Nghi - Miến - Sơn - Phềnh: Những dấu ấn tiên phong khó phai mờ

25/06/2019 20:17 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Nhiều ý kiến lấy ngày Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương thành lập (1924) hoặc tuyển sinh (1925) làm cột mốc của mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Điều này không sai, nhưng có lẽ chưa đầy đủ. Bởi trước cột mốc này khá lâu thì vua Hàm Nghi cùng các họa sĩ Nguyễn Văn Nhân, Lê Văn Miến, Nguyễn Nam Sơn, Thang Trần Phềnh… đã sáng tác theo phương pháp hiện đại.

4 dấu ấn ban sơ của điêu khắc Việt Nam hiện đại

4 dấu ấn ban sơ của điêu khắc Việt Nam hiện đại

Đặt vấn đề xây dựng “bộ tứ” điêu khắc của nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại trong những thập niên đầu thế kỷ 20 là một đầu bài khó. Trong nỗ lực đi tìm chân dung những bậc tiền bối đặt nền móng thời kỳ đầu, xin thử đề cử 4 chân dung.

Đây là còn chưa kể những linh hồn của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương như Victor Tardieu (1870-1937), Nguyễn Nam Sơn (1890- 1973), Alix Aymé (1894-1989), Joseph Inguimberty (1896-1971)… cũng đã góp cho mỹ thuật Việt nhiều tác phẩm đáng chú ý. Rồi các họa sĩ viễn du đến An Nam và Đông Dương như Gaston Roullet (1847-1925), René Bassouls (1877-không rõ năm mất), Léo Craste (1887-1970), Marie Antoinette Boullard-Devé (1890-1970), Maurice Ménardeau (1897-1977), André Maire (1898-1984)… cũng để lại nhiều dấu ấn đáng kể.

Từ các danh sách trên đây, kèm với Nguyễn Phan Chánh, Lê Văn Đệ, Lương Xuân Nhị, Tạ Tỵ… mỹ thuật hiện đại còn có thể phân ra thêm vài bộ tứ thú vị nữa. Nhưng để tạm kết lại chuyên đề này, chúng tôi thử đưa ra bộ tứ tiên phong Nghi - Miến - Sơn - Phềnh, gồm vua - họa sĩ Hàm Nghi (1871-1944), Lê Văn Miến (còn gọi Lê Huy Miến, 1874-1943), Nguyễn Nam Sơn (1890-1973), Thang Trần Phềnh (1895-1972).

Chú thích ảnh
Từ trái sang: Nghi - Miến - Sơn - Phềnh. Ảnh: Tư liệu

Hàm Nghi: “sơ tổ” mỹ thuật hiện đại Việt

Gần đây cộng đồng người Việt đã xôn xao khi một bức tranh của Hàm Nghi được đấu giá tại nhà Drouot (Pháp) ngày 24/11/2010. Bức tranh có tựa là Déclin du Jour (Chiều tà), ký tên Tử Xuân (biệt hiệu của Hàm Nghi), vẽ năm 1915, trình bày phong cảnh sau biệt thự Gia Long, nơi cựu hoàng bị lưu đày. Ngày nay, biệt thự Gia Long không còn ở Algeria, chỉ còn con đường mang tên Chémin du Prince d’Annam (Con đường hoàng thân An Nam).

Cuộc sống lưu đày buồn bã, nhận thấy ông hoàng An Nam có khiếu nghệ thuật, viên Thống đốc giúp ông học đàn (dương cầm, vĩ cầm) và mỹ thuật với Marius Reynaud (1860-1935). Hàm Nghi học rất chăm, lấy hội họa làm cứu cánh cho nỗi cô độc của một người mất nước, vẽ rất nhiều, ký tên là Tử Xuân. Sau đó ông chuyển sang điêu khắc, học với điêu khắc gia lừng danh Auguste Rodin (1840-1917), tập nặn tượng bán thân, chân dung... So sánh hai thể loại, Hàm Nghi xuất sắc hơn về điêu khắc.

Chú thích ảnh
Việc đấu giá bức “Chiều tà (sơn dầu, 34cm x 46cm, 1915) tại Paris ngày 24/11/2010 đã bất ngờ đưa Hàm Nghi lên vị trí sư tổ mỹ thuật hiện đại Việt

Phóng viên De Varingi đã viết một bài mô tả cảnh sống của vua Hàm Nghi tại Algérie, đăng trên báo Le Temps: “Nơi vua Hàm Nghi thích nhất và làm việc suốt ngày là thư phòng lát đá hoa. Trên bàn sách báo ngổn ngang, các họa phẩm treo đầy trên tường. Trên giá vẽ còn nhiều bức đang dở dang. Ngài còn chỉ nơi đánh đàn, hoặc chỗ để máy chụp ảnh... Những vật ấy lộ rõ cái chí ham hiểu biết, ham sáng tạo của Ngài...”.

Hàm Nghi bắt đầu vẽ từ năm 1889, có thể nói là họa sĩ Việt đầu tiên vẽ theo bút pháp hiện đại. Ông còn làm nhiều điêu khắc đồng, thạch cao... Năm 1962, căn nhà ông sống ở Algeria bị đốt, phần lớn tác phẩm bị hủy hoại, số còn lại do gia đình, bạn bè sở hữu còn dưới 100 tác phẩm.

Tuy vậy, riêng phần còn lại này đã đủ cho thấy tầm vóc tiên phong của Hàm Nghi, dù sống bên ngoài, nhưng tác phẩm đậm chất Việt. Danh họa Foujita (1886-1968) nhận định về tranh Hàm Nghi: “Các tác phẩm của ông rất thú vị, cho thấy các phẩm chất của một họa sĩ thực thụ và trên hết là một sự nhạy cảm lớn”.

Lê Văn Miến: “sơ tổ” sơn dầu Việt Nam

Được triều đình Huế chọn gửi sang Pháp học Trường Thuộc địa (École Coloniale) tại Paris vào năm 1892, nhưng sau khi tốt nghiệp, Lê Văn Miến không trở về làm quan. Ông quyết định ở lại theo học Trường Mỹ thuật Paris, dưới sự hướng dẫn của Jean-Léon Gérôme (1824-1904), họa sĩ và điêu khắc gia có khuynh hướng Đông phương.

Lê Văn Miến sớm làm quen với nghệ thuật vẽ sơn dầu rất phổ biến tại châu Âu. Nếu ở thế giới bên ngoài Hàm Nghi là đầu tiên, thì tại An Nam, ông là người đầu tiên vẽ tranh sơn dầu.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Bình văn” được cho là của Lê Văn Miếu, một trong vài bức sơn dầu đầu tiên còn sót lại của Việt Nam

Tác phẩm của Lê Văn Miến dùng phương pháp Tây phương để trình bày phong cảnh và con người An Nam. Ngoài bức Bình văn (sơn dầu, 68cm x 97cm, vẽ khoảng 1898 tới 1905) được cho là của Lê Văn Miến, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, ông còn lại một số chân dung vẽ theo khuynh hướng tả thực, có tính cách hàn lâm, nghiêm chỉnh, với bút pháp cẩn trọng. Tiêu biểu có Chân dung cụ Tú Mền (sơn dầu, 54cm x 63cm, 1898), hai bức Chân dung ông bà Nguyễn Khoa Luận (phấn màu, 60cm x 80cm, khoảng 1900), Chân dung cụ Lê Văn Hy (sơn dầu)...

Có ý kiến cho rằng các tác phẩm của ông chỉ có giá trị thời gian, không hẳn là những viên ngọc quý của mỹ thuật Việt Nam, nếu xét theo nghệ thuật thuần túy. Tuy nhiên, những bức tranh sơn dầu đầu tiên vẽ tại An Nam của Lê Văn Miến chứng tỏ vào cuối thế kỷ thứ 19 đã có người Việt đi theo dòng nghệ thuật bác học Tây phương. Điều này để lại nhiều cảm hứng cho những người kế cận và thăng hoa.

Nguyễn Nam Sơn: phục hưng mỹ thuật truyền thống

Tốt nghiệp Trường Bưởi, ông vào làm tại Sở Tài chánh Đông Dương, nhờ có khiếu vẽ, biệt hiệu Nam Sơn đã xuất hiện thường xuyên trên các báo như Đông Dương, Nam phong, Viễn Á (Extrême-Asie), Trang Đông Dương (Pages Indochinoises)... Năm 1923 ông chuyển sang Nha Học chính, phụ trách phần minh họa cho các sách Quốc văn giáo khoa thư, Luân lý giáo khoa thư...

Cũng khoảng thời gian này, may mắn gặp Victor Tardieu, ông được hướng dẫn tận tình kỹ thuật Tây phương. Nam Sơn đã tham dự cuộc đấu xảo do Hội Khai trí Tiến Đức tổ chức năm 1923 với các tranh Mục đồng (màu nước), Nhà Nho xứ Bắc (sơn dầu, 40cm x 50cm), Tĩnh vật (sơn dầu, 40cm x 50cm).

Chú thích ảnh
Ngày 26/3/2018 tại Paris, bức tranh lụa “Thôn nữ Bắc kỳ” (65cm x 52,5cm, 1935) của Nguyễn Nam Sơn bất ngờ tăng giá gần 600%, xác lập kỷ lục mới với giá 205.000 euro (hơn 5,7 tỷ đồng)

Ngày 24/10/1927, một nghị định do Nha Học chính đề cử Nam Sơn là giáo sư phụ trách lớp dự bị và chuyên ngành trang trí. Ông là người Việt Nam đầu tiên có chức vụ giáo sư chính thức trong ngôi trường này.

Vai trò đồng sáng lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương của Nam Sơn được nhắc đến trong quyển Các trường Mỹ thuật Đông Dương (Les Ecoles d’art de l’Indochine), do Toàn quyền Đông Pháp xuất bản tại Paris năm 1937. Ở trang 16, có đoạn: “… Việc giảng dạy môn đồ họa và trang trí được phụ trách bởi một giáo sư chuyên ngành bậc 2, ông Nam Sơn, là 1 trong 2 người sáng lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ông đã đạt được những thành quả lỗi lạc trong việc giáo dục đào tạo và đóng góp một phần rộng lớn trong việc phục hưng nền mỹ thuật truyền thống An Nam, cũng là học thuyết và hiến chương của toàn trường”.

Trong suốt cuộc đời họa sĩ, Nam Sơn không ngừng tìm tòi, học hỏi... những tác phẩm phối hợp hài hòa hai phương pháp Đông Tây của ông đã vang tiếng trong nhiều cuộc triển lãm vào các thập niên 1930-1940 tại Pháp, Italy, Đức, Bỉ, Hoa Kỳ, Nhật Bản... Ngày 9/3/1945, khi Nhật đảo chánh Pháp, các giáo sư người Pháp bị bắt hoặc buộc trở về Pháp. Lần đầu tiên Nam Sơn - Nguyễn Văn Thọ trở thành Quyền Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.

Thang Trần Phềnh: “sơ tổ” thị trường mỹ thuật

Thang Trần Phềnh rất có năng khiếu vẽ, từ khi còn học Trường Bưởi, ông luôn đứng nhất môn hội họa. Gia cảnh khó khăn, có ý thức tự lập sớm, Trần Phềnh đã vẽ tranh bày bán trong hiệu buôn của cha mình.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Lớp học sơ tán” (lụa, 55cm x 83,3cm, 1968) của Thang Trần Phềnh, hiện thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Sau khi tốt nghiệp Trường Bưởi, thiết tha với mỹ thuật, ông vẫn chuyên cần luyện vẽ khi có thì giờ. Để giúp đỡ thêm tài chính cho gia đình, ngoài việc vẽ tranh bán, ông còn cộng tác với các rạp hát vẽ phông phong cảnh, cũng như phụ trách phần mỹ thuật và minh họa cho nhiều tạp chí.

Đáng kể nhất, ông hợp tác với Hội Những người bạn cố đô Huế (Association des Amis du Vieux Huế) minh họa nhiều hình ảnh rất đẹp cho quyển Nghệ thuật ở Huế (l'Art à Huê, 1919), ký tên Trần Văn Phềnh. Ngoài ra ông cũng cộng tác với Trung Bắc tân văn, Thực nghiệp dân báo, Beaux-Art. Ông sớm chọn tác phong làm việc theo mô hình mà ngày nay chúng ta gọi là “họa sĩ thị trường”.

Thang Trần Phềnh đã có tác phẩm tham gia các cuộc đấu xảo rất sớm. Ngay từ tuổi 16 (năm 1911), bức tranh màu nước Chùa Trấn Quốc trước khi mặt trời lặn của ông đã là điểm nhấn của thị trường. Điều đáng kể, vào năm 1923, tại đấu xảo do Hội Khai trí Tiến Đức tổ chức, ông đã sánh vai với Nam Sơn triển lãm những bức tranh sơn dầu đầu tiên của nước Việt, thu hút nhiều nhà sưu tập.

Năm 1931, Thang Trần Phềnh tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, nhưng không đi dạy hoặc được bổ nhiệm làm công chức liên quan đến mỹ thuật, mà đi theo hướng thị trường tự do. Thế rồi tiếng gọi của nghệ thuật sân khấu đã lôi cuốn và dẫn dắt ông vào con đường hoàn toàn khác với các bạn học, nên đứng ra tổ chức gánh hát, lập Ban hát mỹ thuật đồng ấu để đi lưu diễn.

Ngô Kim Khôi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm