Moyes có dám dùng 100 triệu mua Ronaldo?

07/06/2013 07:44 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - 11 năm quanh quẩn ở một công ty nhỏ. Giờ đột nhiên nắm trong tay số phận của một tập đoàn xuyên quốc gia. Choáng, sốc và có phần run sợ?

Từ Everton đến M.U, HLV Moyes có chịu nổi sức ép?

David Moyes cần rất nhiều bản lĩnh, can đảm và thời gian để thích nghi với tầm cỡ của M.U.

1. Suốt mùa Hè này, thông tin David Moyes muốn đưa Cristiano Ronaldo trở lại Old Trafford liên tục xuất hiện. Vấn đề đặt ra là nếu được BLĐ M.U cấp số tiền khổng lồ, Moyes có dám mua Ronaldo?

Để mua Ronaldo, cần tối thiểu 60 triệu bảng cho phí chuyển nhượng. Cần thêm chừng đó tiền để trả lương Ronaldo cho bản hợp đồng có thời hạn 4 năm. Vậy ít nhất là 120 triệu bảng.

Với Moyes, số tiền đó lớn chừng nào? Một thống kê: Trong 11 năm dẫn dắt Everton, tổng số tiền mà Moyes sử dụng để mua cầu thủ (không trừ tiền bán cầu thủ) là 121 triệu bảng.

Vụ chuyển nhượng đắt kỷ lục mà ông thực hiện là Marouane Fellaini từ Standard Liege vào mùa Hè 2008, với giá 15 triệu bảng. Số tiền đó là không đủ để mua Wilfried Zaha (17 triệu bảng), bản hợp đồng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Zaha chỉ là một tài năng trẻ, là giải pháp cho tương lai. Rất khó để Zaha đi thẳng vào đội hình chính của M.U mùa tới. Không loại trừ khả năng anh bị đẩy ngược cho Crystal Palace mượn tiếp.

Những bản hợp đồng trên 10 triệu bảng đã là "bom tấn" với Everton của Moyes. Ở M.U, ông cần phải làm quen với tình trạng cả đội hình, vị trí nào cũng có giá trên 20 triệu bảng.

Tất nhiên, ai cũng thích... tiêu nhiều tiền. Vấn đề là có dám chi và chịu nổi trách nhiệm về "món hàng" mà mình đã mua hay không.

Khi chi ra 120 triệu bảng cho một cầu thủ như Ronaldo, Moyes có lẽ mất ăn mất ngủ nhiều đêm liền và lo sốt vó về màn trình diễn của siêu sao người Bồ trong từng trận đấu. Nếu Ronaldo thi đấu nhạt nhòa, Moyes sẽ bị chỉ trích khủng khiếp. Nên nhớ rằng, Ronaldo từng đoạt Quả bóng vàng trong màu áo M.U, khi được dẫn dắt bởi HLV Alex Ferguson.

2. Thực ra, Everton không hề là đội bóng "làng". Họ thuộc nhóm "ngũ đại gia" quyết định sự ra đời của Premier League vào năm 1992, cùng với Liverpool, Tottenham, Arsenal và chính M.U. Trước kỷ nguyên Premier League, thành tích của Everton chẳng kém gì M.U. Họ đã 9 lần vô địch nước Anh (hơn M.U 2 lần), đoạt 5 Cúp FA và là nhà vô địch Cúp C2 năm 1985.

Nhưng khi Moyes được bổ nhiệm làm HLV vào năm 2002, Everton đang vật lộn trong cuộc chiến trụ hạng. Ông từng bước giúp Everton tiến lên, mà đỉnh cao là xếp thứ 4 ở mùa 2004-05. Những mùa gần đây, Everton thường có mặt ở tốp 6, tốp 7 - thành tích rất tốt đối với tiềm lực của họ.

Nhưng từ tốp 6 (không bắt buộc) đến ngai vàng Premier League (bắt buộc) là cả một khoảng cách xa vời vợi. Từ Everton lên M.U, khoảng cách là rộng mênh mông. Có thể ở Everton, David Moyes đã đảm nhiệm những công việc mà Sir Alex đã làm ở M.U. Nhưng làm tốt ở Everton không có nghĩa là thành công ở M.U.

Trong ngày bổ nhiệm David Moyes, Sir Alex từng nói rằng: "Vấn đề lớn nhất đối với David là cậu ấy chưa hình dung được M.U lớn cỡ nào".

Một ví dụ nho nhỏ: M.U đã mất đến 100 triệu bảng trên sàn chứng khoán trong ngày Sir Alex Ferguson tuyên bố nghỉ hưu.

Đó là điều mà David Moyes chưa từng trải qua. Sự khác biệt về sức ép là rất lớn.

3. Thừa kế chiếc ghế của HLV vĩ đại như Sir Alex là điều mà không phải ai cũng dám làm. Nhảy vọt từ Everton lên M.U là thách thức mà không phải ai cũng dám đương đầu.

Moyes không hề nhút nhát. Ông can đảm và lì lợm hơn nhiều so với vẻ bề ngoài của mình. Chỉ vài ngày sau khi được bổ nhiệm dẫn dắt M.U, ông đã "giải tán" hàng loạt trợ lý của Sir Alex, dùng chính ê kíp của mình.

Sẽ là cực kỳ ấn tượng nếu ông dám dùng cả 100 triệu bảng để mua sắm lực lượng ở kỳ chuyển nhượng mùa Hè này.

Đức Lộc
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm