Phở khô, đặc sản Phố Núi danh bất hư truyền

01/11/2016 10:55 GMT+7 | Ẩm thực

(Du lịch - Thethaovanhoa.vn) - Phở nước thì đã quá quen thuộc rồi còn phở khô bạn đã thử chưa? Đó là món ngon tuyệt hảo ở phố núi Pleiku và cũng đã phát triển thương hiệu xuống cả Sài Gòn.


Ở Pleiku có hai thương hiệu phở khô nổi tiếng nhất là phở khô Ngọc Sơn, một tại quán cũ ở 15 Nguyễn Thái Học, một ở đầu dốc cầu Hội Phú do hai con trai của ông Nguyễn Văn Phan mở và phở Hồng do con gái ông Nguyễn Thành Mỹ là chị Hồng mở ở số 22-24 đường Nguyễn Văn Trỗi, thành phố Pleiku.

Riêng phở khô Hồng ở Gia Lai đã phát triển thương hiệu xuống cả thị trường ẩm thực Sài Gòn và hiện có 2 cơ sở ở Sài Gòn là 71 đường Cửu Long, phường 15, quận 10 và 114 Phan Xích Long, phường 3, quận Phú Nhuận.


Ông Nguyễn thành Mỹ là người phát minh ra Phở Khô Gia Lai, là người đầu tiên bán phở Khô ở Gia Lai với quán Đại Hưng nổi tiếng. Sau khi chị Hồng kế nghiệp cha đã đổi tên quán thành phở Hồng. Còn ông Nguyễn Văn Phan bán phở khô gà từ những năm cuối của thập niên 1960 lúc đầu lấy tên quán là Á Đông, sau đổi tên quán thành Ngọc Sơn.

Phở khô Gia Lai còn được gọi là “Phở hai tô” vì nó bao gồm 1 tô phở khô và 1 tô nước dùng đi kèm. Vào quán, bạn có gọi: “cho một tô phở khô” thì người ta vẫn cứ bưng cho bạn hai tô. Một tô đựng bánh phở làm từ bột gạo xay(ngày nay thường dùng sợi miến Dong hơn). Bánh phở khi trụng nóng để làm phở không khô cứng như mường tượng mà còn mềm dai, nên cũng như phở tươi, bánh phở khô làm hôm nào phải bán hết hôm đó, để qua đêm là thiu chua ngay.


Chỉ có Phở Khô Gà người ta mới bày thịt hoặc lòng gà xé hay xắt nhỏ lên bánh phở, còn nếu dọn với thịt bò tái, xương heo, bò viên thì các thành phần này nằm trong tô thứ hai. Rưới lên trên cùng là nước béo lẫn với thịt heo bằm nhỏ hoặc tóp mỡ, thế là xong tô thứ nhất. Tô thứ hai để đựng nước lèo được ninh từ xương gà, xương bò, lửa riu riu, hớt bọt kỹ bảo đảm để nước trong, chỉ nêm nếm với muối và bột ngọt, không có một loại gia vị nào nữa.


Ngập trong tô nước lèo là thịt bò tái, xương heo, hoặc bò viên. Nổi trên mặt bây giờ mới là hành ngò xắt nhỏ. Rau ăn kèm với Phở Khô Gia Lai cũng đơn giản chỉ có xà lách, húng quế và giá. Ăn Phở Khô Gia Lai phải đúng quy trình mới cảm nhân hết cái ngon của nó, Bạn gia giảm mặn nhạt bằng tương nâu làm từ đậu nành và đường vàng, cùng xì dầu.


Khi ăn, cho tóp mỡ, rau giá, xà lách… lên trên rồi cho tương vào, trộn đều các thành phần lên rồi từ từ thưởng thức. Sợi phở khô khá đặc biệt, dù được làm từ bột gạo nhưng không mềm và dẹp như bánh phở thông thường mà có dáng tròn, mảnh và hơi dai. Nhờ vậy mà khi trộn đều lên, sợi phở rất dễ thấm gia vị nhưng không bị nát.


Trăm nghe không bằng một…nếm. Nếu có dịp đến Pleiku hay vào Sài Gòn, bạn đừng quên tìm đến phở khô Ngọc Sơn hoặc phở khô Hồng Gia Lai danh bất hư truyền để thưởng thức món ăn được coi là một trong những tinh hoa ẩm thực của phố Núi này.

XZ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm