Quốc hội đề xuất nâng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp lên 65%

07/05/2025 13:47 GMT+7 | Tin tức 24h

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng 7/5, đại biểu Quốc hội đã nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật này.

Thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng

Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày cho thấy, đến nay, về cơ bản, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) trình Quốc hội đã bảo đảm đúng mục tiêu sửa đổi Luật, không có nội dung lớn còn ý kiến khác nhau giữa Cơ quan chủ trì soạn thảo, Cơ quan chủ trì thẩm tra và các cơ quan liên quan. Dự thảo Luật sau khi được rà soát, tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện bao gồm 8 chương, 58 điều (giảm 1 chương và 36 điều so với dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8).

Về thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp không được bảo lưu, có nhiều ý kiến đề nghị bỏ quy định thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng thì không được bảo lưu để tính hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo.

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV: Đề xuất nâng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp lên 65% - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Phương Hoa – TTXVN

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, nội dung này không có trong quy định của Luật hiện hành mà được quy định tại Thông tư số 15/2023/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2023 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Dự thảo Luật khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 đã bổ sung nội dung này. Trên tinh thần đổi mới tư duy trong công tác xây dựng luật, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý theo hướng không quy định nội dung này trong dự thảo Luật.

Nhìn nhận dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) là cơ hội để cụ thể hóa các chủ trương lớn của Đảng trong Nghị quyết 57-NQ/TW về khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân; và Nghị quyết 18-NQ/TW về sắp xếp, tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị, theo đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, thể chế hóa đầy đủ những định hướng này trong luật sẽ tạo động lực mạnh mẽ phát triển thị trường lao động hiện đại, bền vững, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Quốc hội đề xuất nâng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp lên 65% - Ảnh 2.

Ứng dụng công nghệ trong xây dựng mạng lưới viễn thông hiện đại. Ảnh: TTXVN phát

Theo ông, một số nội dung trong chủ trương của Đảng chưa được thể chế hết. Vai trò kinh tế tư nhân trong tạo việc làm chưa được nhấn mạnh tương xứng. Dù có chính sách vay vốn, luật chưa nêu rõ khu vực tư nhân là động lực chính của tăng trưởng việc làm.

"Khu vực tư nhân hiện thu hút khoảng 82% lực lượng lao động, mục tiêu đến 2030 đạt 84-85%. Nếu luật không tạo môi trường thuận lợi, bình đẳng hơn cho kinh tế tư nhân, chúng ta khó đạt mục tiêu đó; tốc độ tạo việc làm mới sẽ chậm lại, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế", đại biểu Khải phân tích.

Ông cũng cho rằng, định hướng đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số chưa được cụ thể hóa thành cơ chế, chương trình rõ ràng. Dự luật thiếu quy định hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đào tạo kỹ năng số cho người lao động. "Điều này có thể khiến Việt Nam tụt hậu, người lao động lỡ cơ hội việc làm mới và doanh nghiệp trong nước khó cạnh tranh".

Ngoài ra, dự thảo chưa đề cập cơ chế phối hợp liên ngành hiệu quả trong triển khai chính sách việc làm. Thiếu phối hợp đồng bộ dễ dẫn đến chồng chéo hoặc bỏ sót trách nhiệm, làm giảm hiệu lực thực thi.

Đại biểu này đề xuất bổ sung nội dung: "Ưu tiên hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân là động lực chính trong tạo việc làm bền vững" tại Điều 4 khoản 1, nhằm nhấn mạnh vai trò của kinh tế tư nhân trong tạo việc làm bền vững và khẳng định cam kết của Nhà nước về môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng. Đồng thời mở rộng chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp tạo nhiều việc làm, giao Chính phủ quy định cụ thể các hỗ trợ tương ứng; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; hoàn thiện cơ chế thực thi; xây dựng lộ trình triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về người lao động, bảo đảm chuyển đổi số đồng bộ, hiệu quả.

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV: Đề xuất nâng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp lên 65% - Ảnh 2.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn Hà Sỹ Huân phát biểu. Ảnh: Phương Hoa – TTXVN

Liên quan đến mức hưởng trợ cấp thất nghiệp, dự thảo Luật quy định mức hưởng hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp gần nhất trước khi chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc chấm dứt làm việc nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương tối thiểu tháng theo vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại tháng cuối cùng đóng bảo hiểm thất nghiệp. Nhìn về quy định này, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng mức hưởng này là thấp, khó bảo đảm mức sống tối thiểu trong bối cảnh mất thu nhập hoàn toàn, đặc biệt trong các thời kỳ suy thoái kinh tế, dịch bệnh, thiên tai, khi khả năng tìm việc mới giảm mạnh.

Cho biết, theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), mức hưởng trợ cấp thất nghiệp lý tưởng là 65 - 75% thu nhập bình quân, nhiều nước như Hàn Quốc, Đức, Nhật Bản đang ở mức 66 – 70%, đại biểu Bình kiến nghị dự thảo Luật sửa đổi theo hướng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 65% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp. Trường hợp khủng hoảng kinh tế, dịch bệnh quy mô lớn thì Chính phủ được phép nâng mức hưởng lên tối đa 75%.

Cán bộ, công chức, viên chức cũng có thể thất nghiệp khi thực hiện tinh gọn bộ máy

Băn khoăn về quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 40 về điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp khi chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc chấm dứt làm việc theo quy định của pháp luật trừ các trường hợp người lao động nghỉ việc khi đủ điều kiện hưởng lương hưu, theo đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương), trên thực tế, nhiều trường hợp người lao động đã đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng mức lương hưu theo quy định tại Điều 64 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, song chưa đến tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động nhưng vì lý do khách quan phải thôi việc như ốm đau, bệnh tật, tuy nhiên vẫn không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Đối với các trường hợp này cũng nên xem xét cho người lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp với thời gian hưởng theo quy định nhằm giúp người lao động có chi phí trị bệnh trong thời gian chờ lương hưu.

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV: Đề xuất nâng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp lên 65% - Ảnh 3.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh Thạch Phước Bình phát biểu. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Về đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp (khoản 1, Điều 33), đại biểu Trân cho rằng, trước tình hình bộ máy hành chính nhà nước đang thực hiện sắp xếp, tinh gọn hướng tới hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đồng thời trong thời gian tới nghiên cứu xem xét bỏ quy định về "biên chế suốt đời" sẽ dẫn đến tình trạng nhiều cán bộ, công chức, viên chức có khả năng mất việc nếu không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Do đó, để góp phần bảo đảm chính sách về bảo hiểm thất nghiệp được mở rộng, bao phủ đến nhiều đối tượng, góp phần bảo đảm công bằng trong tiếp cận an sinh xã hội, đồng thời khuyến khích cán bộ nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, đại biểu đề nghị xem xét bổ sung đối tượng được tham gia bảo hiểm thất nghiệp là cán bộ, công chức, viên chức. Đây là bước đi chủ động của Nhà nước trong bảo vệ người lao động khu vực công trong điều kiện mới.

Theo đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị), dự thảo Luật này cần điều chỉnh tất cả mọi đối tượng là người lao động trong độ tuổi và kể cả ngoài độ tuổi, người lao động trong khu vực doanh nghiệp công và tư, kể cả cán bộ, công chức, viên chức. Bản thân đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng là người lao động và cũng có thể thất nghiệp khi thực hiện tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, họ cũng cần được pháp luật bảo vệ và được thực hiện các chính sách liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp, vì những lý do nào đó, mặc dù vẫn có khả năng lao động nhưng họ vẫn phải rời khỏi công vụ.

Chu Thanh Vân/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm