Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4: Hà Nội dẫn đầu cả nước về số lượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp

25/04/2025 14:43 GMT+7 | Tin tức 24h

Ngày 25/4, tại Hà Nội, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp với UBND thành phố Hà Nội và Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội tổ chức hoạt động hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4-World IP Day 2025 với chủ đề “Sở hữu trí tuệ và âm nhạc: Cảm nhận nhịp điệu của Sở hữu trí tuệ”. Bên lề sự kiện, phóng viên có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quốc Hà - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội về nội dung liên quan đến sở hữu trí tuệ và đổi mới sáng tạo.

* Hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4-World IP Day 2025, Hà Nội đã có giải pháp gì thưa ông?

- Ngày 5/3/2025, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã có văn bản gửi các tỉnh, thành phố cả nước nói chung trong đó có Hà Nội về việc hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm 2025 do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) phát động. Nhận thức vai trò sở hữu trí tuệ không chỉ là công cụ pháp lý mà còn là động lực thúc đẩy sáng tạo và cống hiến, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã có văn bản hướng dẫn các quận, huyện, thị xã tuyên truyền, hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ năm 2025 tại địa phương. Đồng thời Sở cũng có các hình thức tuyên truyền phù hợp như: Tuyên truyền trực quan tại các tổ chức, đơn vị; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên website, bản tin và tổ chức các hoạt động hưởng ứng nhằm lan tỏa thông điệp Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 2025 đến với các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các chủ thể, nhà sáng chế và các doanh nhân sáng tạo về âm nhạc để góp phần nâng cao nhận thức tôn trọng, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ về âm nhạc và các thành quả sáng tạo khác.

Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4: Hà Nội dẫn đầu cả nước về số lượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp - Ảnh 1.

Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Quốc Hà phát biểu. Ảnh: hanoimoi.vn

Chủ đề Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm 2025 cho thấy bảo hộ quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ giúp các nhà sáng chế, nhà khởi nghiệp yên tâm đóng góp, sáng tạo và lan tỏa các giá trị văn hóa, khoa học và công nghệ. Trong bối cảnh chuyển đổi số và cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ, sở hữu trí tuệ ngày càng đóng vai trò then chốt trong bảo vệ tài sản trí tuệ, giảm thiểu rủi ro vi phạm bản quyền, sao chép trái phép.

* Xin ông cho biết những kết quả trong hoạt động sở hữu trí tuệ của Hà Nội thời gian qua?

- Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều Nghị quyết và các quyết định nhằm hỗ trợ tổ chức, cá nhân đăng ký bảo hộ trong và ngoài nước đối với các sản phẩm, giống cây trồng, nhãn hiệu, sáng chế... Đồng thời, tổ chức triển khai có hiệu quả Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030.

Cùng với đó, các cấp, ngành Hà Nội cũng đẩy mạnh triển khai hiệu quả nhiều chương trình, đề án, kế hoạch về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, qua đó tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Hà Nội liên tục là địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) năm 2022, 2023, 2024. Hà Nội cũng là địa phương đứng đầu cả nước ở cả xếp hạng đầu ra và đầu vào đổi mới sáng tạo, khi dẫn đầu 14 chỉ số trong 52 chỉ số thành phần. Đặc biệt thủ đô Hà Nội cũng dẫn đầu cả nước về số lượng đơn đăng ký sở hữu trí tuệ năm 2024 khi có hơn 11.400 đơn đăng ký và gần 10.000 văn bằng sở hữu công nghiệp được cấp.

Hà Nội tổ chức các chương trình hỗ trợ đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho sản phẩm OCOP-Chương trình mỗi xã một sản phẩm, sản phẩm làng nghề, sản phẩm khoa học công nghệ, đến nay có khoảng 200 sản phẩm OCOP được bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ.

* Để giữ vững vị trí dẫn đầu cả nước về số lượng đơn đăng ký sở hữu trí tuệ cũng như dẫn đầu về chỉ số đổi mới sáng tạo, Hà Nội có những định hướng gì trong thời gian tới, thưa ông?

- Thời gian tới, Hà Nội sẽ định hướng xây dựng Thủ đô trở thành "Thành phố sáng tạo", phát triển các khu công nghệ cao, trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tập trung vào AI (trí tuệ nhân tạo), Blockchain (công nghệ chuỗi khối), chuyển đổi số và công nghệ xanh, chuyển giao và phát triển công nghệ hàng đầu Việt Nam, tiến tới trở thành trung tâm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo khu vực Đông Nam Á trong các lĩnh vực nghiên cứu cơ bản.

Đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng, trong đó đặc biệt chú trọng tăng cường giáo dục về sở hữu trí tuệ trong trường học, tuyên truyền để nhà sáng chế, nhạc sĩ, ca sĩ, tổ chức cũng như người dân nhận thức và hiểu rõ giá trị của tài sản trí tuệ.

Đặc biệt, thúc đẩy hợp tác quốc tế sâu rộng với các nước, tổ chức liên quan đến sở hữu trí tuệ, trong đó chú trọng hợp tác với Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) để tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Cùng với đó, Thủ đô Hà Nội tập trung nghiên cứu, vận dụng chính sách pháp luật mới, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ để gỡ các "nút thắt", khó khăn, vướng mắc liên quan đến hành lang pháp lý cũng như triển khai các cơ chế hỗ trợ mới theo Luật Thủ đô và các chính sách phát triển tài sản trí tuệ.

* Trân trọng cảm ơn ông!

HL/TTXVN (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm