Nhà văn Hoàng Quốc Hải - Một đời vì Hà Nội

02/02/2025 13:56 GMT+7 | Văn hoá

"Hà Nội tất nhiên có thể không cần tới tôi. Nhưng từ đáy lòng, tôi biết mình không thể sống mà thiếu Hà Nội", nhà văn Hoàng Quốc Hải từng nói vậy. Và nhìn vào một Thăng Long - Hà Nội ẩn hiện trong hàng ngàn trang viết của ông, ta biết thêm: Có những người không lớn lên ở Hà Nội, nhưng lại hiểu và yêu quý vùng đất này hơn rất nhiều người sinh ra ở đó…

Một tin vui đến với nhà văn này ở tuổi 86: Cuối năm 2024 vừa qua, ông là 1 trong 10 cá nhân được thành phố Hà Nội trao tặng danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú".

"Vì tình yêu Hà Nội"

Đây không phải là giải thưởng đầu tiên gắn với Hà Nội mà nhà văn Hoàng Quốc Hải nhận về. Chỉ tính ở góc độ văn chương, ngay từ năm 1969 và 1970 - tức là vài năm sau khi chuyển về Thủ đô - ông đã được Hội văn nghệ Hà Nội trao giải cho các sáng tác của mình. Rồi gần nhất, năm 2020, Hội nhà văn Hà Nội cũng trao cho ông giải thưởng "Thành tựu văn học trọn đời".

Riêng với báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN), vào năm 2008, khi lần đầu tổ chức giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội, nhà văn Hoàng Quốc Hải đã là một trong những cái tên được vinh danh qua bộ tiểu thuyết lịch sử Bão táp triều Trần. 16 năm trôi qua, đến giờ, nhà văn vẫn nhớ về cuộc điện thoại trước khi nhận giải.

"Nhà thơ Bằng Việt khi ấy là thành viên Hội đồng giám khảo, gọi điện thông báo và hỏi tôi có sẵn sàng nhận giải? Thật ra, giải thưởng tuy mới ra đời, nhưng khi nghe tới cái tên Bùi Xuân Phái thì tôi hoàn toàn yên tâm. Đó là người tôi mà đã được nhiều lần tiếp xúc, và luôn kính trọng về tài năng, nhân cách, cũng như tấm lòng dành cho Hà Nội" - ông kể - "Bởi thế, tôi đáp: Bằng Việt ơi, đã là giải mang tên Bùi Xuân Phái thì tôi rất xúc động và vinh dự được nhận, dù giá trị vật chất của nó chỉ là một đồng".

Báo Tết - Nhà văn Hoàng Quốc Hải - Một đời vì Hà Nội - Ảnh 1.

Nhà văn Hoàng Quốc Hải (giữa) nhận danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú năm 2024" từ Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân (trái) và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh. Ảnh: Viết Thành

Trò chuyện, nhà văn hào hứng đưa ra những nhận xét về giải thưởng mà ông vẫn theo dõi trong 16 năm qua. Ông nói về sự cần thiết có thêm những nguồn lực xã hội, để Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội có thể được vận hành bền vững, quy mô và ổn định. Về muôn vẻ "tình yêu Hà Nội" vẫn luôn tồn tại bền bỉ qua mỗi năm, dù là những gam màu lấp lánh hay âm thầm. Rồi, cả về sự cần thiết của dòng chảy ấy - khi với ông, hai chữ "Hà Nội" giống như một phẩm giá đã được định hình, và các nhân cách lớn trên cả nước qua mọi giai đoạn đều gắng bồi đắp bằng trí tuệ, tài năng, tâm huyết…

Nhìn cách mà nhà văn chia sẻ tình cảm - trong đó, ở một chừng mực có cả sự khắt khe - về Hà Nội, hẳn nhiều người sẽ nghĩ tới lời Tô Hoài, người mà ông Hải ngưỡng mộ và cũng từng giành Giải thưởng Lớn mang tên danh họa Bùi Xuân Phái vào năm 2010. Sinh thời, tác giả Dế mèn phiêu lưu ký từng nhận xét rằng trong lịch sử, cư dân tứ xứ dồn về lập nên Hà Nội. Và nếu khen người Hà Nội hay, khen Hà Nội đẹp, thì đơn giản đó là cái hay, cái đẹp kết tụ từ tinh hoa bao nhiêu xứ khác về đây.

Quê Hải Dương, nhà văn Hoàng Quốc Hải yêu và nhìn về Hà Nội theo cách ấy. Với ông, vẻ đẹp của vùng đất này nằm ở nhân cách của những gương mặt như họa sĩ Bùi Xuân Phái, ở những trang văn tả Hà Nội mà ông đọc từ hồi nhỏ của Thạch Lam, Vũ Bằng, Thế Lữ, Nguyễn Triệu Luật, Trúc Khê, ở tài năng của những bậc đàn anh mà ông từng gặp khi làm việc tại Hội Văn nghệ Hà Nội như Kim Lân, Tô Hoài, Huyền Kiêu… Rồi xa hơn, đó là vẻ đẹp từ những giá trị kết tinh mà Thăng Long - Hà Nội để lại trong suốt chiều dài lịch sử - văn hóa của mình.

Bởi thế, cũng dễ hiểu: Một cách tự nhiên, Hà Nội và người Hà Nội luôn xuất hiện trong hàng ngàn trang tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký, tiểu luận phê bình… của Hoàng Quốc Hải, ngay cả khi ông không viết về nó một cách trực tiếp, trong gần 70 năm cầm bút!

Nếu khen người Hà Nội hay, khen Hà Nội đẹp, thì đơn giản đó là cái hay, cái đẹp kết tụ từ tinh hoa bao nhiêu xứ khác về đây.

Lặng lẽ giữa dòng chảy lịch sử

Nói về việc được vinh danh là Công dân Thủ đô ưu tú năm 2024, nhà văn Hoàng Quốc Hải khá điềm đạm. Ông kể một cách chân tình rằng, ban đầu khi được Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật đề nghị làm hồ sơ và giới thiệu, mình từng cám ơn và từ chối với lý do nên trao giải thưởng ấy cho những người trẻ, còn đang làm việc và cống hiến nhiều. Rồi danh hiệu vẫn được trao, ông gọi đó là sự ưu ái của Hà Nội, cũng như tình cảm của anh em bạn nghề.

"Tất nhiên, tôi vẫn vui vì được ghi nhận, dù mục đích khi cầm bút viết về Hà Nội chỉ là tình cảm tự thân - và ở một chừng mực, là sự biết ơn với vùng đất đã cưu mang, gắn bó cùng mình gần 6 thập niên" - ông nói.

Báo Tết - Nhà văn Hoàng Quốc Hải - Một đời vì Hà Nội - Ảnh 3.

Bộ tiểu thuyết "Bão táp triều Trần"

Vẫn điềm đạm, nhà văn trò chuyện quanh nghiệp viết. Ông thoải mái kể về nhiều năm trời cặm cụi hàng ngày tới đọc sách tại Thư viện Quốc gia sau khi về Hà Nội năm 1966. Về quan điểm phải tự học, tự đọc để hoàn thiện tri thức của mình. Về những lần thức cả đêm viết vài chục trang bản thảo - để rồi sáng dậy, đọc lại và đốt ngay vì "tự ngượng với bản thân".

"Có thực tế thế này: Ngay cả với vợ - vốn là người trong nghề - tôi cũng không bao giờ khoe, hoặc đưa cho xem các trang viết của mình trước khi xuất bản. Đưa bạn bè để góp ý lại càng không", ông tủm tỉm. "Mình có thể âm thầm học tất cả mọi người để tìm kiếm những gì phù hợp với bản thân. Nhưng sáng tạo phải là câu chuyện độc lập của cá nhân, không thể bám vào người khác…".

Sự nghiêm túc, chỉn chu (và cả chút khắt khe với bản thân mình) của Hoàng Quốc Hải có thể thấy rõ ở cách mà ông viết những tiểu thuyết lịch sử. Bắt đầu với thể loại này khi đã ngoài 40 - độ tuổi có sự chín chắn về nghề cộng cùng vốn kiến tri thức đầy đặn trong những năm làm việc tại ngành văn hóa - vậy nhưng nhà văn vẫn chọn con đường cặm cụ đi điền dã, trải nghiệm cảm xúc thực tế, ghi chép tư liệu… để bù lại những "khoảng trống" và sự khô khan của lịch sử.

Nhớ lại, năm 2009, người viết từng có dịp trò chuyện với nhà văn khi ông đang viết thêm khoảng 1.000 trang cho bộ Bão táp triều Trần - vốn đã ra đời từ 1993 với độ dày gần 2.000 trang và được đón nhận khá tích cực. Quyết định ấy được đưa ra bởi bản viết cũ mới chỉ đề cập tới khoảng 100 năm, trong số 175 năm tồn tại của vương triều Trần.

Báo Tết - Nhà văn Hoàng Quốc Hải - Một đời vì Hà Nội - Ảnh 4.

Bộ tiểu thuyết "Tám triều vua Lý"

Và, nhà văn muốn giải quyết "món nợ" với hơn 70 năm còn lại từ quan điểm giản dị: Văn chương hóa lịch sử là điều phải làm - khi những trang sử cũ vốn ngắn gọn và khô khan. Và nếu các nhà văn làm được điều ấy, đó sẽ là những cuốn sách mang lại kiến thức lịch sử và truyền cảm hứng khám phá cho người đọc.

Để rồi hơn một năm sau, ngoài bộ Bão táp triều Trần đã hoàn chỉnh, Hoàng Quốc Hải còn ra mắt cả 4 tập Tám triều vua Lý. Đến giờ, 2 bộ tiểu thuyết lịch sử tổng cộng dày ngót nghét 6.000 trang ấy đến giờ vẫn in đậm dấu ấn trong sự nghiệp sáng tác của ông. Khá thú vị, đó cũng là những bộ sách gắn với sự tồn tại của 2 vương triều rực rỡ và bi tráng nhất trên kinh đô Thăng Long ngàn năm tuổi…

Trầm tĩnh, nhưng cuối buổi nói chuyện với người viết quanh lịch sử Thăng Long - Hà Nội, Hoàng Quốc Hải lại miên man trong những cảm xúc và suy tưởng của mình. Ông nói nhiều về chiều sâu của văn hóa Hà Nội từ cổ chí kim, về việc chỉ cách đây mấy thập niên, nếp sống nơi Kẻ Chợ vẫn là khuôn mẫu và mơ ước của các tỉnh liền kề.

Rồi nhà văn kể một câu chuyện vẫn in đậm trong trí nhớ. 70 năm trước, chị gái ông tới chợ Đồng Xuân để tìm vải may áo cưới. Chưa chọn được mẫu vải ở hàng đầu tiên, người bán đưa bà tìm tới tất cả các bạn hàng trong chợ để chọn tiếp, rồi mỉm cười khi chuyện mua bán vẫn không thành: "Em vừa sành, vừa kĩ tính. Vậy tôi sẽ dẫn em sang phố Hàng Đào mua vải của các thương nhân người Ấn. Chắc em sẽ ưng hơn, nhưng bên đó hơi khó mặc cả"…

"Chị tôi chuyến ấy mua được vải. Để rồi mươi năm trước, vào cuối đời, bà vẫn hỏi mãi khi gặp tôi: Em ơi, người Hà Nội bây giờ có được như hồi ấy không? Tôi chỉ biết im lặng vì rất khó trả lời…", nhà văn nói với một tiếng thở dài.

Vài nét về nhà văn Hoàng Quốc Hải

Nhà văn Hoàng Quốc Hải sinh năm 1938 tại Hải Dương, là hội viên Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật Hà Nội. Ông được biết tới trên cương vị tác giả của nhiều tiểu thuyết, đặc biệt là tiểu thuyết lịch sử, và nhiều bài viết, khảo luận về lịch sử văn hóa phong tục của Việt Nam.

Ông từng nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2017; Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2008, Giải Thành tựu văn học trọn đời năm 2020 của Hội Nhà văn Hà Nội và được Thành phố Hà Nội trao tặng danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú năm 2024".

Hoàng Nguyên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm