Niềm hy vọng 'công viên địa chất'

16/04/2018 07:15 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Vài ngày trước, Công viên địa chất Non Nước (Cao Bằng) vừa chính thức được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu. Đây là lần thứ 2 chúng ta nhận danh hiệu này, sau trường hợp của cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) vào năm 2010.

Thẳng thắn, so với những danh hiệu Di sản Thế giới hay Di sản Thiên nhiên từ UNESCO, khái niệm Công viên địa chất ít được chú ý hơn.Một phần, danh hiệu này mới ra đời được hơn 20 năm, nghĩa là chỉ bằng phân nửa thời gian so với sự tồn tại của các danh hiệu về Di sản. Thêm nữa, so với di sản, khái niệm “địa chất” phần nào mang tính chất của một chuyên ngành hẹp và khó có sức hút với cộng đồng.

Chú thích ảnh
Thác nằm ở độ cao 70m, sâu 60m, rộng 208, gồm thác chính và thác phụ thuộc Công viên địa chất Non Nước. Ảnh: Internet

Thế nhưng, khoảng thời gian 8 năm giữa 2 danh hiệu ấy là một bước chuyển lớn về cách nhìn, với những công viên địa chất tiềm năng ở Việt Nam.

Sự thay đổi ấy trước hết đến từ khái niệm “du lịch địa chất”, vốn đang ngày càng được quan tâm.Theo đó, dựa trên quá trình khám phá, loại hình du lịch này sẽ cung cấp cho du khách những thông tin, kiến thức về cơ chế hình thành, lịch sử phát triển của các thắng cảnh tự nhiên được hình thành bởi các quá trình nội sinh và ngoại sinh.

Như phân tích của các chuyên gia, việc khai thác loại hình du lịch địa chất ấy là một cách để làm mới sản phẩm du lịch - vốn luôn đặt ra những yêu cầu cao về sự đa dạng để xoay vòng. Và thực tế, những di sản như vịnh Hạ Long, vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng hay khu danh thắng Tràng An cũng đã lên kế hoạch xây dựng các tour du lịch này, bên cạnh các tour tham quan truyền thống.

Chú thích ảnh
Khu du lịch Tràng An (Ninh Bình). Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Nhưng xa hơn, với những tiềm năng bước đầu được đánh thức Đồng Văn, cũng như những gợi ý từ UNESCO, chúng ta ngày càng ý thức rõ: danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu chính là một giải pháp hữu hiệu để phát triển  bền vững tại những vùng còn khó khăn như Hà Giang hay Cao Bằng.

Bởi, khi đưa ra khái niệm Công viên địa chất toàn cầu về những khu vực địa lý rộng, có những điểm địa chất đạt giá trị quốc tế về thẩm mỹ, sự hiếm có và ý nghĩa giáo dục, UNESCO cũng đã gắn kèm một mục đích chiến lược cho việc xét tặng danh hiệu này: tạo cơ hội phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa bền vững cho những khu vực được vinh danh.

***

Nhưng tất nhiên, để phát triển loại hình du lịch địa chất, nó cần những hình thức khai thác phù hợp. Ở đó, sự tham gia của cộng đồng cư dân bản địa là không thể bỏ qua.

Trong một hội thảo quốc tế về công viên địa chất khu vực châu Á vào năm 2011, đại diện UNESCO tại Việt Nam cũng đã lưu ý chúng ta về vấn đề này, khi lấy hình mẫu về sự thành công của công viên địa chất Langkawi tại Malaysia làm ví dụ.

Những khó khăn đặc thù về hạ tầng và điều kiện kinh tế đã khiến việc khai thác du lịch tại cao nguyên đá Đồng Văn bị hạn chế khá nhiều, dù vẫn có những tín hiệu tích cực. Để rồi, vào năm 2017 vừa qua, Hà Giang cũng đã được phê duyệt bản quy hoạch “xây dựng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn đến năm 2030”, như một định hướng chuẩn để phát huy thương hiệu của mình.

Và bây giờ, bên cạnh Cao Bằng, thêm 5  tỉnh khác là Quảng Ngãi, Bắc Kạn, Phú Yên, Đắk Nông và Gia Lai cũng đã có kế hoạch cùng xây dựng hệ thống công viên địa chất cấp quốc gia, và sẽ đệ trình lên UNESCO để xin công nhận ở cấp thế giới trong tương lai.

Hãy cùng hy vọng rằng những danh hiệu đang và sắp có, sẽ là cơ hội để chúng ta khai thác tiềm năng du lịch từ những vùng đất này.

Tin vui: Non nước Cao Bằng sẽ 'chinh phục' danh hiệu Công viên Địa chất toàn cầu

Tin vui: Non nước Cao Bằng sẽ 'chinh phục' danh hiệu Công viên Địa chất toàn cầu

Tỉnh Cao Bằng đã hoàn thành hồ sơ Non nước Cao Bằng đệ trình UNESCO công nhận danh hiệu là Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu.

Anh Bảo

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm