Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư: "Sách là người thầy toàn diện nhất"

09/12/2024 18:49 GMT+7 | Văn hoá

Sắp bước sang tuổi 105, với hơn 60 đầu sách, nhưng mỗi ngày vẫn viết chừng 8 - 10 tiếng và dự định hoàn thành 10 cuốn sách nữa trước khi… "nghỉ hưu". 

Đó chỉ có thể là nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư (sinh năm 1920), người vừa nhận giải A Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ VII với công trình Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử (1698 - 2020).

Ông kể, thời khó khăn, 6 - 7 năm ròng đạp xe tới thư viện, ăn cơm hộp, trải áo mưa nghỉ trưa chỉ để đọc sách. Ngồi lề đường sửa xe đạp vẫn kê hộp đồ nghề viết cho xong 6 tập tiểu thuyết lịch sử. Dù bao đổi thay, Nguyễn Đình Tư vẫn một lòng say mê nghiên cứu, là người viết sách đặc biệt, viết xuyên qua 2 thế kỷ.

Bản thảo hơn 20 năm

Trên khuôn mặt rặt những vết đồi mồi, nhưng luôn thường trực nụ cười tươi hồn hậu, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư bày tỏ niềm vui của mình khi một lần nữa được nhận giải thưởng cao nhất của Giải thưởng Sách quốc gia. Năm 2018, Nguyễn Đình Tư từng đoạt giải A Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ nhất với bộ 2 tập Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam kỳ (1859 - 1954).

"Tôi thấy không niềm sung sướng, phấn khởi nào bằng! Bởi một người bình thường như tôi lại được vinh dự lớn như vậy. Không chỉ môt lần, mà tới những 2 lần" - ông chia sẻ.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư: "Sách là người thầy toàn diện nhất" - Ảnh 1.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư

Khi được hỏi về cơ duyên đầu tiên của cuốn sách này, Nguyễn Đình Tư cho biết: "Vào năm 1998, khi TP.HCM loan báo rằng sẽ tổ chức kỷ niệm 300 năm, tôi cũng theo dõi báo chí và nhận thấy không có cơ quan nào, hoặc cá nhân nào đề cập tới việc viết một cuốn sách toàn diện, để giới thiệu với nhân dân trong nước và thế giới biết về về thành phố này. Tôi theo dõi và thấy im lặng quá, nên sốt ruột lắm! Vậy là tôi đã tự ý soạn đề cương, một cuốn sách về lịch sử TP.HCM 300 năm gửi cho giáo sư Trần Văn Giàu, để xem nội dung như vậy có được không? Nếu được thì sẽ giao cho cơ quan hoặc đoàn thể nào đó viết một cuốn sách như vậy".

Đề cương ấy lại được gửi tới một viện khoa học và chừng một tuần sau thì ông nhận được đề nghị viết cuốn sách này. "Tôi mừng, vì hết sức ngạc nhiên, sao mình lại nhận được sự tín nhiệm như vậy. Tôi nhận lời và thời gian chỉ còn có 3 tháng".

Trong thời gian gấp rút như vậy, ông đã dồn hết thời gian, công sức đi tới các thư viện, các trung tâm lưu trữ để sưu tầm tài liệu. Tiếp đó là bắt tay vào viết. "Thời điểm đó, tôi chưa có máy vi tính, bản thảo đầu tiên hoàn toàn viết tay, sau đó thuê người ta đánh máy. Đó là giai đoạn đầu công phu, chật vật như vậy đấy".

Bản thảo đầu tiên của cuốn sách Gia Định - Sài Gòn - TP.HCM đã được hoàn thành, được hội đồng nghiệm thu đánh giá có chất lượng, có thể xuất bản được. Thậm chí bìa sách cũng đã thiết kế xong, nhưng cuối cùng thì cuốn sách lại chưa thể ra mắt.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư: "Sách là người thầy toàn diện nhất" - Ảnh 2.

Bộ sách "Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử (1698 - 2020)"

Không nản lòng, vì với Nguyễn Đình Tư, đó chỉ là một trở duyên rất nhỏ. "Lúc ấy tôi nghĩ rằng bây giờ sách chưa ra được, nhưng mà có một ngày nào đó cuốn sách sẽ đến được với tay bạn đọc. Tôi đã giữ lại bốn tập bản thảo, bổ sung và chỉnh sửa dần dần, với suy nghĩ rằng sẽ đến ngày nào đó sử dụng chúng".

Và hơn 20 năm sau, đến năm 2020, khi nhận thấy cơ duyên đã tới, Nguyễn Đình Tư đem 4 tập bản thảo đó ra hoàn thiện, dù không ai đặt hàng. Thành ra, việc bản thảo bị ngâm hơn 20 năm, cũng là dịp để tìm hiểu, bổ sung thêm những phần tư liệu chưa chính xác hoặc còn thiếu.

"Bản thảo hoàn thành, tôi gửi cho NXB Tổng hợp TP.HCM, họ nhận thấy nội dung tốt, nên đã nhận biên tập và in ấn. Tên sách lúc đầu là Gia Định - Sài Gòn - TP.HCM: 320 tuổi, nhưng sau đó thấy mộc mạc quá, nên NXB đã trao đổi và sửa lại như hiện tại. Nay thì bộ sách đã đi xa hơn mong ước ban đầu của tôi ở rất nhiều khía cạnh" - Nguyễn Đình Tư nói.

Với nhiều bạn đọc, bộ sách có thể trở thành một tập cẩm nang hoặc công cụ tra cứu về TP.HCM.

"Mỗi ngày tôi dùng từ 8 - 10 tiếng ngồi viết, có khi say sưa quá, viết liền 12 tiếng. Mình cứ cố gắng như vậy, thành quen, vì nếu không cố gắng mất mạch, sợ hôm sau quên mất thì sao" - Nguyễn Đình Tư.

Ngồi viết mỗi ngày

Với hành trình hơn 80 năm lao động, sáng tạo, cống hiến, ông đã xuất bản hơn 60 cuốn sách, thuộc nhiều thể loại.

Ngoài hai tác phẩm đạt giải Sách Quốc gia như đã kể, ông còn nhiều tác phẩm tiêu biểu như Non nước Phú Yên, Non nước Khánh Hòa, Non nước Ninh Thuận, Địa chí hành chính các tỉnh Nam kỳ thời Pháp thuộc (1859 - 1954), Đường phố nội thành TP.HCM, Nam kỳ địa hạt tổng thôn danh hiệu mục lục… Những cuốn sách đầu tiên của ông được xuất bản từ những năm 1943 - 1944 như Nguyễn Xí, Dì ghẻ con chồng, Thù chồng nợ nước… Đây là những cuốn truyện lịch sử dành cho thiếu nhi.

Ông cũng là thành viên của Hội đồng đặt tên đường TP.HCM, có nhiều đóng góp trong việc nghiên cứu tên các con đường tại thành phố này và đề xuất nhiều tên nhiều con đường quan trọng.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư: "Sách là người thầy toàn diện nhất" - Ảnh 4.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư trò chuyện với TT&VH

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, trên mảnh đất miền Trung đầy nắng gió, thêm gia cảnh mồ côi mẹ, sống với mẹ kế từ nhỏ, hành trình đến với con chữ của cậu bé Nguyễn Đình Tư rất khó khăn. Thế nhưng, ông đã sớm nhận ra, học hành là con đường giúp thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn và những khó khăn, trở ngại trong tư duy, tâm lý. Trong những giai đoạn gia đình quá khó khăn, bố mẹ không thể cho ông đi học, ông từng quyết liệt xin bố mẹ tìm cách để ông được đi học.

"Tôi nói với bố rằng, những chuyện riêng tư như cưới vợ, làm nhà, chia ruộng, chia trâu… nên dẹp hết, nên bán hết cho con đi học, những thứ ấy về sau con tự lo lấy" - ông kể.

Khi đã là tác giả của mấy chục đầu sách, nhận được nhiều giải thưởng, ông vẫn vô cùng khiêm tốn, cho rằng tất cả những điều ấy đều nhờ ý chí quyết tâm học, đọc sách mà thành. "Sau này kể cả không còn học trên trường lớp nữa, nhưng tôi vẫn tiếp tục học qua sách vở. Tôi cho rằng, sách là người thầy toàn diện nhất".

Ông nói thêm: "Chính nhờ sách mà tôi nhẹ nhàng bước vào cuộc đời, từ vô danh tiểu tốt đến khi được nhiều người biết đến". Với tinh thần tự học và tình yêu sách đặc biệt, vào Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024 tại TP.HCM, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư đã trở thành Đại sứ văn hóa đọc trọn đời. "Tôi mong thanh niên nên dùng thêm phương pháp đọc sách để học tập. Học là đọc. Đọc để tích lũy thêm kiến thức và để mở rộng tầm nhìn".

Sau hơn 80 năm đọc, nghiên cứu và viết sách, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư vẫn đang tiếp tục với những dự định của mình. "Tôi chủ trương viết thêm 10 cuốn sách nữa. Đây sẽ là những cuốn sách về lịch sử địa danh hành chính của tất cả các vùng miền trên cả nước, Nam bộ đã hoàn thành, hiện đang viết về Trung bộ, tiếp tới là Bắc bộ… Tôi sẽ viết về toàn quốc".

"Tôi không viết về các xã phường hiện nay, mà viết lịch sử của các địa danh, từ khởi thủy đặt tên gì, trải qua những quá trình lịch sử ra sao. Đó là hành trình lịch sử của những tên gọi để những người sau này muốn biết về lịch sử làng xã của mình có thể tìm hiểu, nghiên cứu thêm".

Với nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư, niềm say mê đọc và viết vẫn vẹn nguyên, có khác chăng là giờ, thay vì những bản thảo viết tay chữ con kiến, ông đã có thể gõ trên máy vi tính.

"Mỗi ngày tôi dùng từ 8 - 10 tiếng ngồi viết, có khi say sưa quá, viết liền 12 tiếng. Mình cứ cố gắng như vậy, thành quen, vì nếu không cố gắng mất mạch, sợ hôm sau quên mất thì sao" - ông nói.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư sinh ngày 12/3/1920 tại quê tổng Võ Liệt, nay là xã Thanh Chi, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Hiện ông đang sinh sống tại TP.HCM.

Yên Khương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm