022) và ở Olympic Paris 2024 vừa qua, nó cũng đã xuất hiện chính thức với 4 bộ huy chương. Indonesia đã giành 1 HCV ở môn này do công Veddriq Leonardo, người từng 3 lần vô địch thế giới. Đây là chiếc HCV Olympic đầu tiên của thể thao Indonesia ngoài cầu lông.
Trên thực tế, Indonesia là "cường quốc" leo núi thể thao sau khi họ cùng một số quốc gia châu Á khác tiếp cận môn thể thao có nguồn gốc châu Âu này từ thập niên 2000. Dù xuất phát muộn, nhưng do phù hợp với thể hình nên chỉ trong thời gian ngắn, các VĐV châu Á đã tiến chiếm nhiều vị trí hàng đầu của leo núi thể thao thế giới. Tại Paris 2024, có 3 đoàn châu Á (Indonesia, Nhật Bản, Trung Quốc) góp mặt trong 8 đoàn có huy chương.
Tất nhiên, việc leo núi thể thao không phổ biến tại Việt Nam đến từ nhiều nguyên nhân, chủ yếu là do có quá ít cơ sở tập luyện và thi đấu. Nhưng không thể không tiếc cho một môn thể thao mà chúng ta có tiềm năng phát triển lại không được đầu tư đúng mức. Còn nhớ tại SEA Games 2011, đội tuyển leo núi dựng tường tập luyện tại nhà thi đấu Phan Đình Phùng – TP.HCM trong một thời gian không dài, rồi sau đó dự SEA Games theo mô hình xã hội hóa nhưng lại có thành tích ấn tượng. Khi đó, môn này cũng đang có hiệu ứng xã hội tốt, thế rồi …
Môn thể thao leo núi nhân tạo có tiềm năng phát triển rất lớn. Ảnh: vtv.vn
Ở SEA Games 32 vừa qua, dù cử lực lượng đông đảo nhất cho một kỳ SEA Games ở nước ngoài, nhưng TTVN chỉ có 2 đoàn tham dự theo mô hình tự túc kinh phí là E-sports và khiêu vũ thể thao, đây đều là các môn mà chúng ta có thế mạnh. Điều này cho thấy tiến trình xã hội hóa thể thao của chúng ta không chỉ chậm, mà còn không được nhìn nhận đúng mức để có sự quan tâm từ cơ quan quản lý.
Thông thường các môn dự SEA Games qua đường xã hội hóa lại có tiềm năng phát triển tốt. Đơn giản là nếu không thấy có cơ hội thành tích thì chẳng ai muốn bỏ tiền một cách lãng phí để… dự cho vui. Nhưng cứ lấy sự biến mất của leo núi thể thao thì sẽ thấy rằng nếu chúng ta cứ "khoán" hết mọi việc cho xã hội thì triển vọng phát triển sẽ khó mà bền vững. Nói gì thì nói, muốn xã hội hóa tốt thì cần nhận được sự hỗ trợ cơ chế, chính sách, chiến lược phải đến từ cơ quan quản lý và những đơn vị liên quan.
Thể thao thế giới đang mở rộng, thậm chí có phần ưu ái các môn thể thao mới, có tính mạo hiểm cao và gần gũi với giới trẻ, tiêu biểu như xe đạp đường phố BXM, ván trượt, e-sports, street dance, leo núi thể thao...
Đa số các môn này lại phù hợp với tố chất của VĐV châu Á do sự vươn lên về kinh tế xã hội của lục địa này. Nhiều quốc gia châu Á và cả Đông Nam Á cũng tập trung đầu tư, vì bên cạnh những nội dung thi có liên quan đến hạng cân thấp, thì chính các môn mới này là cơ hội huy chương không thể bỏ qua…
Tiếc là ngoài sự mờ nhạt của thể thao học đường, thì các môn thể thao đô thị gắn liền với đời sống xã hội cũng đang thiếu sự quan tâm đúng mức ở Việt Nam.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất