11/10/2014 06:15 GMT+7 | Trong nước
Ủy ban Nobel Na Uy nói rằng 2 người đã “đấu tranh chống lại tình trạng áp bức trẻ em và người trẻ, đòi quyền giáo dục cho tất cả trẻ em trên thế giới”.
Người trẻ nhất từng đoạt giải Nobel
Ở tuổi 17, Malala Yousafzai là người trẻ nhất từng nhận giải Nobel. Cô được tôn vinh vì đã nỗ lực đòi quyền được giáo dục cho các bé gái, dù việc này khiến bản thân gặp nguy hiểm. Trong khi đó Satyarthi, 60 tuổi, đã duy trì truyền thống đấu tranh bất bạo động của Mahatma Gandhi. Ông lãnh đạo nhiều cuộc biểu tình tập trung vào vấn nạn lạm dụng trẻ em để thu lợi tài chính.
Ủy ban Nobel nói rằng đây là sự kiện đáng nhớ, khi “một người theo Hindu giáo và một người theo Hồi giáo, một người quốc tịch Pakistan và người kia mang quốc tịch Ấn Độ, cùng nhau chung sức đấu tranh cho giáo dục và chống chủ nghĩa cực đoan”.
Hãng tin AP nói rằng Malala mới chỉ 11 tuổi khi cô bắt đầu đấu tranh cho quyền được giáo dục của các bé gái và không ngại lên truyền hình để thể hiện quan điểm của mình. Các tay súng Taliban sau đó đã đánh chiếm quê nhà cô ở Mingora, khủng bố người dân và đe dọa cho nổ các trường học dành cho nữ sinh. Taliban còn yêu cầu các giáo viên và học sinh phải mặc áo choàng quấn kín thân thể.
Ngày 9/10/2012, một tay súng Taliban đã lên chiếc xe buýt trường học chở Malala và nổ súng bắn thẳng vào đầu cô. Malala sống sót chỉ nhờ may mắn, do viên đạn không đi vào não cô và nhờ sự can thiệp kịp thời của các bác sĩ Anh đang ở thăm Pakistan. Sau đó cô đã được chuyển tới Anh để điều trị tại Bệnh viện Nữ hoàng Elizabeth. Dù phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật, Malala đã hồi phục thần kỳ. Malala hiện đang sống cùng cha, mẹ và 2 em trai ở Birmingham. Ngoài giải Nobel, cô đã được trao tặng nhiều giải thưởng nhân quyền, gồm Giải Sakharov Nghị viện châu Âu.
Trong khi đó, Satyarthi đã ở tuyến đầu của một phong trào toàn cầu, nhằm chấm dứt tình trạng nô lệ trẻ em và lạm dụng lao động trẻ em. Ông đã từ bỏ sự nghiệp của một kỹ sư điện để tham gia phong trào này kể từ những năm 1980.
Là một nhà hoạt động đi lên từ phong trào quần chúng, ông đã giúp dẫn tới việc giải cứu hàng ngàn lao động trẻ em. Ông cũng phát triển một mô hình thành công trong việc giáo dục và tái hòa nhập xã hội những đứa trẻ bất hạnh này.
Những người lỡ hẹn với giải hòa bình
Việc Malala và Satyarthi giành giải Nobel Hòa bình đã khiến các nhân vật nặng ký khác như Giáo hoàng Francis phải gia nhập một danh sách dài những người được công chúng ưa chuộng, nhưng không chiến thắng.
Trong danh sách này, đáng chú ý nhất là Mahatma Gandhi của Ấn Độ. Ông là một trong những người được đề cử giải Nobel Hòa bình nhiều nhất, gồm các năm 1937, 1938, 1939, 1947 và cuối cùng là 1948, chỉ vài ngày trước khi bị ám sát, nhưng chưa từng đoạt giải.
Ban đầu Ủy ban Nobel định truy tặng giải Nobel cho ông. Nhưng sau đó Ủy ban lại quyết định không trao giải cho ai cả. Họ nói rằng “không có ứng viên đang còn sống phù hợp để trao giải”. Nhiều người đánh giá lời giải thích có nghĩa năm đó Gandhi đã giành giải.
Ủy ban Nobel Hòa bình nổi tiếng vì hay đưa ra các lựa chọn gây kinh ngạc. Năm 2009, họ khiến dư luận “há hốc mồm” vì trao giải cho Barack Obama, năm đầu tiên ông ngồi ghế Tổng thống Mỹ, trong khi nhiều người đã tưởng trong năm đó bà Sima Samar sẽ được trao giải, vì nỗ lực đấu tranh cho nữ quyền ở Afghanistan và thế giới.
Một nhân vật đáng chú ý khác là Cesar Chavez, người Mỹ. Ông đã được Ủy ban dịch vụ những người bạn Mỹ đề cử giải Nobel Hòa bình 3 lần, vào năm 1971, 1974 và 1975. Xuất thân là một nông dân, Chavez đã tham gia thành lập nhóm Các lao động trang trại đoàn kết. Nhóm này đấu tranh đòi công bằng thu nhập và cải thiện điều kiện lao động thông qua các cuộc tuần hành phi bạo lực, các cuộc tẩy chay và tuyệt thực.
Chavez qua đời vào đầu những năm 1990, nhưng di sản của ông tiếp tục sống mãi. Ông được cho là người khai sinh ra câu nói nổi tiếng "Sí, se puede", tiếng Tây Ban Nha dịch ra có nghĩa “Vâng, chúng tôi có thể”. Câu nói này về sau đã được ông Obama sử dụng trong chiến dịch tranh cử Tổng thống hồi năm 2008.
Thông qua việc nêu lên vấn đề quyền trẻ em, năm nay Ủy ban Nobel Hòa bình đã mở rộng định nghĩa của giải thưởng. Thời kỳ đầu, giải hòa bình thường chỉ được trao cho các nỗ lực nhằm chấm dứt hoặc ngăn chặn các cuộc xung đột vũ trang.
"Điều kiện tiên quyết cho sự phát triển toàn cầu một cách hòa bình là tôn trọng quyền của trẻ em và người trẻ” - Ủy ban Nobel Hòa bình nói – “Trong các khu vực còn xảy ra nhiều xung đột, tình trạng vi phạm quyền trẻ em đã dẫn tới việc bạo lực tiếp diễn từ thế hệ này sang thế hệ khác”.
Tường Linh (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa
Ngày 13/1, cơ quan chức năng thông tin, ba đối tượng tham gia đánh hội đồng tài xế taxi tại phường Hưng Định (thành...
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất