Trẻ em đang thiếu 'chất dinh dưỡng tinh thần'

01/06/2013 07:43 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - “Hiện nay chúng ta mới chỉ lo dinh dưỡng cho trẻ. Các nhà khoa học chỉ tính toán xem trẻ em thiếu chất nọ chất kia, nhưng “chất dinh dưỡng tinh thần” thì không ai tính. Bây giờ thiếu nhi chủ yếu hát nhạc Hàn Quốc, hát bài nước ngoài, bài hát người lớn” - nhạc sĩ của An Thuyên chia sẻ về “nỗi lo ngại khủng khiếp” khi trẻ em Việt hiện không có bài hát thiếu nhi để hát.

Nhạc sĩ An Thuyên

Chính vì lẽ đó, nhạc sĩ An Thuyên đã dành gần hai năm để thực hiện Tổng tập các ca khúc thiếu nhi Việt Nam giới thiệu các sáng tác của các nhạc sĩ sinh từ năm 1910 đến nay, gồm 5 tập. Hiện tập đầu tiên đã hoàn thành bản thảo đưa NXB Giáo dục in, dự kiến sẽ ra mắt độc giả trong tháng 8/2013 tới.

Bộ sách hoàn chỉnh nhất

Tổng tập các ca khúc thiếu nhi Việt Nam giới thiệu các sáng tác của các nhạc sĩ sinh từ năm 1910 đến nay đã được nhạc sĩ An Thuyên cùng các nhạc sĩ trong Hội Âm nhạc Hà Nội như Văn Dung, Hoàng Long, Hoàng Lân, Phan Phương, PGS-TS Lân Cường, nhạc sĩ Cao Minh Khanh... bắt tay vào làm từ gần hai năm qua.

Gần hai năm cũng là khoảng thời gian mà nhạc sĩ An Thuyên gác lại hầu hết những công việc khác, kể cả công việc sáng tác, để cùng với các “anh em” của mình gửi công văn, dò tìm, gõ cửa khắp nơi để sưu tập các ca khúc thiếu nhi. Công việc gian nan, vất vả nhưng vô cùng thú vị. “Đội” của ông đã công phu sưu tầm được cả những ca khúc đã mất của các nhạc sĩ gạo cội mà ngay chính nhạc sĩ và gia đình cũng không còn giữ.

Rất tiếc, mới tham gia được một phần công việc thì nhạc sĩ Cao Minh Khanh đã đột ngột ra đi mãi mãi!

Hiện tập 1 của Tổng tập gồm 78 tác giả với hơn 300 bài hát giới thiệu sáng tác của các tác giả năm sinh từ năm 1910 đến năm 1929 có tên gọi Giai điệu tuổi thần tiên đã hoàn thiện và đã gửi NXB Giáo dục đợi in, dự kiến tháng 8 sẽ ra mắt độc giả. Tập 2 giới thiệu tác phẩm của các tác giả năm sinh từ 1930 đến 1939 đang hoàn thiện bản thảo, dự kiến đầu năm 2014 sẽ ra mắt độc giả. Tập 3 giới thiệu tác phẩm của các tác giả năm sinh từ 1940 đến 1949, dự kiến các tác phẩm của các tác giả sinh từ 1950 đến nay sẽ tiếp tục được sưu tầm biên soạn trong tập 4 và 5.

Khi Tổng tập hoàn thành và ra mắt độc giả sẽ là bộ sách hoàn chỉnh nhất về các ca khúc thiếu nhi của Việt Nam trong 100 năm qua. “Lâu nay cũng có người làm tuyển, làm lẻ theo từng đề tài như ca khúc cho trẻ mẫu giáo, ca khúc cho thiếu niên... còn chúng tôi làm tất cả” - nhạc sĩ An Thuyên “khoe” sự hoàn chỉnh của Tổng tập.

“Lo ngại khủng khiếp”

Chia sẻ về lí do tại sao lại chọn công việc gian khó mà hoàn toàn không có một quỹ tài trợ nào “chống lưng”, nhạc sĩ An Thuyên tâm sự về một hiện thực đáng “lo ngại khủng khiếp” luôn khiến ông đau đáu bấy lâu: “Trẻ em Việt Nam giờ không có bài hát. Hiện nay chúng ta mới chỉ lo dinh dưỡng cho trẻ. Các nhà khoa học chỉ tính toán xem trẻ em thiếu chất nọ chất kia, nhưng có một “chất dinh dưỡng tinh thần” thì không ai tính. Nên bây giờ thiếu nhi chỉ hát nhạc Hàn Quốc, hát bài hát nước ngoài, bài hát người lớn”.

“Trẻ em hiện nay “thiểu năng” về văn hóa dân tộc là lỗi của người lớn chứ không phải của các em”.

Nhạc sĩ An Thuyên tiếp tục trăn trở: “Một xã hội không chỉ biết lo cho trẻ em no đủ về vật chất, mà phải biết lo cho trẻ em không suy thoái đạo đức, không mất đi lòng nhân ái, biết yêu con người, ham lao động và học tập. Thử hình dung một thế hệ trẻ em lớn lên “thiểu năng lòng nhân ái”, “thiểu năng văn hóa dân tộc”, thì no đủ liệu có ích gì?”

Trong khi đó, nhạc sĩ An Thuyên cho biết và thế hệ của mình, thủa nhỏ đã được rèn luyện nhân cách từ những bài hát thiếu nhi ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, ca ngợi Đảng, Bác Hồ.

Ông kể: “Ngày ấy gian khổ lắm, nghèo lắm, nhưng chúng tôi giàu lời ca tiếng nhạc, những bài hát thiếu nhi cho tôi và các bạn bè làng quê tôi một khát vọng, cháy bỏng một tình yêu lớn, nuôi chúng tôi lớn lên làm người, biết yêu Tổ quốc, yêu con người. Các bài hát thiếu nhi đã góp phần làm nên nhân cách của tôi và bao người thế hệ tôi”.

“Thực ra hiện nay vẫn có những ca khúc thiếu nhi được sáng tác, nhưng không ai xuất bản, không ai sản xuất, không ai tuyên truyền, quảng bá nó. Nhạc sĩ viết xong lại bỏ vào ngăn kéo. Lâu dần người ta sẽ không làm nữa mà tập trung vào những công việc dễ kiếm tiền như làm nhạc phim, nhạc quảng cáo...” - Nhạc sĩ An Thuyên lí giải thêm dẫn tới việc trẻ em ngày nay “đói” ca khúc cho lứa tuổi mình.

“Trẻ em hiện nay “thiểu năng” về văn hóa dân tộc là lỗi của người lớn chứ không phải của các em. Phải để cho lớp trẻ bây giờ thấy được rằng Việt Nam trong 100 năm qua đã có một kho tàng các ca khúc cho thiếu nhi rất tuyệt vời” - thêm một lý do để những nhạc sĩ đã ở tuổi “xưa nay hiếm” này gác bỏ công việc để “dấn thân” vào việc đầy khó khăn là làm Tổng tập các ca khúc thiếu nhi Việt Nam.

Lam Anh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm