16/04/2025 10:29 GMT+7 | Văn hoá
Trải qua thời gian dài kháng chiến cứu nước, Khu di tích Địa đạo Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh) ngày nay không chỉ mang giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa mà còn là tài nguyên du lịch, điểm về nguồn thu hút du khách trong và ngoài nước.
"Ngôi làng" dưới lòng đất
Nằm cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 70km về hướng Tây Bắc, Địa đạo Củ Chi là nơi thu nhỏ trận đồ biến hóa và sáng tạo của quân, dân Củ Chi trong cuộc kháng chiến lâu dài, ác liệt suốt 30 năm chống kẻ thù xâm lược, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Chỉ bằng phương tiện, dụng cụ thô sơ, quân và dân Củ Chi đã tạo nên công trình địa đạo đồ sộ với hàng trăm km đường ngầm dọc ngang trong lòng đất, nối liền các xã, ấp với nhau.
Hướng dẫn viên giới thiệu kết cấu của toàn bộ Địa đạo Củ Chi với du khách
Thời kháng chiến, đây là nơi cán bộ cách mạng sống trong vùng địch. Ban ngày, họ náu mình dưới hầm bí mật, được chia thành 3 tầng sâu khác nhau, tỏa rộng như mạng nhện gồm chiến hào, ổ chiến đấu, hầm ăn, ngủ, hội họp, sinh hoạt, quân y, kho cất giấu lương thực, giếng nước, bếp Hoàng Cầm… Ban đêm, họ mới lên mặt đất và hoạt động cách mạng. Họ gắn bó với địa đạo, đổ mồ hôi, xương máu và trí tuệ, tổ chức trận địa chiến đấu đánh địch, giành nhiều thắng lợi vẻ vang trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Dựa vào hệ thống địa đạo, quân và dân Củ Chi kiên cường bám trụ, đánh địch bằng cả 3 mũi giáp công (quân sự, chính trị, binh vận) với phương châm "nắm thắt lưng địch mà đánh", thực hiện lối đánh áp sát với các chiến thuật bắn tỉa, phục kích, tập kích, phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, vô hiệu hóa nhiều loại vũ khí hiện đại nhất và làm thất bại âm mưu của địch.
Du khách nước ngoài nghe thuyết minh về các loại vũ khí tại hầm xưởng công binh
Hiện nay, khi tới Địa đạo Củ Chi, du khách sẽ được xem phim tài liệu để hình dung được mức độ ác liệt của cuộc kháng chiến; nhịp sống, chiến đấu hối hả của quân và dân Củ Chi. Những đường hầm, hố chông, hiện vật lịch sử… từ thước phim ấy vẫn được lưu giữ và cải tạo cho đến nay để các thế hệ đến tìm hiểu, trải nghiệm.
Đến thăm Địa đạo Củ Chi, cựu chiến binh Nguyễn Văn Liễu (Phú Thọ) xúc động khi nhớ về quá khứ hào hùng của dân tộc. Là người trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, ông Liễu cho biết, dù chiến tranh đã qua đi 50 năm nhưng những ký ức về một thời bom đạn, khói lửa vẫn vẹn nguyên trong ông. Mảnh đất Củ Chi "đất thép thành đồng" đã góp phần vào chiến thắng vang dội của quân và dân ta để tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Anh Lương Văn Truyền (du khách đến từ Bắc Ninh) chia sẻ: "Tôi rất khâm phục ông cha ta thời xưa khi xây dựng được công trình vĩ đại này. Để xây dựng một hệ thống địa đạo chằng chịt dưới lòng đất như vậy thì chỉ có tình yêu với đồng bào, Tổ quốc, khát vọng độc lập tự do và ý chí của người Việt Nam mới thúc đẩy con người vượt qua giới hạn và hoàn thành được những điều khó tin như thế".
Hầm chông là một trong những vũ khí mà quân và dân ta sử dụng trong thời kháng chiến
Chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị
Với tầm vóc, giá trị của một công trình "có 1 không 2", Địa đạo Củ Chi đã đi vào lịch sử đấu tranh anh hùng của nhân dân Việt Nam như một huyền thoại của thế kỷ XX và trở thành một địa danh nổi tiếng trên thế giới.
Để di tích trường tồn cùng dân tộc, nhiều năm qua, Địa đạo Củ Chi luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo các cấp và đầu tư của Nhà nước để bảo tồn, phát huy tốt giá trị di tích lịch sử mang tầm quốc gia. Huyện Củ Chi tích cực triển khai quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích dưới nhiều hình thức; rà soát các di tích, kịp thời phát hiện tình trạng xuống cấp để nhanh chóng sửa chữa, trùng tu.
Sa bàn tái hiện trận càn Cedar Falls tại Địa đạo Củ Chi
Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Giám đốc Khu Di tích lịch sử địa đạo Củ Chi cho biết, đơn vị luôn tích cực xây dựng, bảo tồn, phục chế và giữ gìn các công trình; tiếp nhận, bổ sung hiện vật lịch sử để làm phong phú thêm khu trưng bày. Đơn vị chỉ đạo phòng chuyên môn thường xuyên đăng tải hình ảnh, hoạt động của khu di tích trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội... Đơn vị ứng dụng công nghệ thuyết minh tự động nhằm nâng cao chất lượng hoạt động toàn diện của Khu di tích Địa đạo Củ Chi; lan tỏa các giá trị của khu di tích tới cộng đồng, thu hút sự quan tâm của du khách trong nước, quốc tế tới tham quan, tìm hiểu khu di tích.
Ở góc độ chuyên môn, bà Lê Tú Cẩm, Chủ tịch Hội Di sản Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, chuyển đổi số là xu thế tất yếu hiện nay. Đối với các di tích, việc từng bước chuyển đổi số được xem là bước tiến quan trọng để làm tốt việc bảo tồn, mang lại những thay đổi tích cực nhằm quảng bá di tích văn hóa lịch sử đến với đông đảo công chúng. Tuy nhiên, đơn vị cần thực hiện sao cho nội dung kết hợp cùng công nghệ, đưa ra những chương trình phù hợp với tính chất của di tích để nhằm thu hút, hấp dẫn khách tham quan.
Bếp Hoàng Cầm được sử dụng phổ biến trong địa đạo
"Địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống
Địa đạo Củ Chi đang đẩy mạnh phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành, bảo tàng, khu di tích... để nâng cao chất lượng, hiệu quả và làm mới chính mình, tạo sự hấp dẫn, cuốn hút du khách.
Tháng 8/2023, Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi phối hợp với Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang ra mắt chương trình tour tham quan vào ban đêm tại khu tái hiện giải phóng với chủ đề Trăng chiến khu. Tour diễn lan tỏa đến nhiều du khách, đặc biệt là các bạn trẻ về lịch sử của quê hương đất thép Củ Chi, góp phần giáo dục lòng yêu nước cho các thế hệ Việt Nam.
Hoạt động đan lát dưới ánh trăng của người dân Củ Chi trong vùng giải phóng được tái hiện trong tour đêm "Trăng chiến khu"
Phục vụ du khách vào ngày 15 âm lịch hằng tháng, tour đêm lấy ánh trăng làm chủ đạo, tái hiện cuộc sống về đêm của người dân Củ Chi sống trong vùng giải phóng với việc đào địa đạo, đan lát dưới ánh trăng, trai gái hò đối đáp nhau trên đồng ruộng, họp chợ, văn công về biểu diễn phục vụ bộ đội…. Du khách còn được xem sa bàn, phim 3D tái hiện trận càn Cedar Falls. Kéo dài hơn 2 tiếng, "Trăng chiến khu" đưa du khách quay trở lại và hòa nhập vào cuộc sống của làng quê Củ Chi. Giữa cánh rừng già, từng hoạt cảnh chân thật khiến du khách vừa xem, vừa cảm thấy như mình đang sống trong thời kỳ đó.
Anh Trương Lê Trí Công (đến từ Bình Dương) chia sẻ, anh từng đi Địa đạo Củ Chi vào buổi sáng nhưng chỉ được nghe thuyết minh nên chưa hình dung được hết những gì hướng dẫn viên nói. Chương trình buổi tối với nhiều hoạt cảnh sinh động, lôi cuốn anh đi theo từng giai đoạn lịch sử, sinh hoạt của người dân Củ Chi thời điểm đó.
Theo chị Lê Nguyễn Mai Phương (cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ Quận Bình Tân), đêm diễn Trăng chiến khu giúp chị có thêm ý tưởng về công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ một cách trực quan, sinh động. Đây là nguồn động lực để chị xây dựng các hoạt động thiết thực chăm lo gia đình ở quận.
Là người đưa ra ý tưởng tour diễn Trăng chiến khu, Đại tá Lê Văn Phước, Giám đốc Khu Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi cho rằng, từ trước đến nay, du khách đến khu di tích đều được xem phim tư liệu, tham quan hệ thống địa đạo; qua đó hiểu được sự ác liệt của chiến tranh. Tuy nhiên, không phải lúc nào người dân Củ Chi cũng chiến đấu. Họ vẫn sống, sinh hoạt hằng ngày nhưng chưa được phản ánh rõ nét. Ý tưởng của tour ra đời từ đó. "Trăng chiến khu" không chỉ tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng của Địa đạo Củ Chi mà còn là sản phẩm du lịch đêm, góp phần nâng tầm giá trị của di tích, phát triển du lịch, thu hút du khách trong nước và quốc tế đến với "kỳ quan giữa lòng đất thép".
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất