Những ký ức tự hào của cơ quan Thông tấn Anh hùng

24/04/2025 19:04 GMT+7 | Văn hoá

Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống của Thông tấn xã Việt Nam (15/9/1945 - 15/9/2025), Nhà xuất bản Thông tấn cho ra mắt cuốn sách ảnh "80 năm Thông tấn xã Việt Nam (1945-2025)".

Cuốn sách khuôn khổ: 23 x 25cm, với 328 trang, song ngữ Việt - Anh, được biên soạn trên cơ sở các cuốn sách "60 năm Thông tấn xã Việt Nam (1945-2005)", "70 năm Thông tấn xã Việt Nam (1945-2015)", "Thông tấn xã Giải phóng Anh hùng", có bổ sung nhiều hình ảnh, tư liệu mới được khai thác, chọn lọc từ kho tư liệu của Ban biên tập Ảnh, Trung tâm Thông tin tư liệu và Đồ họa, Phòng Truyền thống của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN).

TTXVN là cơ quan thuộc Chính phủ, là cơ quan thông tấn quốc gia, cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện, thực hiện chức năng đăng, phát thông tin, văn kiện chính thức của Đảng, Nhà nước; cung cấp thông tin phục vụ yêu cầu lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước; phổ biến thông tin phục vụ các cơ quan thông tin đại chúng, công chúng và các đối tượng khác trong và ngoài nước.

Trải qua 80 năm đồng hành cùng đất nước (1945-2025), TTXVN luôn giữ vững vị thế là dòng thông tin chủ lưu có vai trò định hướng thông tin, là trung tâm thông tin chiến lược, tin cậy của Đảng và Nhà nước, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước.

Những ký ức tự hào của cơ quan Thông tấn Anh hùng - Ảnh 1.

Cuốn sách ảnh "80 năm Thông tấn xã Việt Nam (1945-2025)"

Nội dung cuốn sách gồm 5 phần. Phần thứ nhất: TTXVN trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc và thống nhất đất nước (1945-1975). Phần thứ hai: TTXVN trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc; khẳng định vị thế cơ quan thông tấn quốc gia, cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện (1976-2025). Phần thứ ba: Hoạt động đối ngoại của TTXVN. Phần thứ tư: Đảng bộ TTXVN và các đoàn thể chính trị - xã hội.

Bằng những bài viết ngắn gọn, cô đọng cùng hơn 670 bức ảnh, tư liệu, được sắp xếp, trình bày theo dòng chảy lịch sử, cuốn sách ôn lại những dấu mốc, sự kiện chính, tiêu biểu trong quá trình hình thành, xây dựng, phát triển của TTXVN gắn với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, nhất là trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, bảo vệ và thống nhất đất nước (1945-1975); trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, đổi mới, hội nhập quốc tế, đưa đất nước thoát khỏi tình trạng kém phát triển, vươn lên phồn vinh, hạnh phúc (1976-2025).

Cuốn sách "80 năm Thông tấn xã Việt Nam (1945-2025)" là một công trình tư liệu báo chí có giá trị, ghi dấu chặng đường 80 năm hình thành, xây dựng và phát triển của TTXVN. Những bức ảnh, bài viết, dòng tin đi cùng năm tháng mang giá trị lịch sử ghi dấu sự dấn thân, trung thành, tận tụy, hy sinh và cống hiến của đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, cán bộ kỹ thuật, nhân viên các thế hệ thông tấn để dòng thông tin chủ lưu của TTXVN không ngừng nghỉ. Việc xuất bản cuốn sách thể hiện sự tri ân đối với các thế hệ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, cán bộ kỹ thuật, nhân viên qua các thời kỳ, các thương binh, gia đình liệt sỹ đã đóng góp công sức, xương máu xây dựng TTXVN không ngừng lớn mạnh như ngày nay.

Những ký ức tự hào của cơ quan Thông tấn Anh hùng - Ảnh 2.

Sách nhìn lại lịch sử 80 năm Thông tấn xã Việt Nam (1945-2025).

Đây cũng là dịp nhìn lại hành trình lịch sử 80 năm tự hào của TTXVN cùng những bài học quý báu về cách làm báo chính thống, hiện đại, gắn liền với trách nhiệm xã hội và sứ mệnh phục vụ nhân dân; là lời khẳng định quyết tâm đổi mới, thích ứng và hội nhập của toàn ngành trong bối cảnh báo chí toàn cầu đang chuyển mình mạnh mẽ. Đứng trước kỷ nguyên công nghệ số, hội nhập và sáng tạo, TTXVN tiếp tục sứ mệnh của mình, khẳng định vị thế là cơ quan thông tấn quốc gia, cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện.

* Nhân tọa đàm "Viết tiếp bàn hùng ca" được tổ chức chiều 24/4, các nhà báo chiến sỹ, thân nhân phóng viên TTXVN đã trao tặng kỷ vật chiến trường tặng Phòng truyền thống TTXVN.

Cụ thể, ông Nguyễn Lâm Đông, thân nhân nhà báo Võ Thế Ái, lên trao các Quyết định công tác, Huân chương, bằng khen của nhà báo lão thành Võ Thế Ái, nguyên Phó trưởng ban biên tập tin Trong nước; ông Đào Trọng Vĩnh, lái xe chiến trường lên trao tặng ăng-gô, tăng dù mình từng sử dụng tại chiến trường miền Nam từ năm 1973-1975; ông Nguyễn Hà Lộc trao tặng chân máy ảnh của nhà báo Nhật Bản Takano Isao, một trong những nhà báo quốc tế có mặt trong Chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 và bị trúng đạn, tử thương khi đang tác nghiệp tại Lạng Sơn; các ông, bà Thân Thị Viết và Đỗ Văn Hảo, khóa GP10 đã trao tặng một số hiện vật như: Ăng-gô, võng dù, hòm đạn đại liên, chứng minh thư nhân dân ông bà sử dụng trong thời gian ở chiến trường miền Nam từ năm 1973-1975.

Những ký ức tự hào của cơ quan Thông tấn Anh hùng - Ảnh 3.

Giám đốc Trung tâm Thông tin TTXVN Khu vực miền Trung – Tây Nguyên Nguyễn Việt Dũng (trái) nhận các kỷ vật của phóng viên chiến trường để lưu giữ tại Phòng truyền thống của Trung tâm Thông tin TTXVN Khu vực miền Trung – Tây Nguyên (Đà Nẵng). Ảnh: Quốc Dũng - TTXVN

Phòng truyền thống TTXVN hiện đang lưu giữ gần 200 hiện vật giới thiệu cuộc sống giản dị, lao động nghề nghiệp vất vả, hiểm nguy nhưng cũng rất tự hào, cao quý, giàu sức sáng tạo và hiệu quả của các nhà báo Thông tấn trong suốt chiều dài lịch sử của ngành.

Phúc Hằng/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm