Barcelona dưới thời Tata Martino: Thắp mặt trời mới ở Camp Nou?

26/07/2013 18:37 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Barcelona đã bán đi tài năng trẻ tốt nhất từ La Masia lúc này (Thiago Alcantara), để dành chỗ cho một ngôi sao Brazil có lối chơi tương phản hoàn toàn với triết lý của đội (Neymar), đã bỏ qua một biểu tượng của Camp Nou trong quá khứ là Luis Enrique để chọn một HLV xa lạ không chỉ với đội bóng xứ Catalunya, mà còn với cả bóng đá châu Âu: Gerardo Martino.

Barca đang ngoảnh mặt lại với những giá trị từng làm nên thành công của họ trong 5 năm qua, và mặt trời mới đang mọc lên ở Camp Nou?



Martino là một giải pháp mới, không phải là một cuộc cách mạng

Không còn tin tưởng vào giá trị tự thân?

Hãy quên đi những trường hợp tiến thẳng từ đội B lên đội một như Sergio Busquets hay Pedro cách đây 5 năm. Neymar cũng có thể yên tâm rằng nếu chơi tốt, anh sẽ không còn bị đẩy đi một cách phũ phàng như những gì Zlatan Ibrahimovic hay Yaya Toure từng trải qua. Barca có lẽ không còn muốn giữ lại sự tin tưởng đến cực đoan vào giá trị tự thân của họ nữa. Cửa sân Camp Nou đã mở, để đón nhận những giá trị mới.

Chúng ta đã nhìn thấy sự “đứt mạch” ở vị trí “số 8”, mẫu cầu thủ giữ vai trò bản lề trong lối chơi của Barca: Sau Pep Guardiola là Xavi, sau Xavi là Iniesta, sau Iniesta là Fabregas, Busquets, và theo đúng quy trình, thì đây là thời điểm của Thiago. Nhưng anh không phải là Xavi, và Barca cũng không còn đủ niềm tin vào những sản phẩm La Masia của họ nữa, trừ những người đã được khẳng định trong 5 năm vừa qua, dưới thời Pep và Tito Vilanova.

Gerardo Martino là một cú sốc khác, không phải vì danh tiếng còn khiêm tốn so với tầm vóc Barca. Trước khi trở thành HLV trưởng Barca, Frank Rjikaard đã đưa Sparta Rotterdam... xuống hạng lần đầu tiên trong lịch sử. Pep Guardiola cầm Barca với chỉ một năm kinh nghiệm ở Barca B, còn Tito Vilanova đã từng đưa đội hạng Hai Palafrugell xuống... hạng Ba trong lần đầu tiên đảm nhiệm vai trò HLV trưởng.

Nhưng Martino chẳng hề liên quan gì đến lịch sử Barca. Ông thậm chí chưa từng làm việc ở châu Âu, và theo logic, Luis Enrique mới là cái tên hợp lý. Nhưng bây giờ không phải là lúc lôi sự tự hào ra gặm nhấm nữa.

Barca vẫn sẽ không thay đổi

Martino rõ ràng là một lựa chọn rất nhanh chóng, thậm chí theo phản xạ. Barca rõ ràng chưa muốn thay HLV, và việc Tito Vilanova rời ghế là một sự cố bất ngờ xuất phát từ tình trạng bệnh tật ngày một xấu đi. Nhưng trong cái cấp bách ấy, họ vẫn giữ được sự bình tĩnh. Nếu hoảng loạn, Barca có lẽ đã “quơ” vội Enrique, người trước hết có thể trấn an được các CĐV về mặt hình ảnh.

Nhưng Martino đã được chọn. Barca rõ ràng tìm kiếm một sự tiến hóa liên tục, chứ không phải một cuộc cách mạng bừa bãi. Lối chơi của Barca hiện tại được xây dựng bởi Pep Guardiola, với ảnh hưởng lớn từ tinh thần của Johan Cruyff, nhưng các giải pháp kỹ thuật thì lại học từ Marcelo Bielsa.

Cho đến giờ, câu chuyện Pep lái xe giữa đêm đến nhà Bielsa và thảo luận về bóng đá với ông trong 15 giờ đồng hồ vẫn là một “điển tích” được kể đi kể lại. Martino cũng có thể được xem như một “đệ tử” của Bielsa, đã hai lần giành chức vô địch Argentina cùng Newell`s Old Boy do Bielsa dẫn dắt vào đầu thập niên 1990. Triết lý của Martino cũng dựa trên những nguyên tắc cơ bản là quả bóng phải chạy, chứ không phải các cầu thủ, và chiến thắng dựa trên thế trận cầm bóng.

Nhưng HLV người Argentina vẫn có điểm mạnh hơn người thầy Bielsa của ông: Martino, dù dựa trên tinh thần cơ bản là bóng đá đẹp, luôn hướng đến sự cân bằng. Hình ảnh Paraguay ở World Cup 2010 và Copa America 2011 thậm chí còn hết sức buồn tẻ và thực dụng. Nhưng đội tuyển này đã đi đến tứ kết World Cup (thua TBN chỉ với một bàn duy nhất cuối trận) và chung kết Nam Mỹ.

Nói một cách khác, ông áp dụng tinh thần Bielsa với một sự khiêm nhường và đề cao kết quả hơn hẳn Pep. Martino khó có thể để Barca thảm bại với tỉ số kinh khủng đến 0-7 như trước Bayern tại Champions League mùa trước, dù là sau hai lượt trận đi chăng nữa. Khi kỷ luật của lối chơi tiki-taka xuống rất thấp, ông sẽ là người cứu vãn nó.

Với Martino, Barcelona sẽ không thắp lên một mặt trời mới ở Camp Nou. Ông đơn là người duy trì sự “tiến hóa” của lối chơi này. Tinh thần cơ bản thì vẫn thế, chỉ có cách tiếp cận là khác.

Họ nói gì về Martino?

Johan Cruyff: “Hãy nhớ lại Frank Rjikaard và Pep Guardiola, những người chưa từng giành danh hiệu nào trước khi tới Barca. Martino có thể tiếp bước”

Cesar Luis Menotti: “Martino là một trong số những HLV mang đến danh dự cho nghề nghiệp này, trong khi số đông có xu hướng đánh mất tự trọng. Tata đã giúp Newell`s Old Boys trở thành CLB chơi thứ bóng đá hay nhất Argentina hiện tại”

Diego Maradona: “Tôi vẫn theo dõi từng trận của Newell`s dưới thời Tata, vì tôi yêu lối chơi ấy”

Marcelo Bielsa: “Ông ấy là người đặc biệt. Tata là thủ lĩnh của đội và luôn giữ được sự bình tĩnh khi cần thiết”


Phạm An

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm