Ngày mai, 3 nội dung kháng nghị trong vụ án đường dây đánh bạc ngàn tỉ sẽ đưa ra xét xử phúc thẩm

04/03/2019 20:07 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày mai (5/3), Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội sẽ chính thức mở phiên tòa xét xử phúc thẩm theo đơn kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ và kháng cáo của các bị cáo trong vụ án đánh bạc nghìn tỷ liên quan đến hai cựu tướng ngành Công an. Địa điểm diễn ra phiên phúc thẩm vụ án tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ.

Ngày 5/3, sẽ xét xử phúc thẩm vụ đánh bạc nghìn tỷ ở Phú Thọ

Ngày 5/3, sẽ xét xử phúc thẩm vụ đánh bạc nghìn tỷ ở Phú Thọ

Dự kiến ngày 5/3/2019, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội sẽ chính thức mở phiên tòa xét xử phúc thẩm theo đơn kháng nghị của Viện Kiểm sát và kháng cáo của các bị cáo trong vụ án đánh bạc nghìn tỷ liên quan đến hai cựu tướng ngành Công an.

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm, có 83 bị cáo tham gia phiên tòa theo kháng nghị của Viện Kiểm sát và kháng cáo của các bị cáo. Trong phiên phúc thẩm lần này, mặc dù không có kháng cáo, hai bị cáo là Phan Sào Nam (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần VTC truyền thông trực tuyến - VTC Online) và Nguyễn Văn Dương (nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao - CNC) tiếp tục phải hầu tòa do bị Viện Kiểm sát kháng nghị. Hai cựu tướng ngành Công an là Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa không có kháng cáo và sẽ không tham gia phiên phúc thẩm.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa   Ảnh: TTXVN

Trước đó, sau nhiều ngày xét xử và nghị án kéo dài, ngày 30/11/2018, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ đã tiến hành tuyên án đối với 92 bị cáo về các tội danh “Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”; “Tổ chức đánh bạc”; “Đánh bạc”; “Mua bán trái phép hóa đơn”; “Rửa tiền”; “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. 

Sau đó, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ đã có kháng nghị đối với bản án sơ thẩm số 55/2018/HS-ST ngày 30/11/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ tuyên án đối với 92 bị cáo trong vụ đánh bạc nghìn tỷ liên quan đến hai cựu tướng Công an. 

Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ kháng nghị, đề nghị Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm vụ án đối với 3 nội dung: Thứ nhất, phần áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Phạm tội có tổ chức” đối với 27 bị cáo phạm tội “Đánh bạc” trong diện từ đại lý cấp 1 trở lên. Thứ hai, phần nội dung không cho 36 bị cáo “Tự nguyện khắc phục hậu quả” được hưởng là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2009, mà chỉ áp dụng cho được hưởng tình tiết giảm nhẹ này theo quy định tại khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2009. Thứ ba là phần áp dụng tịch thu tiền sử dụng vào đánh bạc của 43 bị cáo phạm tội đánh bạc. 

Theo quyết định kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ, về việc áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo, Hội đồng xét xử đã áp dụng thêm tình tiết quy định tại điểm a khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự “Phạm tội có tổ chức” đối với các bị cáo phạm tội “Tổ chức đánh bạc” trong diện từ đại lý cấp 1 trở lên làm "bất lợi cho bị cáo".

Về việc Tòa án sơ thẩm áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ cho rằng: Hội đồng xét xử không coi việc các bị cáo tự nguyện nộp lại hết hoặc gần hết số tiền thu lời bất chính là tình tiết quy định tại điểm b khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự mà chỉ cho bị cáo hưởng tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2009. Theo đó, đa số bị cáo phạm tội “Tổ chức đánh bạc” là các đại lý cấp 1, cấp 2 và phạm tội “Đánh bạc” đều bị Hội đồng xét xử áp dụng mức hình phạt cao hơn so với mức hình phạt mà đại diện Viện Kiểm sát đề nghị từ 10 đến 18 tháng tù.

Về việc Tòa án tuyên tịch thu tiền sử dụng vào đánh bạc của người chơi bạc, Hội đồng xét xử đã buộc các bị cáo phạm tội đánh bạc phải nộp sung quỹ Nhà nước số tiền đánh bạc của phiên cao nhất đã đặt cược ngày 8 - 9/8/2016.

* Kháng nghị về tình tiết tăng nặng "phạm tội có tổ chức"

Về việc Hội đồng xét xử áp dụng thêm tình tiết tăng nặng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự “Phạm tội có tổ chức” đối với các bị cáo phạm tội “Tổ chức đánh bạc” trong diện từ đại lý cấp 1 trở lên, Viện Kiểm sát dẫn chiếu khoản 2 Điều 48 Bộ luật Hình sự quy định: “2. Những tình tiết đã là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng”.

Đồng thời, Viện Kiểm sát dẫn chiếu khoản 6 mục I Nghị quyết 02/1988 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành khoản 3 Điều 17 Bộ luật Hình sự năm 1985 “Phạm tội có tổ chức”. Theo Viện Kiểm sát, mặc dù, Nghị quyết trên hết hiệu lực năm 2016 theo quy định của Luật ban hành văn bản nhưng đến nay vẫn không có một hướng dẫn nào mới của cơ quan có thẩm quyền về nội dung này. 

"Trong vụ án này, số bị cáo là đại lý cấp 1 trở lên bị truy tố, xét xử về tội “Tổ chức đánh bạc” được quy định tại Điều 249 Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2009 nhưng có sự vận dụng các tình tiết có lợi cho bị cáo về định lượng cấu thành tội phạm theo Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2017 (5.000.000 đồng trở lên mới phạm tội). Hành vi khách quan của các bị cáo là tổ chức ra hệ thống và vận hành trò chơi đánh bạc là dấu hiệu pháp lý của tội phạm này khi định tội, song Hội đồng xét xử lại áp dụng thêm tình tiết tăng nặng là "Phạm tội có tổ chức” là trái nguyên tắc quy định của Bộ luật Hình sự như đã phân tích ở trên" - Viện Kiểm sát nhận định.

* Kháng nghị vấn đề "không coi việc các bị cáo tự nguyện nộp tiền thu lời bất chính là tình tiết giảm nhẹ"

Nội dung thứ hai mà Viện Kiểm sát kháng nghị là vấn đề Hội đồng xét xử không coi việc các bị cáo tự nguyện nộp tiền thu lời bất chính là tình tiết giảm nhẹ “Tự nguyện khắc phục hậu quả" được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự mà chỉ áp dụng cho được hưởng tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009.

Đại diện Viện Kiểm sát đề nghị, Hội đồng xét xử chấp nhận việc các bị cáo tự nguyện nộp lại từ 1/2 số tiền thu bất chính trở lên là tình tiết “Tự nguyện khắc phục hậu quả” quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi bổ sung năm 2017.

"Có như vậy mới bảo đảm sự phân hóa tội phạm trong vụ án đặc thù này (ví dụ: bị cáo Phan Sào Nam tự nguyện nộp tiền và tài sản trên 1.300 tỷ đồng tương ứng trên 90,7% số tiền hưởng lợi do tổ chức đánh bạc mà có phải khác với bị cáo Nguyễn Văn Dương chỉ nộp 240 tỷ đồng (chưa được 17% trên tổng số tiền tổ chức đánh bạc mà có). Nếu không có chính sách rõ ràng, không cho áp dụng điểm b khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2017 mà chỉ cho áp dụng tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2009 sẽ đánh đồng ý thức chấp hành pháp luật giữa người chấp hành tốt với người chấp hành ở mức độ không tốt trong việc tự giác nộp lại tài sản do phạm tội mà có" - Viện Kiểm sát lý giải.

Theo Viện Kiểm sát, đây là việc áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị cáo được quy định tại Điều 7 Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2017 bởi điểm b khoản 1 Điềụ 51 Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2017 có quy định khác và có lợi hơn cho người phạm tội so với Điểm b khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2009 ở chỗ thay "dấu phẩy” bằng từ "hoặc”. 

Cụ thể, Điểm b Khoản 1 Điều 51 quy định: "b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả"; còn Điểm b Khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2009 quy định: "b) Người phạm tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả".

Về vấn đề này, Viện Kiểm sát nhận định: khi quyết định hình phạt đối với các bị cáo, Hội đồng xét xử không dựa trên căn cứ pháp luật và mang tính chủ quan, áp đặt, trái với nguyên tắc quy định tại Điều 50 Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2017; không bảo đảm nguyên tắc công bằng về hình phạt giữa các bị cáo nên không được dư luận đồng tình. 

* Kháng nghị về việc Tòa áp dụng tịch thu tiền sử dụng vào đánh bạc

Nội dung thứ ba mà Viện Kiểm sát kháng nghị là về việc Tòa áp dụng tịch thu tiền sử dụng vào đánh bạc của người chơi bạc.

Viện Kiểm sát dẫn chiếu tại trang 167 của Cáo trạng đã nêu rõ: “về xem xét, xử lý đối với số tiền thu lời bất chính của các đại lý cũng như người chơi bạc: Do các đối tượng vận hành game đánh bạc xóa dữ liệu khi bị cơ quan điều tra phát hiện nên không thu giữ được dữ liệu trên máy chủ game về số dư tài khoản của các đại lý cũng như người chơi bạc tại thời điểm game bài bị đánh sập. Do vậy, các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự tỉnh Phú Thọ thống nhất không tính toán, truy thu đối với số tiền người chơi bạc thắng cược có thể được hưởng; cũng không truy thu số tiền chênh lệch trong việc mua bán điểm ảo giữa đại lý cấp 1, cấp 2 với người chơi bạc; mà chỉ tỉnh toán, truy thu đối với các đại lý cấp 1, cấp 2 được hưởng Vippoin và đua Top sự kiện do hệ thống vận hành game chuyển cho".

Song khi tuyên án, Hội đồng xét xử sơ thẩm vẫn buộc các bị cáo phạm tội đánh bạc phải nộp sung quỹ Nhà nước số tiền đánh bạc của phiên cao nhất đã đặt cược ngày 8 và 9/8/2016. 

"Điều này là không có cơ sở pháp lý. Thực tế không thể chứng minh được để truy thu vì đối tượng đánh bạc nạp tiền vào hệ thống game bài bằng thẻ cào hoặc mua Rik của đại lý để chơi như đã viện dẫn ở trên. Mặt khác cũng không chứng minh được thời điểm cuối cùng người chơi bạc kết thúc chơi thắng hay thua (vì đến nay không có dữ liệu máy chủ game bài sau ngày 9/8/2016)" - Viện Kiểm sát nhận định./.

Xuân Tùng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm