Mourinho chạm trán Villas-Boas: Danh sư xuất cao đồ?

28/09/2013 13:56 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Sư phụ và đệ tử sẽ gặp nhau lần đầu với tư cách là những HLV của 2 đội bóng đối địch khi Chelsea làm khách ở Tottenham tại Premier League thứ Bảy này.

“Tôi đã làm việc với Jose được 7 năm, nhưng thật ra chúng tôi chẳng nói chuyện gì nhiều”, Andre Villas-Boas khẳng định, một cách không thể tốt hơn để chuyển từ bạn thành kẻ thù. “Lúc này tôi còn chẳng có số điện thoại của ông ấy”. Lịch sử sẽ được soi kỹ vào thứ Bảy này khi Chelsea tới White Hart Lane, cuộc đọ sức của Jose Mourinho và Villas-Boas, những nhà tư duy bóng đá người BĐN cùng trưởng thành dưới sự đào luyện của Sir Bobby Robson ở Porto. Chắc chắn sẽ có những cái bắt tay nhã nhặn và những nụ cười tươi tắn với máy quay, nhưng quan hệ của họ đã không còn như trước nữa.

Từ cộng sự…

Đó là câu chuyện của một cậu học trò đang tìm cách vượt ra khỏi cái bóng của người thầy và xây dựng danh tiếng cho riêng mình, để rồi mắc kẹt trong quá khứ và những so sánh với người đã đào luyện ông, dù là ở Porto, Chelsea hay chỉ là Premier League. Trở lại năm 1994, khi Robson được bổ nhiệm dẫn dắt Porto, Mourinho trước đó là người phiên dịch của ông ở Sporting Lisbon đã theo ông thầy ra miền bắc. Villas-Boas khi đó còn là một CĐV trẻ sống cùng khu căn hộ với Robson và đã chặn ông lại ở cầu thang để nêu ý kiến về việc chiến lược gia vào loại vĩ đại nhất của nước Anh đã bỏ ngoài sân tiền đạo Domingos Paciencia.


Mourinho và AVB, ngày ấy - bây giờ

Robson ấn tượng với những phân tích chiến thuật của Villas-Boas tới mức ông sắp xếp cho chàng trai trẻ theo học một lớp HLV ở Lilleshall, rồi học việc với George Burley ở Ipswich và Scotland để lấy chứng chỉ hành nghề. AVB làm việc cho đội trẻ ở Porto khi Mourinho trở lại đó dẫn dắt CLB năm 2002. Ông là người đã thành lập bộ phận theo dõi đối thủ ở Porto và chuyển Villas-Boas sang đó. Mourinho từng gọi người trợ lý là “tai mắt của tôi”, tạo ra cảm giác rằng họ là bộ đôi không thể tách rời.

Tuy nhiên, Villas-Boas ngay từ đầu đã muốn có một sự nghiệp của riêng mình, và vào lúc hai người ở Inter Milan, vị HLV trẻ nghĩ mình đã đủ trưởng thành. Villas-Boas tham gia nhiều hơn vào các công việc của một HLV trưởng, tập luyện và bố trí chiến thuật. Báo chí Ý cho rằng quyết định để Samuel Eto’o đá dạt cánh ở Inter, một trong những lý do chủ chốt mang tới cú ăn 3 huyền thoại, là của Villas-Boas, chứ không phải Mourinho.

Đến đối thủ

Mùa xuân năm 2009, khi đã có đầy đủ các chứng chỉ, Villas-Boas thông báo với Mourinho rằng ông muốn chia tay, với lòng tin sẽ nhận được chỗ ở Braga, đội vừa để HLV Jorge Jesus sang Benfica. Thật trớ trêu, người nhận công việc ở Braga lại chính là… Domingos Paciencia và Villas-Boas đành trở lại San Siro. Từ đó, quan hệ giữa ông với Mourinho không còn là như thể tay chân nữa. Khát khao với hành trình cho riêng mình, ngay khi đội bóng đang chiến đấu để trụ hạng Academica de Coimbra tiếp cận, AVB đã gật đầu.

Thành công sau đó của Villas-Boas ở Porto càng khiến quan hệ của ông với Mourinho trở nên xa cách. Dễ hiểu là Jose thấy lại hình ảnh của chính mình ở sân Dragao. Thêm một lý do nữa, dù chỉ là tin đồn, là Villas-Boas luôn nói với báo chí như thể ông mới là truyền nhân chân chính của Robson: bóng đá cuốn hút, chiến thắng và mã thượng.

Một mặt, Villas-Boas vẫn ca ngợi Mourinho là “HLV vĩ đại nhất mọi thời”, mặt khác, ông ngày càng tìm cách thoát khỏi ảnh hưởng của người tiền bối. Ở Porto, bóng đá của AVB khác hẳn của Jose. Villas-Boas cũng đã ca ngợi Pep Guardiola, kình địch của Mourinho, không phải về bóng đá, mà về cách cư xử với cầu thủ. Ông nói: “Nếu bạn là một nhà độc tài, bạn sẽ không thể thấy hết năng lực của cầu thủ. Bạn phải để họ tự do và cho họ tự lựa chọn trong trận đấu. Tôi đã rời Inter vì tôi muốn thỏa ước nguyện trở thành một HLV chuyên nghiệp, với phong cách cho riêng tôi”. Không nói ra thì ai cũng biết nhà độc tài là ai.

Tối thứ Bảy này ở White Hart Lane, Villas-Boas sẽ không cho ra sân một đội bóng của nhà độc tài, khi mà trận đấu không chỉ quyết định đội nào sẽ vượt lên ở đầu bảng xếp hạng Premier Leauge, mà còn là cuộc đối đầu giữa hai triết lý bóng đá đối lập, giữa hai con người-HLV từng được cho là có rất nhiều điểm giống nhau.

Trần Trọng
Thể thao & Văn hóa

85,6 Tottenham và Chelsea là 2 đội có tỉ lệ chuyền bóng thành công vào loại cao nhất ở Premier League, Spurs là 84,6%, còn Chelsea là 85,6%. Họ cũng có tỉ lệ cầm bóng mỗi trận rất cao, Tottenham là 59%, còn Chelsea là 57,3%.

1 Chelsea chỉ thắng 1 trong 7 lần gần nhất tới làm khách ở White Hart Lane.

25 Chỉ 1 trong 25 bàn gần nhất của Chelsea ở Premier League là do một tiền đạo thực sự ghi, Fernando Torres vào tháng 5 năm ngoái ở trận gặp Everton


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm