29/04/2025 15:02 GMT+7 | Tin tức 24h
Sáng 29/4, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã có cuộc làm việc về công tác chuẩn bị Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) năm 2025.
Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 là kỳ thi đầu tiên được tổ chức theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Theo đó, ngay từ năm 2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị từ sớm, từ xa các hệ thống văn bản, các quy trình tổ chức để chỉ đạo chung, các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương công tác tổ chức thi tại địa phương.
Về lịch thi tổ chức thi, công tác coi thi sẽ diễn ra vào các ngày 25, 26, 27/6/2025; trong đó ngày 25/6 là ngày làm thủ tục dự thi, 26 và 27/6 là các ngày thi chính thức, 28/6 là ngày dự phòng. Công tác chấm thi được thực hiện theo kế hoạch chung từ ngày 29/6 đến ngày 14/7/2025; công bố kết quả thi vào 8 giờ ngày 16/7/2025 tại Bộ Giáo dục và Đào tạo và tại 63 tỉnh, thành phố (Sở Giáo dục và Đào tạo).
Về môn thi, đối với thí sinh thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (dự kiến trên 1,1 triệu thí sinh), tổ chức kỳ thi gồm 3 buổi thi, trong đó 1 buổi thi môn Ngữ văn, 1 buổi thi môn Toán và 1 buổi thi của bài thi tự chọn gồm 2 môn thi trong số các môn: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ (Công nghiệp, Nông nghiệp), Ngoại ngữ (Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung, Tiếng Đức, Tiếng Nhật và Tiếng Hàn).
Phó Thủ tướng Lê Thành Long phát biểu. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN
Đối với thí sinh học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006 (dự kiến gần 25 ngàn thí sinh), tổ chức gồm 5 bài thi theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2006 gồm: Ngữ văn; Toán; Khoa học tự nhiên (Vật lí, Hóa học, Sinh học), Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân) và Ngoại ngữ. Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, mỗi thí sinh phải dự thi 4 bài thi gồm có Ngữ Văn, Toán, Ngoại ngữ và 1 bài thi Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội; tổ chức thi 4 buổi thi như những năm trước.
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 là kỳ thi lớn với sự tham gia của hơn 1,1 triệu thí sinh trên khắp 63 tỉnh/thành phố; đồng thời, tổ chức thi theo hai chương trình giáo dục phổ thông. Công tác tổ chức thi có sự phối hợp của cán bộ, giáo viên ngành giáo dục, lực lượng công an, quân đội, y tế, điện lực...
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh mục tiêu "2 giảm" là giảm áp lực và giảm tốn kém cho xã hội nhưng vẫn bảo đảm chất lượng đề ra. Tính chất kỳ thi năm nay đặc biệt quan trọng, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ nỗ lực bảo đảm kỳ thi an toàn, nghiêm túc, khách quan, đúng quy chế, hiệu quả.
Về một số điểm cần lưu ý trong triển khai kỳ thi, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, Kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức vào tháng 6, tại 3 miền đất nước, nên yếu tố về thời tiết cần được quan tâm.
Một điểm đáng chú ý của kỳ thi năm nay là thời điểm tổ chức Kỳ thi trong bối cảnh cả nước đang thực hiện việc sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Do đó cần đặc biệt quan tâm, tập huấn kỹ càng cho những người tham gia tổ chức thi, bao gồm cả nhân sự dự phòng; kịp thời thay đổi công tác nhân sự khi có sự điều động, luân chuyển do việc sáp nhập.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng phát biểu. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN
Tại cuộc họp, đại diện Bộ Công an cho biết, Công an cấp huyện các năm trước tham gia vào việc hỗ trợ bảo đảm an ninh an toàn kỳ thi ở các địa phương nay đã chuyển về cấp tỉnh và cấp xã. Do đó, công tác đảm bảo an ninh, trật tự cho kỳ thi sẽ được triển khai phù hợp với tổ chức lực lượng Công an tại địa phương.
Vừa qua ngành Giáo dục và Công an đã phối hợp tổ chức tập huấn về thi tốt nghiệp THPT năm 2025 cho các Sở Giáo dục và Đào tạo, các Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an các tỉnh/thành phố để quán triệt quy chế thi, tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi; tập huấn sử dụng các hệ thống phần mềm phục vụ công tác tổ chức thi. Tại buổi tập huấn, các tình huống, vấn đề phát sinh trong những năm trước đây đều đã được tổng hợp và hướng dẫn chi tiết cách thức xử lý đến các sở.
Về đảm bảo an ninh, trật tự cho kỳ thi, đại diện Bộ Công an cho biết, hiện tình hình sử dụng công nghệ cao để gian lận thi cử diễn biến rất phức tạp. Những năm gần đây, lực lượng Công anđã triệt phá nhiều đường dây mua bán thiết bị nghe siêu nhỏ gắn trong tai để thực hiện gian lận. Ngoài ra, gần đây trên thế giới cũng đã phát hiện trường hợp sử dụng AI để gian lận thi cử. Vì vậy lực lượng Công an đã tập trung các giải pháp để tăng cường đảm bảo an ninh, trật tự cho kỳ thi. Bên cạnh đó làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến với thí sinh và phụ huynh, nhất là về vấn đề học sinh, thí sinh làm lộ lọt đề thi ra ngoài.
Đại diện Thanh tra Chính phủ cho biết, ngành Thanh tra sẽ phối hợp với ngành Giáo dục, UBND các tỉnh để có phương án hữu hiệu huy động lực lượng thanh tra giáo dục ở các địa phương tham gia trong bối cảnh không còn thanh tra Sở.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Thành Long ghi nhận Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành, cơ quan chức năng đã rất chủ động trong việc chuẩn bị Kỳ thi tốt nghiệp THPT.
"Tuy nhiên, sắp tới, còn rất nhiều việc phải làm, chúng ta tuyệt đối không được chủ quan. Yêu cầu đặt ra là phải tổ chức kỳ thi thành công, an toàn, đạt mục tiêu đề ra, không để xảy ra sự cố" – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long lưu ý, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay có một số điểm khác, cần nhận thức, xác định rõ trong các văn bản chỉ đạo để có giải pháp sát hơn. Đó là tổ chức thi tốt nghiệp THPT cho thí sinh học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006 và 2018. Kỳ thi được tổ chức đúng thời điểm "giao thời" của công tác tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính như không tổ chức cấp huyện, sáp nhập các tỉnh, xã, sắp xếp hệ thống cơ quan công an, thanh tra… Đây là những cấp, cơ quan có nhiệm vụ, trách nhiệm quan trọng trong tổ chức kỳ thi tốt nghiệp hàng năm. Do đó cần phải tiếp tục có các văn bản chỉ đạo và các hoạt động cụ thể đối với tổ chức Kỳ thi này theo hướng "cầm tay chỉ việc", bám sát tình hình sắp xếp, tổ chức bộ máy.
Đảng ủy Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần có văn bản gửi Ban Thường vụ Đảng ủy các tỉnh, thành phố đề nghị chỉ đạo sát sao công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Bộ Công an, Bộ Y tế, Thanh tra Chính phủ cần xây dựng kế hoạch về công tác triển khai, phối hợp tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trong mọi trường hợp phải bảo đảm sự nhất quán, thông suốt từ Trung ương đến địa phương.
Phó Thủ tướng đề nghị tổ chức một hội nghị trực tuyến toàn quốc về kỳ thi tốt nghiệp vào thời điểm thích hợp.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất