Những cán bộ thể thao đi B ngày ấy...

30/04/2025 06:59 GMT+7 | Thể thao

20 năm kháng chiến chống Mỹ (1955-1975), Ngành Thể dục thể thao (TDTT) đã có hàng nghìn cán bộ, huấn luyện viên, vận động viên, sinh viên các trường TDTT có mặt trong đội quân "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước". Ngành Thể dục thể thao trong các năm gian khổ quyết liệt ấy còn liên tiếp cử nhiều cán bộ đi B (miền Nam) tăng cường cho các vùng giải phóng của các tỉnh Tây Nguyên, cực Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ do Ban B. thuộc Tổng cục TDTT khi ấy chỉ đạo...

Bắt đầu vào năm 1973, đoàn "Cán bộ khảo sát Thể dục thể thao" đi B có ba người do anh Lê Thì làm trưởng đoàn, hai thành viên là Mai Văn Muôn và Bùi Quang Bảnh đều là học sinh được đưa ra Bắc từ năm 1954, được cử đi học đại học TDTT ở các nước bạn.

Đoàn có nhiệm vụ: Đặt mối quan hệ công tác chặt chẽ giữa Tổng cục với Ban Thống nhất Trung ương về công tác TDTT ở vùng giải phóng miền Nam; Sẵn sàng hỗ trợ mặt đối ngoại chăm lo lập các đoàn VĐV thể thao của Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam, mua sắm trang thiết bị dụng cụ cho việc tập luyện; Đề xuất những phương thức thích hợp thông qua hoạt động thể thao làm vụ nhiệm vụ quốc tế; Chuẩn bị phương án cụ thể để sẵn sàng tiếp quản các cơ sở thể thao ở toàn miền Nam khi hoàn toàn giải phóng…

Sau hơn 3 tháng hành quân vượt rừng Trường Sơn, đoàn tới đích an toàn. Tại "Trại Ông Cụ" ba cán bộ TDTT được đồng chí Sáu Dân - Võ Văn Kiệt - Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục tiếp và giao nhiệm vụ: "Công tác và hoạt động TDTT ở vùng đã giải phóng lúc này cần lắm. Trước mắt các đồng chí bắt tay ngay vào gây dựng việc tập luyện của các cơ quan, các đơn vị quân đội, công an… khu cơ quan Trung ương Cục. Một mặt, các đồng chí triển khai nhanh việc đi khảo sát vùng giáp ranh giữa ta và địch, dùng hoạt động thể thao để thu hút thanh niên, sinh viên, học sinh từ vùng địch kiểm soát ra vùng giải phóng. Nhìn ra xa hơn, các đồng chí lên kế hoạch và xây dựng việc nghiên cứu đề án hoạt động TDTT vùng địch đang còn kiểm soát để có đối sách khi giải phóng…".

Những cán bộ thể thao đi B ngày ấy... - Ảnh 1.

Những thế hệ lãnh đạo ngành TDTT, trong đó có những cán bộ lão thành công tác trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: T.L

Đồng chí Sáu Dân ân cần nói thêm: "Ở đây, tôi và toàn cơ quan, kể cả các chiến sĩ Đội bảo vệ rất thích thể thao, ham đánh cầu lông lắm. Sáng sớm tinh mơ tập thể dục xong là ai nấy lại cầm vợt vào sân. Chiều mát cũng vậy, hoạt động thể thao để có sức khỏe, chống lại ốm đau, sốt rét rừng... Chúng ta chỉ cách Sài Gòn, cách các chi khu quân sự của địch chưa đầy vài ba chục cây số. Máy bay địch từ Biên Hòa lên, từ Tân Sơn Nhất tới chắc chưa tới mươi phút bay, nên vấn đề an toàn, lúc tập luyện giữ bí mật là tối quan trọng...

Dù như vậy, ta không thể không hoạt động và tiến hành tập luyện TDTT. Hồi đánh Pháp, Bác ở Pắc Bó (Cao Bằng), trong kháng chiến Bác và cơ quan Đảng, Chính phủ ở Đại Từ (Thái Nguyên), ở Sơn Dương (Tuyên Quang)… Bác và các thành viên chính phủ vẫn duy trì đều đặn phong trào tập thể dục, đánh bóng chuyền, bơi sông suối, tập leo núi. Ở đây không có núi nhưng rừng thì bạt ngàn". Ông Sáu đọc câu thơ "Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù". Trước khi kết thúc buổi làm việc, ông Sáu Dân còn dặn kỹ ba anh em: "Tình hình sẽ chuyển biến rất nhanh, các đồng chí chuẩn bị công tác tiếp quản các cơ sở thể thao ở các đô thị, thành phố toàn miền Nam rất phải khẩn trương ngay đó!".

Hôm sau, anh Lê Thì cùng Mai Văn Muôn, Bùi Quang Bảnh sang làm việc với đồng chí Phan Minh Tánh - Chín Đào, Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên cách mạng miền Nam. Đồng chí Chín Đào vào việc ngay: "Các đồng chí lập chương trình công tác, phát động phong trào TDTT ở vùng giải phóng, lo việc tập luyện cho các cơ quan xung quanh R. (cơ quan Trung ương Cục) trải dài rộng mấy chục cây số rừng cổ nguyên sinh, ra tới tận biên giới Campuchia đấy…!".

Đồng chí Chín Đào yêu cầu nhanh chóng tổ chức hoạt động thể thao như bóng đá, bóng chuyền, cầu lông… sao cho vui, hấp dẫn nhưng phải chú ý an toàn tuyệt đối. lưu ý việc phòng tránh máy bay do thám, biệt kích địch; Công tác mở lớp huấn luyện đào tạo cán bộ nòng cốt thể thao ngắn ngày cho các cơ quan, đơn vị; Nghiên cứu việc tập luyện thể dục hàng ngày, hoạt động thể thao trong trong các ngày lễ ở vùng giải phóng, vùng giáp ranh sao cho tưng bừng, sôi nổi để thu hút thanh niên, sinh viên trong vùng địch kiểm soát ra với cách mạng.

Những cán bộ thể thao đi B ngày ấy... - Ảnh 2.

Công tác TDTT của TP.HCM ngay sau ngày đất nước thống nhất đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo. Ảnh: T.L

Sau các buổi gặp gỡ, làm việc với lãnh đạo Trung ương Cục, nằm trong hầm sâu dưới cánh rừng, đồng chí Lê Thì ghi trong sổ tay "Sau khi tiếp thu ý kiến chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo, Tổ công tác chúng tôi chụm lại bàn nhau cùng xem xét, đánh giá tình hình thực tiễn. Chúng tôi nhất trí khẩn trương làm báo cáo gửi ra Hà Nội cho Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Lê Đức Chỉnh, có những đoạn: "Hoạt động TDTT vùng giải phóng ở chiến trường miền Nam - nơi đang diễn ra các trận đánh lớn giữa quân ta và giặc Mỹ, đời sống khó khăn, kham khổ, cán bộ thiếu thốn đủ thứ. Tổ khảo sát chúng tôi hoạt động trong điều kiện mày mò, tìm hiểu, không gian cho hoạt động TDTT hạn hẹp. Chúng tôi cùng quyết tâm tập trung cho mục tiêu "Khỏe để đánh giặc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc". Quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ…".

Sang năm 1974, lãnh đạo Tổng cục TDTT chuẩn bị bước vào cuộc họp triển khai công việc "Tháng hoạt động chào mừng Kỷ niệm 28 năm thành lập Ngành", thì Tổng cục trưởng Lê Đức Chỉnh nhận được "Thư báo cáo" của đồng chí Lê Thì từ Lộc Ninh chuyển bằng đường dây liên lạc đặc biệt. Đồng chí Lê Thì viết: "Làm việc trong điều kiện rất khó khăn, tuy vậy chúng tôi đã tiến hành thành công một số hoạt động như sau:

- Mở lớp đào tạo cán bộ Hướng dẫn viên ở Ban Giáo dục Miền. Số người về dự có 27 giáo viên (10 nữ).

- Mở lớp cho khối Dân Chính Đảng R. (Anh Sáu Vũ, Bí thư cơ quan Dân chính Đảng) đến dự;

- Mở lớp ở Trường Đoàn TNCM miền Nam, chuẩn bị cơ sở vật chất, dụng cụ cho phong trào TDTT. Số lượng 30 cán bộ Đoàn thanh niên cấp tỉnh;

- Mở cơ sở hoạt động TDTT cho thanh niên, xây dựng sân bóng đá ở trảng Tà Xía, tạo không khí tưng bừng, nhộn nhịp ở khắp toàn cơ quan Trung ương Cục;

- Đặc biệt, mở lớp dành riêng cho thiếu niên con em cán bộ Trường Nguyễn Văn Trỗi hơn 60 em. Và lớp nâng cao thể lực và phát triển sức mạnh thể lực, phát triển sức nhanh nhẹn khéo léo ở Trường Thiếu sinh quân Y4 Khu Sài Gòn- Gia Định.

- Tổ chức các hoạt động Thể dục thể thao vùng Tân Lập thuộc huyện Tân Biên phục vụ các ngày lễ lớn;

- Tổ chức rất thành công ngày Hội khỏe ở vùng giải phóng, chủ yếu ở chiến khu Lộc Ninh và vùng Tân Biên;

- Tổ chức các hoạt động thể dục thể thao vùng cửa khẩu Trại Bí - núi Bà Đen;

- Kết hợp với Trường đào tạo Cán bộ Đoàn Thanh niên thành lập Phân hiệu "Đào tạo Thanh niên và Thể thao" cho một số tỉnh vừa giải phóng.

- Nội dung số 8, Trưởng đoàn Lê Thì báo cáo với Tổng cục trưởng Lê Đức Chỉnh: "Lãnh đạo Trung ương Cục khen ngợi việc triển khai công việc kịp thời có hiệu quả cao và yêu cầu Tổ khảo sát TDTT cần chuẩn bị lực lượng cán bộ cho vùng giải phóng, công tác tiếp quản cơ sở vật chất thể thao cho toàn miền Nam.

Theo sự phân công của Tổ chức, ba anh em chúng tôi đã nhận nhiệm vụ như sau: Tôi (Lê Thì) trở ra Bắc để báo cáo với lãnh đạo Tổng cục TDTT, Ban Thống nhất Trung ương khẩn trương chuẩn bị lực lượng cán bộ cho việc tiếp quản ở các tỉnh miền Nam. Đồng chí Mai Văn Muôn đi cùng cánh quân chủ lực Quân giải phóng vào giải phóng Sài Gòn. Đồng chí Bùi Quang Bảnh đi với cánh quân vào giải phóng Tây Ninh.

Nhiều hoạt động TDTT diễn ra sôi nổi ở phía Bắc để sẵn sàng chi viện cho miền Nam trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: TL

Trong báo cáo còn ghi rõ: "Để tạo không khí tưng bừng vui trẻ ở vùng giải phóng giáp với biên giới nước bạn vừa là nơi tập trung các cơ quan đầu não xung quanh Trung ương Cục miền Nam, nhiều cán bộ cấp cao, nên việc đưa các hoạt động thể thao vào cuộc sống kháng chiến không những sôi động, khẩn trương phải đảm bảo bí mật tuyệt đối. Các hoạt động như: Thể dục buổi sáng, phong trào đánh cầu lông, đấu bóng chuyền, bóng đá… liên tục diễn ra sôi động trong các ngày Chủ nhật, phát triển rộng khắp vùng giải phóng Lộc Ninh, Nam Tây Nguyên và thậm chí tiến sát tới cả vùng ngoại vi Sài Gòn, Thủ Dầu Một, Bến Lức, Long An, Củ Chi…

Đồng chí Lê Thì ra đến Hà Nội. Chỉ trong hai tuần, lãnh đạo Tổng cục Thể dục thể thao đã chuẩn bị trước đó, một danh sách "Đi B. kín" với những gương mặt: Lê Bửu, Trần Kỳ Ba, Võ Sĩ Huệ, Nguyễn Thành Đô, Trần Vĩnh Lộc, Cao Văn Thử, Nguyễn Đình Châu, Đặng Nhật Lễ, Trần Đình Thi (được công nhận tốt nghiệp đại học trước thời hạn, kịp bổ sung theo đoàn vào chiến trường), Trong danh sách đi B lúc ấy còn có một số cán bộ thể thao ở Ban TDTT Tổng cục Đường sắt, Ban TDTT Bộ Giao thông - vận tải, Đội Thể Công, ở các Ty TDTT Thanh Hóa, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Hải Phòng…

Ngày 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng. Tổ Công tác khảo sát Thể thao đã kết hợp với các mũi tiến công của Quân giải phóng, đoàn cán bộ Ngành Giáo dục, Đoàn Thanh niên… để triển khai việc tiếp quản các công trình thể thao, cơ sở vật chất thể thao của chế độ cũ theo Chỉ thị và Ủy quyền của Ban Quân quản thành phố:

- Sân vận động Cộng hòa (nay là sân vận động Thống nhất).

- Sân vận động Hoa Lư;

- Cerle Sportive Saigon (nay là CLB Văn hóa Lao động TP. HCM).

- Các bể bơi: Yết Kiêu, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phú Lâm,

Anh Đào…

- Nhà tập TDTT Phan Đình Phùng, nhà tập thể thao Hoa Lư.

- Club Happy (Nhà Quần ngựa Quận Nhất).

- Du thuyền ở Cột cờ Thủ Ngữ, Thanh Đa…

- Nhà Bowling Quận Nhất.

- Trường Đào tạo Huấn luyện viên cao cấp Nguyễn Trãi (nay là Trường Cao đẳng Sư phạm TDTT thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo).

- Trụ sở Nha Thanh niên và Thể thao (Số 1 Phạm Đăng Hưng, sau là 48 Nguyễn Đình Chiểu, nay là cơ quan đại diện Cục TDTT).

- Kiểm tra một số cơ sở TDTT của tư nhân trong toàn thành phố Sài Gòn.

Tổ khảo sát Thể dục thể thao chỉ có 3 người, vì vậy lãnh đạo Ngành đã kịp thời tăng cường lực lượng cán bộ lãnh đạo đến các tỉnh: Gia Lai - Kon Tum có Nguyễn Văn Quý, Nguyễn Văn Quế, Nguyễn Đình Châu, Trần Đình Thi; Đắk Lắk là Nguyễn Văn Đê, nữ Lâm Minh Thủy; Lâm Đồng có Võ Sĩ Huệ, Trần Kỳ Ba; Phú Khánh có Trần Vĩnh Lộc, Cao Văn Thử; Lê Thì được cử về làm giám đốc Sở TDTT Nghĩa Bình… Thành phố Sài Gòn cùng một số địa phương khác ở Miền Tây như Cần Thơ, Bạc Liêu, An Giang, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Tây Ninh, Thuận Hải, Đồng Nai, Quảng Nam - Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế… cũng đã có mặt cán bộ của ngành TDTT. Họ đều là người đã từng công tác lâu năm trong lĩnh vực thể thao, từng cống hiến cho sự nghiệp TDTT với mục tiêu "Dân cường thì quốc thịnh" - lời của Bác Hồ. Đó là cha con ông Trương Tấn Bửu, Phan Ngươn Đang, Huỳnh Văn Lệnh, Nguyễn Bạch Khấu, Lê Bửu, Trần Trọng Lý, Nguyễn Duy Hưng, Nguyễn Thành Đô, Lưu Quang Chớp, Phạm Quang Hảo, Nguyễn Văn Tiền, Đặng Nhật Lễ, Lưu Phương, Mai Xuân Phán, Lê Phong, Đỗ Quốc Tế, Trần Đình Tùng, Dương Văn Sầm…

Trang sử TDTT vùng giải phóng miền Nam Việt Nam (1960-1975) và sau ngày đất nước thống nhất (năm 1975 đến nay) đã tạo nên bức tranh TDTT đất nước không ngừng tỏa sáng với những ngôi sao sáng rực rỡ trên đấu trường quốc gia, quốc tế, với phong trào toàn diện, mạnh mẽ rộng khắp với nhiệm vụ "Tất cả vì sức khỏe toàn dân".

Hà Nội tháng 4-2025

Trương Xuân Hùng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm